Vụ việc bé 2.5 tuổi ở Bắc Ninh bị bắt cóc lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo phụ huynh không thể lơ là trước loại tội phạm này và tính cấp thiết của việc dạy trẻ những kỹ năng mềm.
Mặc dù các bậc phụ huynh vẫn luôn cảnh giác với loại tội phạm này nhưng bọn bắt cóc cũng không dừng lại ở các hình thức lừa đảo đơn giản như đóng giả làm người quen, yêu cầu trông con hộ… mà thủ đoạn của chúng ngày càng tinh vi và phức tạp.
Mới đây nhất, 1 vụ bắt cóc xảy ra ở Bắc Ninh khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Chiều 21/8, anh Nguyễn Gia Hưng đi làm về có đưa con trai đến khu vực Công viên Nguyễn Văn Cừ đoạn đối diện hồ điều hoà TP Bắc Ninh bằng ô tô để vui chơi. Tuy nhiên, chỉ trong khoảng 5 phút, do không để ý thì cháu Gia Bảo bị kẻ gian bắt cóc. May mắn là lực lượng chức năng đã sớm vào cuộc và giải cứu thành công cháu bé.
Vụ việc một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh bák đến các phụ huynh về việc: Ngoài chuyện hết sức đề phòng kẻ gian thì cũng cần dạy con những kỹ năng nhất định để nếu có rơi vào trường hợp này thì trẻ sẽ biết cách ứng phó.
Những thủ đoạn bắt cóc tinh vi mới
1. Đóng giả nhân viên giao hàng, thợ điện, nước…
Một người mẹ đã kể lại việc con mình suýt bị những kẻ buôn người đóng giả làm nhân viên giao hàng dắt đi. Hôm ấy, con trai chị chơi một mình trong phòng khách thì có người bấm chuông tự nhận là nhân viên đến giao đồ ăn.
Tuy nhiên, người này nói với bé trai là để quên nước ngọt dưới xe nên đưa bé xuống dưới lấy đồ lên. Khi người mẹ bất ngờ chạy ra tìm con thì bé đã chuẩn bị bước vào thang máy để xuống dưới cùng người đàn ông lạ mặt.
2. Bám theo sau chờ cơ hội bắt cóc trẻ em
Các bậc phụ huynh khi ra ngoài cùng con nên đề cao cảnh giác, ngay cả khi bố mẹ đi bên cạnh con cũng chưa chắc chắn đã an toàn. Tháng 8/2016, camera an ninh ở Trung Quốc đã ghi lại được cảnh một bé trai bị bắt cóc khi đang ngồi sau yên xe mẹ.
Tên bắt cóc ra tay rất nhanh gọn, đến khi mẹ bé trai quay người lại phát hiện con mất tích thì bé đã bị bế đi rất xa.
3. Đánh lạc hướng khiến phụ huynh lơ là cảnh giác
Một bà mẹ ở đã suýt bị bắt cóc mất con khi đang đi chợ. Có một người đi phía sau 2 mẹ con đã nhắc chị: “Con rơi giày rồi kìa”, theo phản xạ, người mẹ quay lại tìm giày còn con gái chị vẫn tiếp tục đi. Lúc mẹ tìm không thấy giày con và quay đầu lại thì con đã bị người khác dắt đi mất.
4. Dựng hiện trường hỗn loạn
Một người mẹ đang đẩy xe nôi của con ra chợ mua đồ thì bất ngờ bị 1 người đàn ông lạ mặt tiến đến và đánh mình, hắn nói: “Con đang ốm mà cô còn đưa nó ra đường à?”.
Lúc này, một phụ nữ lớn tuổi bế đứa bé trong xe nôi lên và lấy lý do là cháu ốm rất nặng cần đưa đi bệnh viện ngay lập tức.
Thông thường trong các trường hợp như vậy, người ngoài sẽ chỉ cho rằng đây là mâu thuẫn gia đình nên không ai can dự vào, xem 1 lúc rồi sẽ bỏ đi ngay nên phụ huynh phải thật bình tĩnh để không bị bọn chúng làm cho hoảng loạn.
Dù xảy ra bất cứ biến cố gì vẫn phải luôn giữ chặt con mình trước.
5. Nhắm thời cơ trẻ chỉ có một mình
Một người mẹ Trung Quốc đã bị bắt cóc đứa con 5 tuổi của mình vì để bé chơi 1 mình dưới sân còn mình thì lên lầu phơi quần áo. Sau 11 năm không ngừng tìm kiếm, người mẹ này vô cùng bàng hoàng khi thấy con mình bị cắt mất lưỡi và 2 chân đang ăn xin trên phố.
Thậm chí ở Trung Quốc còn có 1 ngôi làng chuyên “đào tạo” trẻ ăn xin đường phố bằng cách cố tình biến trẻ lành lặn thành người tàn tật và vứt ra đường. Trong số đó có rất nhiều trẻ là nạn nhân của bọn bắt cóc, buôn người.
Một bé trai 2 tuổi cũng suýt bị bắt cóc khi đang chơi với các bạn trong khu phố nhà mình, dù bé đã từ chối tiếp xúc với lạ nhưng đã bị người này dùng vũ lực bắt đi. May mắn thay, người nhà bé xuất hiện kịp lúc và đưa được con an toàn trở về.
Bố mẹ phải dạy con ngay các nguyên tắc an toàn này
Nguyên tắc an toàn bố mẹ cần ghi nhớ:
1. Khi bế con đi bộ, phụ huynh cần chú ý xung quanh có ai đáng ngờ hay không. Nếu cảm thấy có người cố tình bám theo hay va chạm cơ thể với mình, cần ôm chặt con hơn và tìm nơi an toàn.
2. Cài đặt ứng dụng định vị. Nhờ có chức năng định vị GPS, những ứng dụng dạng này cho phép bạn theo dõi hành trình chính xác cũng như mức pin trên điện thoại của con.
3. Không để người già và trẻ nhỏ đi riêng với nhau vì đây là thời cơ dễ dàng hành động nhất đối với bọn bắt cóc.
4. Đeo đồng hồ có nút báo nguy khẩn cấp. Những thiết bị với nút báo nguy khẩn cấp được thiết kế dưới dạng đồng hồ, móc chìa khóa, vòng tay hay mặt trái tim. Bằng một ứng dụng di động đặc biệt, cha mẹ có thể lập tức biết vị trí của con. Và nếu trẻ nhấn nút, tín hiệu sẽ nhanh chóng được gửi về cho cha mẹ hoặc cảnh sát.
5. Đẩy xe nôi đưa trẻ ra ngoài càng cần phải để mắt hơn vì chỉ cần bố mẹ quay đầu đi, có thể con đã biến mất rồi.
6. Trừ người nhà, không nên tin tưởng bất kỳ người nào khi họ cố tiếp cận con mình.
7. Dù chỉ 1 vài phút cũng không nên nhờ người lạ trông con hộ.
8. Không để mặc con chơi đùa, chạy nhảy còn mình làm việc khác hay đọc báo, chơi điện thoại…
9. Hạn chế đưa con đến những nơi đông người, hỗn loạn để tránh con bị lạc hoặc có người lợi dụng đám đông dắt trẻ đi.
10. Khi thuê bảo mẫu hay người giúp việc, cần tìm hiểu và nắm rõ thông tin cá nhân của người đó.
Nguyên tắc an toàn cần dạy con:
11. Hét to lên “Cháu không biết chú ta/cô ta”. Nói với trẻ rằng khi một người lạ bắt được con, ngay lập tức con hãy cắn, đá, cào, cấu và cố gắng thu hút sự chú ý bằng mọi giá, ngay cả khi tình huống đó vô cùng đáng sợ. Ngoài ra, bố mẹ nên dạy con hét thật to: “Cháu không biết chú ta/cô ta. Chú ta/cô ta đang muốn bắt cháu đi”.
12. Ngắt cuộc trò chuyện và giữ khoảng cách với người lạ. Trẻ nên biết rằng mình không được phép trò chuyện với người lạ. Nếu có, cuộc trò chuyện nhất thiết kéo dài không quá 5-7 giây. Tốt nhất nên rời đi chỗ khác và tìm tới một nơi an toàn. Khi cuộc trò chuyện diễn ra, trẻ nên đứng cách người lạ một khoảng 2-2,4m.
Nếu người lạ cố gắng tiến lại gần, trẻ phải lùi lại một bước. Thực hành tình huống này với con, cho con thấy khoảng cách tầm hơn 2m là như thế nào và nhấn mạnh rằng, phải duy trì khoảng cách đó bất chấp chuyện gì xảy ra.
13. Dạy trẻ tránh đi chung thang máy với người lạ. Dạy trẻ chờ thang máy ở tư thế quay lưng lại tường để con có thể quan sát thấy bất cứ ai đang tiến lại gần. Nếu đó là một người lạ hay một người gần như không quen biết lắm, trẻ nên đưa ra một lời cáo lỗi để không vào chung thang máy với người này.
Lựa chọn tốt nhất là giả vờ để quên thứ gì đó hay phải đi để kiểm tra hòm thư. Nếu người đó khăng khăng mời con vào thang máy, con bạn nên đáp lại một cách lịch thiệp như sau: “Bố mẹ cháu nói cháu chỉ nên đi thang máy một mình hoặc cùng với hàng xóm”.
Nói với con bạn rằng nếu một người lạ cố gắng lôi con vào thang máy tìm cách bịt miệng con, điều cực kỳ quan trọng là phải đánh, đấm, la hét, cắn cho tới khi người lớn tới giải cứu.
14. Không để người lạ biết bố mẹ đang đi vắng. Giải thích cho con bạn rằng nếu có tiếng gọi cửa nhưng không trông thấy ai qua lỗ khóa và không có tiếng đáp lại cho câu hỏi: “Ai đấy?”, con nhất định không được mở cửa, dù chỉ hé một chút xíu để xem chuyện gì đang xảy ra.
Ngoài ra, trẻ cũng không được phép để người lạ biết bố mẹ đang đi vắng, cho dù người lạ kia khẳng định mình là bạn với bố mẹ hoặc nói rằng, anh ta/cô ta là thợ sửa chữa. Nếu một người lạ tỏ ra kiên trì và cố gắng đột nhập vào nhà, trẻ phải gọi ngay cho cha mẹ hoặc hàng xóm.
15. Lập mật mã gia đình. Nếu ai đó nói với trẻ: “Đi theo cô/chú. Cô/chú sẽ dẫn cháu đến chỗ bố mẹ”, điều đầu tiên mà trẻ nên làm là hỏi lại người lạ: “Tên bố mẹ cháu là gì? Mật khẩu gia đình cháu là gì?”.
Bạn nên lập ra một câu có vai trò như mật khẩu dùng trong các tình huống khẩn cấp. Sử dụng cụm từ ít ai nghĩ tới sẽ gây khó khăn cho người lạ có thể đoán ra, như “Cam Bông” chẳng hạn.
Theo Pháp luật và bạn đọc