Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng và sớm công bố đề thi tham khảo cho Kỳ thi THPT quốc gia 2020 phù hợp giảm tải chương trình do Covid-19, làm định hướng cho các nhà trường tổ chức dạy học, ôn tập, do vậy giáo viên và học sinh không quá lo lắng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, một số chuyên gia giáo dục có đề xuất cắt, giảm số môn thi trong Kỳ thi THPT quốc gia 2020. Chiều 17-3, thay mặt Bộ GD-ĐT, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT đã chính thức phản hồi về vấn đề này.
Theo đó, ông Mai Văn Trinh cho biết, trong điều kiện cụ thể của giai đoạn này, thực hiện Kết luận số 51 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Kỳ thi THPT quốc gia sẽ được giữ ổn định trong giai đoạn 2017-2020; kết quả của kỳ thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT; đánh giá chất lượng giáo dục của các địa phương và làm cơ sở để tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Trên thực tế, tuyệt đại đa số các trường đại học đều sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh ở các mức độ khác nhau.
Do đó, Kỳ thi THPT quốc gia 2020 sẽ được tổ chức với phương thức ổn định như năm 2019. Tuy nhiên, trong bối cảnh của dịch Covid-19; Bộ GD-ĐT sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.
Cụ thể, sẽ nghiên cứu giảm tải chương trình để vừa đảm bảo mục tiêu giáo dục vừa phù hợp với điều kiện dạy học của các nhà trường trong điều kiện ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng và sớm công bố đề thi tham khảo cho Kỳ thi THPT quốc gia 2020 phù hợp giảm tải chương trình do Covid-19, làm định hướng cho các nhà trường tổ chức dạy học, ôn tập, do vậy giáo viên và học sinh không nên quá lo lắng.
Ông Mai Văn Trinh cũng cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục chủ động bám sát diễn biến của dịch Covid-19 để có các giải pháp phù hợp trong dạy học và thi theo tình hình thực tế diễn biến của dịch bệnh và theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
Trước đó, một số chuyên gia cho rằng, trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, nên chăng cần có giải pháp dài hơi cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay.
Một số chuyên gia cho rằng, nếu tình hình nghỉ còn kéo dài, không còn quỹ thời gian, nên chăng hủy kỳ thi THPT quốc gia. Một số chuyên gia khác đề xuất, tiếp tục thi THPT quốc gia nhưng cần tinh giản một số kiến thức trong giai đoạn nghỉ dịch Covid-19, bỏ một số môn thi hoặc thay đổi cách ra đề thi sao cho phù hợp với tình hình thực tế.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Marie Curie Hà Nội đã viết thư đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ xem xét và quyết định về Kỳ thi THPT quốc gia 2020, chỉ thi các môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ; bỏ các bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Đáng chú ý, năm nay, khi chưa xảy ra dịch bệnh, Bộ GD-ĐT chủ trương không công bố đề minh hoạ kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh phức tạp khiến học sinh tiếp tục phải nghỉ học như hiện nay, theo các chuyên gia, Bộ cần cân nhắc, xây dựng và sớm ban hành đề minh họa các môn thi, giúp học sinh và các nhà trường có kênh tham khảo chính thức để ôn tập và yên tâm về định hướng ra đề trong năm học rất đặc biệt này.
Chiều tối 16-3, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ GD-ĐT. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ GD-ĐT đẩy mạnh học trực tuyến, giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học, tại cuộc họp, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị chuyên môn của bộ sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về việc dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình để các địa phương, cơ sở giáo dục có căn cứ triển khai đồng bộ và hiệu quả. Trong đó, cần lưu ý công tác thẩm định nội dung, chất lượng các bài giảng trực tuyến. Rà soát để đưa ra phương án cắt giảm, tinh giản chương trình nhưng phải đảm bảo chất lượng; không thực hiện tinh giản cơ học mà tinh giản những nội dung không thật sự cần thiết.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn sớm hoàn thành xây dựng đề thi tham khảo Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 cho tất cả các môn theo hướng tính toán cân đối lượng kiến thức sao cho phù hợp. Cùng với đó là chủ động xây dựng phương án hướng dẫn công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ rà soát khó khăn, vướng mắc của các cơ sở giáo dục để đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ một số chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19.
Đối với lưu học sinh Việt Nam đang học tập, sinh sống tại các nước trong vùng dịch, Bộ trưởng giao Cục Hợp tác quốc tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao để nắm bắt tình hình, tâm tư, động viên và hướng dẫn lưu học sinh trong các trường hợp cần thiết.
PHAN THẢO
Nguồn: sggp.org.vn