Việc hướng nghiệp, tư vấn việc làm sắp tới có thể sẽ được tăng cường ngay từ bậc Tiểu học.
Thông tin được đưa ra ở dự thảo Thông tư quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành.
Cụ thể về công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm, ở cấp tiểu học sẽ giáo dục học sinh nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở địa phương và một số việc làm cơ bản trong xã hội.
Hướng dẫn học sinh tham gia các công việc thường ngày tại gia đình và nhà trường.
Rèn luyện, bồi dưỡng cho học sinh các kỹ năng cơ bản như: Kỹ năng quản lý bản thân; Kỹ năng xã hội; Tìm hiểu về gia đình, cộng đồng.
Qua đó, phát hiện năng khiếu của học sinh và lập kế hoạch bồi dưỡng, phát triển năng khiếu cho học sinh.
Các hình thức triển khai sẽ gồm thực hiện qua tích hợp, lồng ghép vào các môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
Tổ chức cho học sinh tìm hiểu nghề nghiệp, việc làm hiện có ở Việt Nam và trên thế giới thông qua các tài liệu giáo dục hướng nghiệp.
Tổ chức cho học sinh tìm hiểu về các nhóm nghề nghiệp, việc làm tại cộng đồng tối thiểu 1 lần/năm học.
Tổ chức tư vấn, đánh giá năng khiếu của học sinh thông qua quá trình học tập, rèn luyện và các bài kiểm tra, đánh giá năng lực.
Ảnh minh họa: Thanh Hùng
Về công tác hỗ trợ khởi nghiệp, ở cấp tiểu học sẽ tuyên truyền, giáo dục học sinh sớm nhận biết được vai trò, tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong học tập, rèn luyện.
Đồng thời, cung cấp cho học sinh các kiến thức, kỹ năng cơ bản về đổi mới sáng tạo gồm các nhóm: Công dân tích cực; Đổi mới sáng tạo; Công nghệ; Tư duy tài chính.
Hướng dẫn học sinh sử dụng các kỹ năng đổi mới sáng tạo trong học tập, rèn luyện, phát triển phẩm chất, năng lực bản thân và vận dụng trong học tập, hoạt động trải nghiệm, hoạt động cộng đồng phù hợp nhận thức, hiểu biết của học sinh.
Các hình thức triển khai đối với cấp tiểu học gồm tích hợp, lồng ghép kiến thức về đổi mới sáng tạo vào các môn học chính khóa và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về đổi mới sáng tạo cho học sinh thông qua hoạt động đào tạo ngoài giờ chính khóa, phương tiện công nghệ thông tin, hoạt động tại cộng đồng, hoạt động phối hợp với các đối tác.
Tổ chức các hoạt động, cuộc thi để thực hành, trải nghiệm, tìm hiểu về đổi mới sáng tạo, công nghệ cho học sinh, tối thiểu 1 lần/năm học.
Theo dự thảo, các cơ sở giáo dục phổ thông sẽ phải bố trí giáo viên kiêm nhiệm để triển khai các công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh. Giáo viên kiêm nhiệm công tác này chủ trì tham mưu hiệu trưởng xây dựng kế hoạch triển khai công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp của nhà trường. Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tổ chức thực hiện các nhiệm vụ.
Bộ GD-ĐT xin ý kiến góp ý của dư luận đến hết ngày 11/11/2020.
Hải Nguyên