Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học không còn quy định hình thức kỷ luật học sinh bằng phê bình trước lớp, toàn trường. Nhiều nhà giáo coi đây là bước chuyển nhân văn, phù hợp với xu hướng kỷ luật tích cực.
Kỷ luật sai cách sẽ phản tác dụng
“Thời tôi còn làm hiệu trưởng trường THPT công lập, một học sinh bị đưa ra phê bình nghiêm khắc trước toàn trường vì đấm bẹp một chiếc bảng từ. Hôm sau, học sinh này không đến trường nữa và vĩnh viễn bỏ học”. Câu chuyện này được ông Hà Đình Sơn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS, THPT ICOSchool (Bắc Giang), kể khi nhớ lại giai đoạn đầu làm lãnh đạo. “Khi ấy, tôi quản lí một cách bản năng, nhiệt huyết thì đi kèm với nóng giận. Phải thêm vài biến cố nữa, tôi mới nhận ra sai lầm trong phương pháp giáo dục của mình”, ông Sơn chia sẻ và cho biết: Việc phê bình học sinh trước lớp, trước cờ khi ấy diễn ra thường xuyên nhưng xét đến cùng, học sinh ngoan thì sợ, nhưng lại chẳng mấy khi vi phạm; học sinh cá biệt sau lưng quậy và phá phách hơn.
Từ bài học thực tế thấm thía, ông Hà Đình Sơn cho rằng: Không còn quy định hình thức kỷ luật phê bình học sinh trước lớp, trước toàn trường là đúng, tôn trọng quyền con người. Lý do, xét đến cùng, phê bình, nhắc nhở đích danh học sinh trước lớp, toàn trường không mang lại giá trị và hiệu quả, thậm chí phản tác dụng. Thay vì phê bình trực diện lỗi lầm của học sinh, giáo viên chủ nhiệm, hay hiệu trưởng hãy kể một câu chuyện tượng tự và hậu quả của nó; từ đó rút ra bài học cho học sinh toàn trường. Học sinh vi phạm có thể vì sự nhân văn đó mà rút kinh nghiệm; còn học sinh cả lớp, cả trường có thêm bài học ý nghĩa.
Cũng theo ông Sơn, việc nhắc nhở trực tiếp giữa giáo viên và học sinh mà không có người thứ ba dễ đạt hiệu quả giao tiếp hơn. Nếu học sinh tiếp tục vi phạm, hoặc mắc lỗi nghiêm trọng cần phải thông báo với phụ huynh để cùng giáo dục. Với hình thức kỷ luật “tạm dừng học có thời hạn”, ông Sơn cũng đồng tình và cho rằng, học sinh có quyền sửa sai; nếu có cơ hội quay trở lại trường khi nhận ra lỗi lầm, các em sẽ trưởng thành rất nhanh.
Cùng quan điểm ủng hộ quy định mới, cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) cho rằng: Đó là sự thay đổi nhân văn và phù hợp với xu hướng giáo dục hiện nay. “Nhiều năm trong ngành, tôi nhận ra việc phê bình học sinh trước lớp, toàn trường ảnh hưởng không tốt đến tâm lý học sinh. Đặc biệt, khi mạng xã hội phát triển như hiện nay, hình ảnh học sinh bị phê bình lan truyền sẽ mang lại hậu quả khó lường hết được”. Chia sẻ điều này, cô Nhiếp đồng thời chia sẻ: Quy định này có thể gia tăng áp lực cho giáo viên, nhưng đó cũng là cách để thầy cô bản lĩnh, thận trọng, chú ý hơn đến việc rèn kỹ năng sư phạm để tăng hiệu quả giáo dục học sinh.
Kỷ luật không phải phương pháp giáo dục
Ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long thừa nhận hình thức kỷ luật học sinh sau nhiều năm áp dụng đã dần bộc lộ những bất cập. Đơn cử việc khiển trách trước lớp, cảnh cáo trước toàn trường là hình thức kỷ luật không tích cực; đôi lúc mang lại hậu quả ngoài mong muốn. Trong thời buổi bùng nổ thông tin, nhất là thông tin trên mạng xã hội, học sinh dễ trở thành nạn nhân của cơn bão mạng. Hình ảnh học sinh mắc lỗi bị đăng trên mạng xã hội, cộng với những lời bình luận thiếu thiện chí khiến sự việc mất kiểm soát. Các em có thể gặp định kiến từ bạn bè, thậm chí bị cô lập. Nhiều em không vượt qua phải nghỉ học hoặc chọn cách phản kháng tiêu cực.
“Nhân vô thập toàn, con người ai cũng có lúc sai lầm. Ở lứa tuổi ăn chưa no, lo chưa tới như học sinh, việc mắc sai lầm, khuyết điểm là không thể tránh khỏi. Vấn đề là sai lầm đó có được người khác (thầy cô) chỉ ra và hướng dẫn, giúp đỡ sữa sai hay không. Thực tế, có lúc, có nơi dừng lại ở việc chỉ ra lỗi của người học mà không quan tâm tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sai lầm và giải pháp tốt nhất để khắc phục sai lầm đó. Với cương vị của một nhà giáo, cán bộ quản lý ở cơ sở, tôi hoan nghênh và đồng tình với thay đổi về hình thức kỷ luật của Bộ GD&ĐT tại Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Đây là bước đột phá trong quan điểm, chuyển trọng tâm từ xử lý sang giáo dục” – ông Trịnh Văn Ngoãn cho hay.
Những hình thức kỷ luật mới áp dụng với học sinh trung học, theo ông Ngoãn, cho thấy sự đồng hành của giáo viên, nhà trường, các đoàn thể và gia đình với học sinh; sẵn sàng giáo dục, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện để các em khắc phục khuyết điểm. Thông qua đó, giúp nhà trường, thầy cô và học sinh gần gũi, hiểu nhau hơn, có biện pháp giáo dục phù hợp giúp các em sớm tiến bộ, khắc phục khuyết điểm và chăm ngoan hơn. Điều này là cần thiết vì mỗi học sinh đều có hoàn cảnh, cá tính riêng. Đặc biệt, những học sinh cá tính cần được giáo viên tìm hiểu, dẫn dắt, giáo dục theo hướng phát triển tối đa nhân cách, tài năng, các khả năng về tinh thần và thể chất.
“Từ năm học 2011 – 2012, Sở GD&ĐT Vĩnh Long tổ chức tập huấn phương pháp kỷ luật tích cực cho cán bộ quản lí và giáo viên cốt cán của các trường trung học, yêu cầu các đơn vị tập huấn lại và áp dụng tại đơn vị mình. Thời gian tới sở GD&ĐT tiếp tục quán triệt và triển khai các quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về khen thưởng và kỷ luật học sinh cho cơ sở giáo dục trên địa bàn, thực hiện theo nguyên tắc lấy giáo dục làm chính, xem kỷ luật là công cụ để giáo dục chứ không xem kỷ luật là phương pháp để giáo dục. Không đặt nặng vấn đề áp dụng các hình thức kỷ luật mà chú trọng áp dụng phương pháp, biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực để góp phần hình thành nhân cách tốt cho người học” – ông Trịnh Văn Ngoãn thông tin.