Các giải pháp nâng cao hiệu quả chi ngân sách cho giáo dục được đánh giá cao

Chiều nay 10/9/2020, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Chủ nhiệm Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia cùng các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước đã có cuộc họp đánh giá Đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực chi ngân sách nhà nước cho giáo dục ở Việt Nam”.

Sau 30 tháng (từ tháng 12/2017 đến tháng 6/2020) thực hiện, Đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực chi ngân sách nhà nước cho giáo dục ở Việt Nam” do Học viện Tài chính thực hiện, PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt làm Chủ nhiệm đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước đưa ra xem xét, đánh giá.

Được biết, cho đến nay, Đề tài đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu theo đăng ký tại Thuyết minh được phê duyệt. Kết quả nghiên cứu của Đề tài đã được công bố qua 7 bài báo trên các tạp chí khoa học chuyên ngành (vượt 03 bài so với đăng ký).

Đánh giá cho thấy: Trong quá trình nghiên cứu, Đề tài đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu khối ngành kinh tế, khoa học xã hội và nhân văn. Đề tài đã đào tạo thành công 2 thạc sỹ, hỗ trợ đào tạo 1 nghiên cứu sinh, cùng 40 giảng viên của Học viện tài chính và các đơn vị phối hợp nghiên cứu.

Sản phẩm khoa học của Đề tài đã cung cấp luận cứ khoa học, tham mưu trực tiếp cho Lãnh đạo Bộ GD&ĐT trong việc ban hành các chính sách về tài chính trong giáo dục hướng tới việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước cho giáo dục. Đặc biệt, Đề tài đã có những đóng góp thiết thực, kịp thời trong quá trình xây dựng, chỉnh lý, hoàn thiện, trình Quốc hội ban hành Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục (nội dung về tài chính, tài sản, tín dụng sinh viên, học phí, học bổng,…).

Đại diện nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo

Một số sản phẩm của Đề tài đã được Vụ Kế hoạch-Tài chính, Cục Cơ sở vật chất-Bộ GD&ĐT tiếp nhận, sử dụng như:

– Cung cấp số liệu và các báo cáo bao gồm: Số liệu dự toán, quyết toán NSNN cho GDĐT năm 2016, 2017 đã được Quốc hội phê chuẩn;

– Báo cáo số liệu chi NSNN cho GDĐT năm 2018 đến thời điểm hiện nay, có ghi rõ nguồn số liệu cung cấp;

– Báo cáo đánh giá, phân tích số liệu chi NSNN cho GDĐT theo cơ cấu chi: Chi thường xuyên và chi đầu tư; Chi theo cấp học; Chi trung ương và địa phương; Suất đầu tư bình quân từ NSNN cho học sinh, sinh viên;

– Báo cáo đánh giá, phân tích về cơ chế quản lý, sử dụng NSNN cho GDĐT và các đề xuất, kiến nghị;

– Tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Luật sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục và Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT ngày 30/8/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực GD&ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

– Đánh giá tác động quy định tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đảm bảo 20% tổng chi NSNN để nghiên cứu, đưa vào Luật Giáo dục;

– Cung cấp số liệu và phối hợp làm báo cáo đánh giá thực trạng giáo dục mầm non, phổ thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long; đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới (năm 2019);

– Nhận diện vấn đề và đề xuất một số giải pháp triển khai thực hiện Luật sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học;

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu là tài liệu tham khảo quan trọng cho các cơ quan hoạch định chính sách có liên quan như Bộ tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban tài Chính Ngân sách của Quốc hội để nghiên cứu và ban hành các điều chỉnh cần thiết trong quy hoạch ngân sách cho giáo dục.

Đề tài đã tự đánh giá nghiệm thu ngày 20/01/2020 theo Quyết định số 49/QĐ-HVTC ngày 15/01/2020. Kết quả đánh giá, xếp loại “Đạt” và được Hội đồng đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét, đánh giá nghiệm thu cấp nhà nước.

PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt chủ nhiệm chương trình ghi nhận ý kiến phản biện

Phát biểu ý kiến, các thành viên Hội đồng đến từ Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch & đầu tư, Bộ GD&ĐT đều đánh giá cao giá trị của Đề tài, đồng thời đề xuất bổ sung thêm một số kiến nghị để nâng cao hiệu quả ứng dụng thực tế.

Đề tài đã huy động được một đội ngũ các chuyên gia về kinh tế đã giải quyết được nhiều vấn đề tài chính trong giáo dục. Kiến nghị của các thành viên hội đồng đều tập trung vào việc nhóm nghiên cứu cần tiếp tục hoàn thiện để vừa mang tính khả thi vừa đạt được yêu cầu thực tế nhiệm vụ, đồng thời đảm bảo được ý hiệu lực trong thi hành.

Từ thực tế lãnh đạo ở địa phương trong nhiều năm, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề xuất một số ý quan trọng. Trong đó, đề tài có nêu phân bổ ngân sách theo vùng, số học sinh là rất đúng, nhưng phải hài hòa giữa các tiêu chí. Dẫn chứng về kiên cố hóa trường lớp học, định mức xây dựng nó phải cao hơn. Có những vùng để xây một phòng học, vật liệu mua rất khó vận chuyển, chi phí đầu tư vận chuyển vật liệu tăng. Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của Đề tài phải đạt được hiệu quả về kinh tế, kết quả về xã hội. Giúp cho công tác lãnh đạo chỉ đạo điều hành phù hợp hơn. Mở ra hướng nghiên cứu tiếp theo, huy động các nguồn lực tài chính cho giáo dục từ mầm non đến phổ thông và giáo dục đại học.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Chủ nhiệm Chương trình thay mặt Hội đồng đánh giá cao cố gắng của nhóm nghiên cứu có nhiều đóng góp trong cả quá trình thực hiện đề tài, đã cung câp luận cứ cho các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ GD&ĐT để thực hiện các nhiệm vụ. Nhóm đã tích cực đi khảo sát trong và ngoài nước để có thêm thông tin chia sẻ, đánh giá, kiến nghị có tính khả thi cao hơn. Bộ trưởng tóm lược 5 nhóm ý kiến còn băn khoăn, đồng thời đề xuất nhóm nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh:

Thứ nhất là phạm vi đối tượng, Đề tài chưa đề cập đến mảng đại học, cần bổ sung chứng minh được hiệu quả đầu tư để nhìn nhận đầy đủ hiệu quả đầu tư từ bậc mầm non, phổ thông đến ĐH. Thứ hai là khái niệm thuật ngữ nêu ra, chưa được tường minh về nội hàm, thế nào là hiệu lực, thế nào là hiệu quả nguồn lực, nâng cao ra làm sao.

Thứ ba là cơ sở dữ liệu, các thành viên đánh giá cao, nhưng có nhiều cái chưa thể hiện hết để đưa ra phân tích kiến nghị. Thứ tư, nghiên cứu phải chốt ra cái điểm sáng là gì, đặc biệt là các điểm tối để tập trung vào giải quyết, đưa tiêu chí phân bổ ngân sách hợp lý. Thứ năm, cần quan tâm nhiều hơn đó là kiến nghị, giải pháp, những nội dung đưa ra là chưa xứng tầm.

Bộ trưởng đề nghị, căn cứ vào các phân tích trên, nhóm nghiên cứu tổ hợp các nhóm vấn đề, gắn với các nhóm đổi tượng để kiến nghị các bộ, ngành hữu quan để có những điều chỉnh phù hợp. 

Nguồn: giaoducthoidai.vn

Recommended For You

About the Author: @dmin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *