Để học sinh vừa có “đức – tài”, các trường học chú trọng GD nhân cách song hành với kiến thức. Bên cạnh đó, đặc biệt chú ý đến giáo dục truyền thống cho HS để các em biết gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc.
Trường Tiểu học số 2 thị trấn Plei Kần tổ chức nhiều góc thư viện xanh.
Giáo dục mang tính toàn diện
Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh văn hóa là con người, để chấn hưng văn hóa phải bắt đầu từ giáo dục. Chia sẻ ý kiến cá nhân về quan điểm trên, thầy Bùi Văn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) cho hay: Đây là suy ngẫm rất sâu sắc. Bởi trước sự phát triển của xã hội hiện nay có nhiều vấn đề ảnh hưởng đến nền văn hóa giáo dục mang tính truyền thống. Bên cạnh đó, có những yếu tố truyền thống đang dần bị quên lãng. Do đó, mỗi người trong xã hội phải đặt vấn đề, nhìn nhận lại bản thân trên góc độ văn hóa.
Theo thầy Minh, giáo dục phải mang tính toàn diện. Trong đó, giáo dục gắn liền với văn hóa, tư tưởng, đạo đức, lối sống. “Để giáo dục các em học sinh trở thành con người hoàn hảo, nhà trường thường xuyên quan tâm đến việc giáo dục đạo đức lối sống. Đặc biệt, toàn trường có 340 học sinh, nhưng có đến 40% là người dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn.
Chính vì vậy, nhà trường đặc biệt chú ý đến những học sinh này để động viên, khích lệ các em cố gắng vươn lên trong học tập. Bên cạnh việc dạy kiến thức nhà trường cũng chú trọng giáo dục nhân cách, văn hóa cho học sinh để giúp các em phát triển toàn diện và trở thành người có ích cho xã hội”, thầy Minh nói.
Còn cô Hoàng Thị Hoà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) cho rằng: Giáo dục đào tạo là giúp học sinh phát triển hết các yếu tố “đức – tài”. Chính vì vậy, nhà trường chú trọng rèn luyện cho học sinh kỹ năng, phẩm chất, đạo đức lối sống. Bên cạnh đó, hướng nghiệp cho học sinh để có nền tảng khi trưởng thành.
Theo cô Hoà, mỗi học sinh phẩm chất, hoàn cảnh và cá tính khác nhau. Có em mạnh về học thức, có học sinh phát triển về kỹ năng, năng khiếu. Chính vì vậy, nhà trường phải thường xuyên quan tâm phát triển năng lực phẩm chất song song với kiến thức. Từ đó, giúp các em phát huy được năng khiếu của bản thân để phát triển toàn diện; biết giao tiếp, ứng xử với mọi người; yêu thương con người và tôn trọng những người xung quanh.
Gìn giữ văn hóa truyền thống
Chị Trần Thị Mai Hoa (trú tỉnh Kon Tum) có 2 người con. Con lớn năm nay học lớp 9 còn con nhỏ mới vào lớp 1. Theo chị Mai Hoa, trước sự phát triển của kinh tế – xã hội, mạng xã hội cũng len lỏi vào từng nhà, thế hệ trẻ. Chị Hoa không phủ nhận những lợi ích mà mạng xã hội mang lại, nhưng bên cạnh đó nó cũng có những tác động không tốt, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của mọi người, đặc biệt là học sinh.
Cùng với giáo dục gia đình, chị Mai Hoa nghĩ rằng, giáo dục trong nhà trường đóng vai trò quan trọng đến sự phát triển của các em. Do đó, chị luôn mong muốn con của mình học kiến thức song hành cùng văn hóa, đạo đức và nhân cách. Có như vậy, các em mới có thể hoàn thiện bản thân và góp phần phát triển quê hương, đất nước.
“Gia đình không chỉ giao phó con em mình để nhà trường giáo dục mà mỗi phụ huynh phải đồng hành cùng con. Ngoài thời gian trên trường lớp, chúng tôi cũng sắp xếp công việc để có thể trò chuyện, tâm sự cùng con khi ở nhà. Để con dần hoàn thiện bản thân, trước tiên gia đình giáo dục các cháu phải biết nếp nhà và xa hơn là gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, phải biết đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập cũng như cuộc sống hàng ngày”, chị Mai Hoa nói.
Chia sẻ quan điểm về chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục, ông A Jar, người dịch sử thi tỉnh Kon Tum cho hay: Trước sự phát triển của xã hội, văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Tây Nguyên đang dần bị mai một. Những người trẻ không còn mặn mà với nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Do đó, ông A Jar hy vọng giáo dục trước tiên từ văn hóa truyền thống để người dân, đặc biệt là lớp trẻ hiểu, yêu quý và gìn giữ các giá trị của dân tộc. Để văn hóa truyền thống ngày càng phát triển, ông A Jar mong muốn chính quyền sẽ có những chính sách đặc thù để quan tâm, khuyến khích người dân yêu quý và gìn giữ nét văn hóa bản địa.
Bên cạnh đó, có sự hỗ trợ về vật chất cho những nghệ nhân, người tâm huyết với văn hóa dân tộc để có thể truyền dạy cho thế hệ trẻ. Còn đối với những người tham gia học cũng cần có những khuyến khích về mặt tinh thần, vật chất bởi cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn.