Chắp cánh cho học sinh dân tộc thiểu số vươn cao, bay xa

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất cao nguyên Bắc Hà (Lào Cai), 16 năm qua, dấu chân cô giáo Lâm Thị Hoa (sinh năm 1976) đã in khắp các bản làng để mang cái chữ đến với đồng bào mình. Cô yêu mảnh đất này và dành trọn tình yêu ấy cho việc đưa đò cho từng lớp học sinh bay cao, bay xa hơn.

Cô Lâm Thị Hoa và học sinh

Cô Lâm Thị Hoa sinh ra và lớn lên ở thôn Đội 2, xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai trong một gia đình có tới 10 anh chị em. Sống trên vùng đất rừng heo hút gió sương bằng nghề trồng lúa, hái chè, cô bé Lâm Thị Hoa đã trải qua những ngày tháng khốn khó, thiếu ăn thiếu mặc và ngày ngày phải làm lụng vất vả để phụ giúp gia đình sinh sống.

Không chỉ vất vả trong cuộc sống lo cái ăn, cái mặc hàng ngày, cô Hoa cũng như những đứa trẻ dân tộc sống ở vùng núi này phải đi bộ rất xa để đến trường, bất kể nắng, mưa, gió rét đến cắt da cắt thịt. Ròng rã suốt 12 năm lội không biết bao con suối, đi qua bao con dốc, cô Hoa cũng quyết tâm học xong chương trình trung học phổ thông, tiếp bước ước mơ của mình bằng con đường học ngành sư phạm.

Cô tâm sự: “Thời điểm đó, cuộc sống của trẻ em miền núi thực sự vô cùng khó khăn, không mấy người học hết được chương trình phổ thông, đa số đều lấy chồng sớm rồi gắn bó với ruộng nương, con cái. Điện cũng chưa vào tới bản làng, thời tiết thì khắc nghiệt, vậy mà những đứa trẻ chúng tôi cứ lăn lộn băng rừng vượt suối để học cái chữ với khát khao được bay ra khỏi cánh rừng, bay đến một vùng trời rộng lớn hơn. Lúc ấy, tôi chỉ có một khát khao duy nhất là được trở thành cô giáo, giống như thầy cô của mình, đứng trên bục giảng, mang kiến thức bao la truyền đạt lại cho những học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa”.

Tốt nghiệp trung học phổ thông, cô Lâm Thị Hoa nộp hồ sơ xin học tại Trung tâm Bồi dưỡng Thường xuyên huyện Bảo Thắng, Lào Cai. Sau hai năm học sư phạm, cô tốt nghiệp ra trường và trở về Bản Liền làm cô giáo, thỏa mãn khát khao được “mang cái chữ” về quê hương mình. Giờ đây, cô là một trong những giáo viên lâu năm nhất dạy tại ngôi trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Liền.

Trong 16 năm công tác, cô đã vượt qua nhiều khó khăn do là người dân tộc sống sinh ra và lớn lên tại địa phương, chưa có điều kiện tiếp xúc với công nghệ cho nên về mặt này cô còn gặp nhiều hạn chế. Trong khí đó, xã hội ngày một phát triển, các phương thức giảng dạy ngày càng công nghệ hóa. Để nắm bắt kịp thời, cô phải ngày đêm mày mò học hỏi, khắc phục hạn chế này để mang đến những bài giảng sinh động, bổ ích cho học sinh. Trong những năm qua, cô cũng không ngừng học hỏi, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn để việc giảng dạy ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của học sinh. “Hạnh phúc nhất của tôi là tiếp tục được đứng trên bục giảng, được sống với nghề và được nhìn lớp lớp học sinh lớn lên, vươn cao, bay xa, sống có ích cho xã hội và quê hương”, cô trải lòng.

Sau nhiều năm cống hiến, cô đã đạt được nhiều thành tích trong công việc giảng dạy, nhưng thành tích mà cô trân trọng nhất chính là rèn rũa cho lứa học sinh, chủ yếu là những em người dân tộc thiểu số ở vùng cao nắm bắt được những kiến thức chuyên sâu, có thành tích học tập tốt không thua gì học sinh thành phố. Cô Lâm Thị Hoa mong muốn phụ nữ tại địa phương có điều kiện học tập, làm kinh tế để thoát nghèo, có điều kiện và thời gian nuôi dạy con cái, tiếp cận nhiều hơn với công nghệ thông tin, hiểu biết rộng hơn để cải thiện cuộc sống, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

An Khê

Theo: Phụ Nữ Việt Nam

Recommended For You

About the Author: @dmin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *