Chuẩn bị tốt nhất cho ‘mở màn’ đổi mới, chú trọng chất lượng

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên chương trình GDPT tổng thể (GDPT 2018) được triển khai, bắt đầu từ SGK lớp 1. Hiện nay, việc triển khai ở các địa phương đang vào nhịp. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, chuẩn bị về cơ sở vật chất, giáo viên cho chương trình mới cần được ưu tiên, đặc biệt là chú trọng chất lượng giáo dục.

Cô và trò tự tin, hào hứng với chương trình mới

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã kiểm tra công tác triển khai chương trình GDPT tại Thái Bình.

Tại trường tiểu học Đông La (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), chia sẻ về việc dạy học theo chương trình, sách giáo khoa mới, cô giáo Đặng Thị Thu Lan, giáo viên nhà trường cho biết: Qua những buổi dạy đầu tiên theo chương trình GDPT 2018, học sinh rất vui vẻ, hào hứng học tập. Các em chủ động, tích cực học tập, tự nắm bắt kiến thức, từ đó ghi nhớ bài học tốt hơn, các hoạt động giáo dục cũng giúp các em được phát triển năng lực, phẩm chất của bản thân, biết liên hệ với thực tế.

Cô giáo Thu Lan cho rằng, để dạy được học sinh chuyển từ việc “học xong biết cái gì” sang “học xong biết làm gì” theo yêu cầu của chương trình GDPT 2018, mỗi giáo viên phải thay đổi trong cách dạy học so với trước đây. Ngoài việc được tham gia các lớp tập huấn về chương trình GDPT 2018, tập huấn về sử dụng SGK lớp 1, giáo viên còn thường xuyên tự vào tìm hiểu, học hỏi các bài giảng mẫu theo chương trình mới trên hệ thống quản lý học tập của Bộ. Từ đó, xây dựng kế hoạch dạy học và thiết kế bài giảng riêng cho học sinh của mình.

Cô Thu Lan nói: “Các hướng dẫn trước đây của Bộ GD&ĐT về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, hướng dẫn triển khai thực hiện phương pháp Bàn tay nặn bột và các phương pháp dạy học tích cực khác, cơ bản đã giúp tôi làm quen với việc dạy học thông qua các hoạt động giáo dục. Do đó, khi thực hiện chương trình mới, tôi không bị bỡ ngỡ và dễ bắt nhịp đổi mới để đáp ứng yêu cầu của chương trình”.

GĐ Sở GD&ĐT Thái Bình Nguyễn Viết Hiển cho biết, để triển khai chương trình GDPT 2018, tỉnh đã tăng cường đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy – học. Từ năm 2018 đến nay, địa phương đã xây mới và bàn giao đưa vào sử dụng hơn 1.400 phòng học, 145 phòng học bộ môn, 276 công trình phụ trợ. 100% giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020-2021 của tỉnh đã hoàn thành bồi dưỡng về chương trình và sử dụng sách giáo khoa mới. Đơn vị này đang tiếp tục các hoạt động bồi dưỡng cho CBQL cơ sở giáo dục, giáo viên theo các yêu cầu và lộ trình Bộ GD&ĐT đã đề ra.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình cho biết: “Chúng tôi đã thành lập các tổ chuyên môn gồm giáo viên cốt cán theo từng môn học để hỗ trợ và tháo gỡ những khó khăn giúp giáo viên đại trà khi triển khai bài dạy. Các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, tổ chuyên môn cũng sinh hoạt đều đặn hàng tháng và xây dựng chuyên đề dạy học cho học sinh”.

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên chương trình GDPT tổng thể (GDPT 2018) được triển khai, bắt đầu từ SGK lớp 1. Ảnh: T.F

Chú trọng chất lượng khi triển khai chương trình

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, việc triển khai chương trình GDPT 2018 phải đặc biệt chú ý đổi mới phương pháp tổ chức dạy học và quản trị nhà trường để phát triển được phẩm chất, năng lực cho học sinh. Với lớp 1 năm nay là lớp đầu tiên áp dụng chương trình mới, phải chú trọng về chất lượng. Vì vậy, cần ưu tiên những gì tốt nhất từ đội ngũ nhà giáo đến cơ sở vật chất cho lớp học mở màn sự đổi mới này.

Các lớp học còn lại của cấp tiểu học, Thứ trưởng yêu cầu tiếp tục thực hiện hiệu quả Công văn 4612 của Bộ GD&ĐT. Trong đó, lưu ý 4 yêu cầu cần đổi mới là: Xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá; tăng cường chỉ đạo, quản lý hoạt động dạy học, giáo dục. Đối với các lớp đang học chương trình hiện hành nhưng ngay khi chuyển cấp sẽ áp dụng chương trình GDPT 2018 (lớp 5 và 9), Bộ GD&ĐT sẽ có kế hoạch chỉ đạo việc bổ trợ cho học sinh để các em không bị bỡ ngỡ khi tiếp cận chương trình mới.

Cùng với những chỉ đạo về việc chăm lo đội ngũ nhà giáo; chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; tăng cường giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục, tạo điều kiện để nhà trường và đội ngũ giáo viên có môi trường làm việc tốt.

Là năm đầu tiên triển khai sách mới, chương trình mới, tại nhiều trường học, các giáo viên cũng đều dành thời gian trao đổi với phụ huynh học sinh về những nội dung đổi mới, đề nghị phụ huynh cùng tham gia, hỗ trợ quá trình học tập của con để việc triển khai sách và chương trình được hiệu quả. Cô giáo Nguyễn Thị Lý, trường TH Lê Quý Đôn, quận Hà Đông, Hà Nội cho rằng: Riêng đối với lớp 1, cách tiếp cận của nhiều cuốn sách đã có sự đổi mới, các em học vần, ghép vần cũng có những bài học được thiết kế khác đi, vì vậy, rất cần phụ huynh cùng chú ý quá trình học tập của con để hỗ trợ cho cả cô cả trò trong việc thực hiện thành công chương trình GDPT 2018.

T.Fan

Nguồn: baomoi.com

Recommended For You

About the Author: @dmin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *