Cô giáo Mường và ‘lớp học xuyên biên giới’ của học sinh vùng cao

Cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên trường THPT Hương Cần, tỉnh Phú Thọ, đã đem đến cho các học sinh vùng cao niềm đam mê tiếng Anh với ‘lớp học xuyên biên giới’. Cô cũng là một trong những gương mặt tiêu biểu tham gia Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II tới đây.

Lớp học gắn kết học trò miền núi với thế giới

Cô giáo Hà Ánh Phượng sinh năm 1991, người dân tộc Mường, sau khi nhận tấm bằng Thạc sỹ loại ưu tại trường Đại học Hà Nội, năm 2016 cô trở thành giáo viên tại trường THPT Hương Cần (Phú Thọ).

“Mọi người thường nói “về quê là một thách thức” nhưng với tôi đó là một để thực hiện ước mơ của mình. Tôi luôn có niềm tin vào các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Với tôi, mỗi đứa trẻ người dân tộc thiểu số khi lớn lên đã có lợi thế là có thể nói được 2 ngôn ngữ và việc học 1 thêm ngôn ngữ mới là một lợi thế chứ không phải bất lợi”, cô giáo Hà Ánh Phượng cho biết.

Cô giáo Hà Ánh Phượng dạy kiến thức tiếng Anh online. Ảnh chụp từ clip dạy online của cô Phượng.

Cô giáo Phượng chia sẻ thêm: “Trong một lần đi du lịch tại Sapa, tôi tự hỏi tại sao trẻ em người dân tộc ở Sapa lại có thể nói tiếng Anh hồn nhiên lưu loát đến thế trong khi học sinh quê mình cũng là người dân tộc thiểu số thì khó. Và tôi nhận ra điểm khác nhau ở 2 chữ “ môi trường”.

“Quan điểm dạy và học từ trước đến nay của tôi là “Anh ngữ là sinh ngữ”. Việc học ngoại ngữ cần phải có môi trường, nếu không có môi trường luyện tập thì tự ngôn ngữ sẽ không tồn tại được nữa. Đó là lí do vì sao tôi đã tìm đến mô hình lớp học xuyên biên giới và các phương pháp dạy học tích cực trong giờ học. Hai phương pháp giảng dạy này đã được báo cáo tại các tại hội thảo quốc tế, để rồi nhìn lại chúng tôi đã có những kỉ niệm vô cùng đáng nhớ”, cô giáo Phượng cho biết.

Mô hình “lớp học xuyên biên giới” của cô Phượng đã kết nối lớp học của cô và lớp học của các nước trên giới qua các giờ học tiếng Anh. Ở “lớp học” này, các em học sinh không chỉ có cơ hội được luyện tập nghe, nói, phát âm với các thầy cô giáo và các bạn nước ngoài, mở mang kiến thức về văn hóa mà còn nhân lên niềm say mê môn học ngoại ngữ.

“Từ chỗ thắp lên niềm khao khát được trở thành những công dân toàn cầu, cô và trò chúng tôi đã “du lịch không Visa” trên 40 quốc gia ở khắp các châu lục trên thế giới”, cô giáo người dân tộc Mường chia sẻ.

Sau một thời gian thực hiện, mô hình này đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, các em học sinh dân tộc thiểu số đã mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Anh và tiếng Việt, điểm kĩ năng nghe, nói của các em có chuyển biến tích cực.

Đặc biệt, các em học sinh có thể chủ động trong việc sử dụng các ứng dụng dạy học hiện đại để tiếp cận tri thức. Điều khiến cô Phượng thật sự bất ngờ là bên cạnh những ứng dụng do cô hướng dẫn, các em học sinh còn mạnh dạn đề xuất các ứng dụng nhiều tính năng hơn. Khả năng thuyết trình, khả năng làm việc nhóm, làm việc độc lập, kĩ năng giải quyết vấn đề, phát triển tư duy phê phán… ngày càng hoàn thiện là những điều mà cô nhìn thấy rõ ở các em.

Top 10 giáo viên toàn cầu

Bên cạnh dự án “lớp học xuyên biên giới”, cô giáo Phượng còn thực hiện dự án quốc tế khác về môi trường, là dự án “Nói không với ống hút nhựa”. Dự án này đã nhận được hưởng ứng bởi nhiều trường học ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam cùng nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong dự án này, học sinh đã kết hợp kiến thức liên môn để làm ra những chiếc ống hút bằng tre, nứa cung cấp miễn phí cho thầy cô và học sinh cũng như những quán nước gần trường. Các em sử dụng những cỗ máy cắt STEM tự chế tạo và cả những chuyến du lịch ảo để tuyên truyền tới nhiều học sinh trên thế giới về quan điểm chống rác thải nhựa.

Cùng với đó, với dự án “Thư viện hạnh phúc”, các em học sinh có thêm nguồn sách ngoại văn miễn phí trong việc học tập và tìm kiếm tri thức.

Cô giáo Phượng cũng có những buổi chia sẻ và phát triển chuyên môn với những người đồng nghiệp trong nước và ngoài nước qua màn hình máy tính.

“Điều khiến tôi thật sự ngưỡng mộ ở các đồng nghiệp của mình là tinh thần học tập và làm việc hăng say, bất chấp khoảng cảnh về tuổi tác, không gian. Năm năm qua, tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều, tôi hiểu rằng việc mình chia sẻ những kiến thức chuyên môn, những bài giảng về ứng dụng công nghệ thông tin tới những người đồng nghiệp chính là việc làm thiết thực để xây dựng xã hội học tập tốt hơn và có thể giúp đỡ được nhiều em học sinh hơn”, cô Phượng chia sẻ.

Năm 2020 là một năm vô cùng đặc biệt đối với cô giáo Phượng khi cô là giáo viên duy nhất của Việt Nam được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lựa chọn trong chương trình thủ lĩnh Đông Nam Á cùng 5 em học sinh trên cả nước. Đồng thời, cô Phượng cũng là giáo viên duy nhất của Việt Nam lọt vào top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu do tổ chức Varkey Foundation trụ sở tại Luân Đôn (Anh) bầu chọn.

“Tôi biết ơn, trân trọng và cảm ơn những người đồng nghiệp của tôi, những người luôn tạo động lực cho tôi để tôi được phát huy năng lực của bản thân. Tôi luôn nghĩ cần phải cố gắng nhiều hơn nữa trong mọi lĩnh vực công tác, nghiên cứu, giảng dạy. Tôi tự thấy rằng trách nhiệm của mình bây giờ là rất lớn lao, làm sao để lan tỏa được nhiều giá trị tích cực, tốt đẹp nhất tới những đồng nghiệp và các em học sinh”, cô giáo Hà Ánh Phượng cho biết.

Bài, ảnh: Thu Trang/Báo Tin tức

Recommended For You

About the Author: @dmin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *