Rating không xếp hạng theo thứ tự mà các trường đại học có thành tích gần nhau được xếp cùng một nhóm và gắn từ 1-5 sao (như xếp hạng khách sạn) bao gồm rất nhiều tiêu chuẩn và tiêu chí…
Hiện nay đã có 30 cơ sở giáo dục Việt Nam và ASEAN đầu tiên tham gia xếp hạng đối sánh và gắn sao do hệ thống xếp hạng đối sánh chất lượng đại học Việt Nam và khu vực UPM (University Performance Metrics – UPM) của nhóm nghiên cứu ĐH Quốc gia HN thực hiện. Đây là sản phẩm của Chương trình KHCN quốc gia về Khoa học Giáo dục do Bộ GD-DT chủ trì.
Phóng viên Dân trí đã trao đổi với GS Nguyễn Hữu Đức – Nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN– người sáng lập hệ thống xếp hạng đối sánh này.
Phát hiện điểm mạnh, điểm yếu của trường đại học
Phóng viên: Hệ thống đánh giá đối sánh chất lượng đại học UPM vừa phát triển hình thức xếp hạng đối sánh gắn sao như khách sạn và lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam và khu vực ASEAN, GS có thể cho biết nguyên tắc của xếp hạng này như thế nào?
GS Nguyễn Hữu Đức: Những năm gần đây, xếp hạng đại học (ranking) đã trở nên quen thuộc ở nước ta. Các bảng xếp hạng này thường khảo sát được khoảng 10-12 tiêu chí, trong đó chỉ số công bố quốc tế chiếm trọng số chủ yếu nên có thể cho những cái nhìn khá phiến diện về chất lượng trường đại học.
Phương pháp thu thập dữ liệu để xếp hạng luôn hàm chứa một mức độ dung sai nhất định trong số liệu, nhưng thứ hạng trên dưới, so sánh đẳng cấp trường này với trường khác quá rõ ràng.
Do vậy dễ có hiện tượng 2C giữa các trường đại học, chuyển từ hợp tác (Cooperation) sang cạnh tranh và “ganh đua” (Competition).
Để khắc phục các hạn chế trên, từ năm 2010 lại đây, một xu hướng xếp hạng khác đã được phát triển và áp dụng. Đó là xếp hạng đối sánh và gắn sao (rating) mà các bảng xếp hạng QS-Stars, U-Multirank và gần đây là bảng AppliedHE đang thực hiện.
Thứ nhất, rating không xếp hạng theo thứ tự. Các trường đại học có thành tích gần nhau được xếp cùng một nhóm và gắn từ 1-5 sao (như xếp hạng khách sạn).
Thứ hai là rating bao gồm rất nhiều tiêu chuẩn và tiêu chí, có mức độ bao quát như kiểm định chất lượng.
Thứ ba, rating có đặc trưng đối sánh theo các mốc chuẩn, theo chỉ tiêu đặt ra.
Đây là một tiếp cận kiểm định giúp xác định một cách chi tiết những điểm mạnh và điểm yếu của một trường đại học.
Với tiếp cận như vậy, xếp hạng đối sánh còn có thể cung cấp cho các trường đại học một bộ chỉ số cơ bản, làm công cụ quản trị chiến lược và hỗ trợ kiểm định chất lượng rất hiệu quả.
Mốc chuẩn là 1000 điểm
Phóng viên: Vậy bộ tiêu chuẩn xếp hạng gắn sao UPM tiêu chuẩn như thế nào, thưa giáo sư?
GS Nguyễn Hữu Đức: Bộ tiêu chuẩn xếp hạng gắn sao UPM có 8 nhóm tiêu chuẩn (lĩnh vực) gồm 54 tiêu chí. Mỗi tiêu chí có mốc chuẩn và trọng số riêng với tổng cộng là 1000 điểm.
Tiêu chuẩn 1: Quản trị chiến lược – 5 tiêu chí, trọng số 6%.
Tiêu chuẩn 2: Đào tạo – 15 tiêu chí, trọng số 35%.
Tiêu chuẩn 3: Nghiên cứu – 4 tiêu chí, trọng số 20%.
Tiêu chuẩn 4: Đổi mới sáng tạo – 4 tiêu chí, trọng số 11%.
Tiêu chuẩn 5: Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo – 4 tiêu chí, trọng số 6%.
Tiêu chuẩn 6: Công nghệ thông tin và tài nguyên số – 10 tiêu chí, trọng số 10%.
Tiêu chuẩn 7: Mức độ quốc tế hóa – 9 tiêu chí, trọng số 6%.
Tiêu chuẩn 8: Phục vụ cộng đồng – 3 tiêu chí, trọng số 6%.
Lần lượt, chỉ số thực tế của từng tiêu chí, từng lĩnh vực (tiêu chuẩn) đều được đối sánh với mốc chuẩn và gắn sao, do vậy xếp hạng này ngoài việc giúp nhận diện tổng thể, có thể phân tích điểm mạnh, điểm yếu đến từng hoạt động, từng lĩnh vực của CSGDĐH.
Phóng viên: Dựa trên cơ sở nào để nhóm nghiên cứu đặt ra Bộ tiêu chuẩn này?
GS Nguyễn Hữu Đức: Phải thừa nhận là hiện nay có nhiều bảng xếp hạng đại học, nhưng đa số đang theo tiếp cận của các trường đại học truyền thống của thế hệ đại học thứ hai (tức là đại học nghiên cứu).
Hiện nay, đại học thế giới đã bước vào thế hệ thứ ba với hai đặc trưng căn bản là: trường ĐH không chỉ còn là nơi cung cấp nguồn nhân lực, dạy cho sinh viên lập nghiệp, làm thuê, mà còn đào tạo ra những nhà khởi nghiệp sáng tạo, có khả năng tạo ra nhiều việc làm cho xã hội; từ chỗ chỉ là trung tâm sáng tạo và chuyển giao tri thức, trường đại học trở thành nơi vừa sáng tạo vừa thực thi, khai thác tri thức mới, vốn hóa tri thức.
Chính vì vậy, việc đánh giá, đối sánh chất lượng giáo dục đại học cũng cần phải có tinh thần đổi mới sáng tạo và tính toàn diện. Các tiêu chí UPM được xây dựng dựa trên các đặc trưng đó, đồng thời hướng tới đánh giá mức độ thích ứng của đại học đối với yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.
Theo đó, trên cơ sở của cái lõi xếp hạng truyền thống, bộ tiêu chuẩn UPM phát triển thêm các tiêu chí đặc trưng của đại học trong kỷ nguyên 4.0. Đó là tinh thần khởi nghiệp và hoạt động đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số; đào tạo linh hoạt, cá thể hóa và những giá trị đạo đức mới.
Trường đạt chuẩn 5 sao là có khả năng tiếp cận nhóm 100 châu Á
Phóng viên: Theo các tiêu chuẩn trên thì UPM đang đối sánh với theo chuẩn nào? Giáo sư có thể cho biết các kết quả đối sánh ban đầu?
GS Nguyễn Hữu Đức: Chúng ta cũng nên biết là hiện nay các bảng xếp hạng thế giới là sân chơi của các đại học xuất sắc.
Nhóm 1000 đại học thế giới mới chỉ chiếm khoảng 3%, trong khi đó 97% với hơn 28.000 trường đại học còn lại cũng có vai trò của họ, cũng đóng góp đáng kể vào sự phát triển, nhưng đã không được đánh giá một cách đúng mực.
UPM quan tâm đến đối tượng này, đến đông đảo các cơ sở GDĐH Việt Nam và khu vực, phục vụ cho các trường đại học xác định và quản trị mục tiêu chiến lược để hướng tới đạt chuẩn của top 100 của đại học Châu Á.
Đặc biệt, nhiều tiêu chí gắn rất cụ thể với các mốc chuẩn của đại học định hướng nghiên cứu quy định tại Nghị định 99/2019/ NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung của Việt Nam.
Theo các tiêu chí UPM , các trường đại học (đặc biệt là các đại học định hướng nghiên cứu) đạt chuẩn 5 sao là các trường đã có khả năng tiếp cận nhóm 100 châu Á, có chất lượng hàng đầu quốc gia và bắt đầu có uy tín quốc tế.
Các đại học 4 sao là các có uy tín trong nước và khu vực. Các trường đại học 3 sao thực hiện tốt chức năng đào tạo theo phân khúc thị trường và có thể tham gia vào việc trao đổi sinh viên trong khu vực.
UPM đã hỗ trợ, tư vấn cho các trường đại học Việt Nam và khu vực ASEAN để thu thập và thẩm định CSDL từ nhiều nguồn, trong đó có cả dữ liệu kiểm định chất lượng.
Kết quả ban đầu đạt được là ĐHQGHN cùng hai trường thành viên là ĐH Khoa học Tự nhiên và ĐH Công nghệ, Trường ĐHBKHN và Trường ĐH Kasetsar (Thái Lan) đã đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Nhóm CSGDĐH đạt 4 sao định hướng nghiên cứu gồm ĐH Huế cùng các trường thành viên ĐH Y-Dược, ĐH Khoa học, ĐH Sư phạm, các trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Dược Hà Nội, ĐH Vinh, ĐH Thủy Lợi, ĐH Mỏ-Địa chất, ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Phenika, ĐH Burapha (Thái Lan) và ĐH Malang (Indonesia).
Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế là trường ĐH thuộc khối khoa học xã hội đầu tiên đánh giá theo định hướng nghiên cứu đã đạt chuẩn 3 sao.
Theo định hướng ứng dụng, đạt chuẩn 4 sao có các trường ĐH Ngoại Thương, Học viện Ngoại giao, ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Quy Nhơn, ĐH Nguyễn Tất Thành và ĐH West Visayas (Philippines).
Nhóm 3 sao có các trường ĐH Thành Đô, ĐH Nam Cần Thơ, ĐH Tây Đô, ĐH Phan Thiết, ĐH Centro Escolar (Philippines).
Cơ sở cho các hoạch định chính sách về giáo dục đại học
Phóng viên: Vì sao UPM đưa một số trường trong khối ASEAN vào danh sách các trường tham gia thực hiện đánh giá, đối sánh chất lượng lần này?
GS Nguyễn Hữu Đức: Thực tế thì trong CSDL của UPM đang có nhiều trường thuộc khối ASEAN đã đăng ký hơn, nhưng việc thẩm định chưa xong nên chưa công bố được lần này. Đây cũng là tầm nhìn và kỳ vọng của UPM: đã đến lúc mình phải làm thật chuẩn để đi xếp hạng người ta, sao ta cứ để họ xếp hạng mình và bị động mãi được.
Chỉ có điều là lần này nhờ có sự quan tâm và đồng hành của Ban thư ký AUN mà lộ trình quốc tế hóa nhanh hơn mà thôi.
Tuy nhiên, khi vào hội nhập, một số chỉ số của UPM phải được tinh chỉnh. Ví dụ, phương thức tuyển sinh của các nước rất đa dạng, UPM cứ căn cứ vào điểm thi đại học là chưa ổn.
Hoặc ngay cả một chỉ số tỷ lệ giảng viên có chức danh GS, PGS là một tiêu chí quan trọng về chất lượng đội ngũ, trong nước ta so sánh với nhau được, nhưng ở một số nước GS, PGS là do nhà trường tự phong, nên UPM cũng không chuẩn hóa được.
Có điều hay là khi tham gia với UPM, họ khác nước mình ở chỗ thay vì chất vấn tại sao tiêu chí này thế này, tiêu chí này thế kia, ít phục, thì các trường nước ngoài họ chỉ hỏi cách tính thế nào thôi, còn họ chấp nhận các tiêu chí, mốc chuẩn vì họ biết mỗi bảng xếp hạng có quan điểm và mục tiêu riêng, vừa định hướng vừa đo lường kết quả cho các trường.
Phóng viên: Đợt đầu tiên đã có tới 30 Cơ sở giáo dục đại học trong nước và khu vực tự nguyện tham gia với UPM thì ông đã có thể rút ra được các điều gì, thưa GS?
GS Nguyễn Hữu Đức: Các kết quả đánh giá đối sánh cho thấy nhiều điều thú vị và thông tin bổ ích, không những giúp cho cá nhân mỗi CSGDĐH nhận ra được các thế mạnh, những điều mình đã làm tốt và những điểm còn tồn tại, cần được cải tiến khắc phục.
UPM với vai trò là trung tâm điều phối và phân tích dữ liệu còn có thể phân tích, tổng hợp để rút ra được những thông tin hữu dụng cho các cơ quan quản lý làm cơ sở cho các hoạch định chính sách về giáo dục đại học.
Kết quả đánh giá đối sánh đợt này cho thấy có hai vấn đề lớn: Thứ nhất là những sự khác biệt và tương đồng chính giữa các trường ĐH Việt Nam và khu vực. Thứ hai là một số điểm mạnh nổi trội của nhóm các trường đạt 5 sao.
Về vấn đề thứ nhất, kết quả đối sánh xếp hạng cho thấy các trường ĐH Việt Nam và khu vực khá tương đồng về chất lượng đội ngũ giảng viên và số lượng công bố quốc tế.
Tuy nhiên, giữa hai khối trường ĐH này có sự khác biệt khá rõ trong quản trị chiến lược, về chất lượng công bố và hệ sinh thái khởi nghiệp.
Trong khi có các minh chứng cho thấy các trường ĐH khu vực tham gia đối sánh xếp hạng UPM kỳ này đã chú trọng nhiều đến khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong quản trị chiến lược thì đa số các trường ĐH Việt Nam đang ít quan tâm đến các vấn đề này hoặc giả có thì cũng mới đây thôi.
Về chất lượng công bố quốc tế thì chỉ số trích dẫn trung bình trên bài báo (cả ISI và Scopus) trong 5 năm gần nhất của các trường ĐH Việt Nam lại cao hơn hẳn; đồng thời, tỉ lệ các bài báo có hợp tác quốc tế của các trường ĐH Việt Nam cũng cao hơn các ĐH trong khu vực.
Ngược lại, số bằng sáng chế, đặc biệt là các sáng chế đăng ký ở các tổ chức sở hữu trí tuệ quốc tế thống kê trong 5 năm gần đây của các trường ĐH trong khu vực lại cao hơn của các trường ĐH Việt Nam.
Về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trong khi các không gian sáng tạo chung, công viên công nghệ cao khá phổ biến ở các trường ĐH trong khu vực thì với các trường ĐH Việt Nam vẫn còn tương đối xa lạ.
Vấn đề thứ hai là các điểm mạnh nổi trội của các trường đại học 5 sao. Kết quả đánh giá từng lĩnh vực và từng chỉ báo của các trường đại học 5 sao cho thấy có một số điểm mạnh nổi trội chung của các trường về đội ngũ giảng viên, kết quả nghiên cứu khoa học, hoạt động đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Các trường ĐH 5 sao thường có tỉ lệ GV có trình độ từ tiến sĩ trở lên đạt trên 60%; công bố quốc tế đạt tỉ lệ trên 1,5 bài báo/giảng viên/5 năm; chỉ số trích dẫn trung bình trên bài báo đạt trên 6/bài báo/5 năm; có hơn 10 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích và đặc biệt là có các trung tâm chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp.
Với các phân tích này có thể tiếp tục tư vấn cho cơ quan nhà nước về quản lý giáo dục về một số vấn đề để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam như việc chuyển trọng tâm từ việc tăng cường xuất bản bài báo quốc tế sang tăng cường cho các giải pháp hữu ích, phát minh sáng chế.
Ngoài ra, việc xây dựng không gian sáng tạo và khởi nghiệp cho các trường ĐH Việt Nam cũng là việc làm cấp thiết giúp phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong trường ĐH, làm cơ sở cho phát triển tinh thần khởi nghiệp, năng lực đổi mới sáng tạo, khả năng học tập suốt đời cho người học.
Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn GS!
Hồng Hạnh
Nguồn: dantri.com.vn