Chiều 4/7, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã có buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên về việc chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trên địa bàn tỉnh.
Đại diện địa phương, ông Đỗ Tiến Sỹ, Bí thư tỉnh ủy, cùng chủ trì. Tham dự buổi làm việc, về phía tỉnh Hưng Yên còn có ông Nguyễn Văn Phóng, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Trần Quốc Toản, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tỉnh Hưng Yên và các thành viên trong Ban chỉ đạo…
Công tác chuẩn bị cho kỳ thi đang được tích cực thực hiện
Ông Nguyễn Văn Phê – Giám đốc sở GD&ĐT Hưng Yên – cho biết: năm nay, toàn tỉnh có 12.817 thí sinh dự thi (giáo dục phổ thông: l1.294, giáo dục thường xuyên: 1.523); trong đó 4.312 thí sinh chỉ đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp, 8.046 thí sinh đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, 459 thí sinh đã tốt nghiệp những năm trước đăng ký dự thi để xét tuyển đại học. Dự kiến, toàn tỉnh có 28 điểm thi, đặt tại các trường THPT của tỉnh (có 1 điểm thi đặt tại trường THCS Đại Hưng) với tổng số 550 phòng thi.
Lực lượng tham gia trực tiếp các khâu của kỳ thi dự kiến trên 2.000 người. Trong đó tham gia khâu coi thi dự kiến gần 2.000 người, gồm 28 trưởng điểm thi, 28 phó trưởng điểm thi, 1.100 cán bộ coi thi, 99 thư kí, 210 cán bộ giám sát, 392 người lực lượng bảo vệ, phục vụ, 90 cán bộ thanh tra. Khâu chấm thi và các khâu khác khoảng 300 người; trong đó 120 người chấm thi tự luận, 14 người chấm trắc nghiệm.
Ngày 26/6 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Chỉ thị về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại tỉnh Hưng Yên. Trước đó, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quyết định về việc thành lập Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của tỉnh, gồm 29 thành viên. Ban chỉ đạo thi họp phiên đầu tiên ngày 1/7/2020 để quán triệt yêu cầu, thảo luận công việc của Ban chỉ đạo, thảo luận dự thảo kế hoạch tổ chức thi và phân công nhiệm vụ các thành viên Ban chỉ đạo.
UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập BCĐ thi cấp huyện và xây dựng kế hoạch của Ban chỉ đạo về công tác tham gia phối hợp tổ chức thi. Các sở, ngành cũng chuẩn bị kế hoạch phối hợp trong công tác tổ chức thi.
Sở GD&ĐT – cơ quan thường trực Ban chỉ đạo – đã chủ động triển khai nhiệm vụ chuẩn bị cho kì thi…
Hiện công tác chuẩn bị các điều kiện đảm bảo và lực lượng tham gia tổ chức thi đang được tích cực thực hiện. Theo đó, sở GD&ĐT chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện dự thi. Công ty Điện lực Hưng Yên xây dựng kế hoạch kiểm tra, rà soát các điều kiện để đảm bảo việc cung cấp điện ổn định tại các khu vực in sao đề thi, các điểm thi và khu vực chấm thi theo đề xuất của Sở GD&ĐT.
Công an tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức các lực lượng tham gia bảo vệ kì thi, kiểm tra các điều kiện an ninh khu vực in sao đề, khu vực chấm thi. Các sở ngành liên quan xây dựng kế hoạch theo nhiệm vụ được giao.
Ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên cho biết: ngày 1/7, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Hội nghị quán triệt kế hoạch này cũng sẽ được tổ chức vào tuần tới. “Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng công an trong tháng 7 và tháng 8; sẽ lên phương án để bảo đảm an ninh, an toàn tốt nhất cho kỳ thi năm nay” – ông Phạm Đăng Khoa khẳng định.
Đặc biệt chú ý đến yếu tố con người, nhân sự tham gia công tác tổ chức thi, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tỉnh Hưng Yên, cho biết sẽ cố gắng cao nhất, chỉ đạo tổ chức kỳ thi năm nay trên địa bàn đạt được mục tiêu đặt ra..
Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là nhiệm vụ chính trị quan trọng
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh vai trò quan trọng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo Bộ trưởng, kỳ thi này không chỉ đơn thuần là để xét công nhận tốt nghiệp THPT mà còn nhằm đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh.
“Có thể nói, đây là kỳ thi chất lượng nhất sau 12 năm học phổ thông” – nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến kỳ thi và đã phân cấp UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trực tiếp là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức Kỳ thi trên địa bàn. Bộ GD&ĐT vẫn chịu trách nhiệm chung, trong đó có việc xây dựng đề thi; phần mềm chấm thi trắc nghiệm; công tác tập huấn; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của Kỳ thi…
Chia sẻ một số điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Bộ trưởng nhắc đến việc có thêm sự tham gia của thanh tra Chính phủ và thanh tra cấp tỉnh. Năm nay, dù không huy động lực lượng từ ĐH tham gia coi thi, chấm thi, nhưng Bộ GD&ĐT huy động lực lượng này tham gia công tác thanh kiểm tra các khâu của kỳ thi. “Kỳ thi năm nay, cùng một đối tượng, một thời gian nhưng có 3 lực lượng thanh tra. Chúng tôi đã làm việc với Thanh tra Chính phủ để các khâu không bị chồng chéo. Cán bộ làm công tác thanh tra cũng được tập huấn để làm tốt nhiệm vụ” – Bộ trưởng thông tin.
Để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng cho rằng cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và các Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh; phối hợp chặt chẽ trong Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh. Ban Chỉ đạo phải phân rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, tránh chung chung. Đồng thời, cần quán triệt sâu rộng để tất cả mọi người tham gia vào kỳ thi nghiêm túc với công việc được giao.
“Kỳ thi có nhiều khâu, nhiều công đoạn, nhiều người cùng tham gia; chỉ cần một khâu có vấn đề là có thể ảnh hưởng đến toàn bộ kỳ thi; nên việc đúng vai, thuộc bài, phối hợp nhịp nhàng là rất quan trọng” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Phóng, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết: Hưng Yên đặc biệt quan tâm đến tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. “Chúng tôi coi đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng” – nhấn mạnh điều này, ông Nguyễn Văn Phóng cũng chia sẻ những kết quả giáo dục của địa phương đạt được trong những năm qua.
Trong đó, có thể nói đến việc thường xuyên duy trì được giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức 3, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS mức 2. Giáo dục phổ thông Hưng Yên luôn đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Kết quả học sinh Hưng Yên thi đỗ đại học, điểm tốt nghiệp THPT luôn ở tốp đầu cả nước. Đội ngũ giáo viên tâm huyết, có năng lực chuyên môn vững vàng, không ngừng tự học, tự bồi dưỡng…
Quay trở lại kỳ thi, ông Nguyễn Văn Phóng cho rằng: Con người là yếu tố quyết định. Trong việc chuẩn bị, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, phân công, phân nhiệm phải rõ ràng; mọi công đoạn đều phải gắn trách nhiệm cụ thể. Cùng với đó, chú trọng công tác phối hợp; lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ hơn nữa; không phải tổ chức kỳ thi chỉ trách nhiệm của ngành Giáo dục.
Nêu quyết tâm Hưng Yên sẽ tổ chức thật tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Đỗ Tiến Sỹ, Bí thư tỉnh ủy Hưng Yên đồng thời thông tin: Chiều thứ 2 tới sẽ triệu tập Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và những cá nhân có liên quan để tổ chức họp quán triệt về kỳ thi.
“Với quyết tâm chính trị rất cao, chúng tôi sẽ cố gắng cao nhất để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay” – khẳng định điều này, ông Đỗ Tiến Sỹ cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tỉnh Hưng Yên nghiêm túc tiếp thu các ý kiến tại buổi làm việc để chỉ đạo đồng bộ, kịp thời tổ chức kỳ thi trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: giaoducthoidai.vn