Tại TP.HCM hay Huế đã có nhiều điểm 9, thậm chí 9,75 môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Đến hôm nay, các địa phương trên cả nước vẫn đang gấp rút chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Thông tin từ một số giáo viên trực tiếp chấm bài thi Ngữ Văn ở các hội đồng thi cho thấy đã xuất hiện nhiều điểm 9, thậm chí điểm 9,75.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2020 (Ảnh: Thanh Tùng)
TP.HCM dự kiến ngày mai (19/8) sẽ hoàn thành chấm thi tốt nghiệp.
Để chấm thi (bao gồm cả các môn trắc nghiệm), Sở GD-ĐT TP.HCM huy động hơn 4.000 cán bộ, giáo viên. Riêng môn Ngữ Văn có 72.647 bài thi.
Một giáo viên chấm thi môn Ngữ văn “tiết lộ” trong quá trình chấm thi đã xuất hiện những bài làm tốt và đạt 8,5-9 điểm, tuy nhiên số bài này khá ít. Mức điểm nhiều thí sinh đạt được nhất là 6 và 7. Cũng vẫn có những bài thi dưới điểm trung bình, nhưng không nhiều.
Còn tại Thừa Thiên – Huế, điểm thi môn Ngữ văn tương đối tốt.
Ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên – Huế cho hay, tính đến hôm nay đã có 1 thí sinh đạt 9,75 điểm. Bài thi này được chấm qua 2 vòng độc lập, chấm kiểm tra chung và được các giám khảo thống nhất cao.
Ngoài ra, cũng xuất hiện khá nhiều điểm 8 và 9. Đa số các bài thi đều có điểm trên trung bình. Như vậy, bước đầu có thể thấy phổ điểm môn Ngữ văn của Thừa Thiên Huế rất khả quan.
Năm nay Thừa Thiên Huế, có 12.339 thí sinh dự thi môn Ngữ Văn.
Tại Kiên Giang, ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho hay hiện nay địa phương cũng đang gấp rút hoàn thành công tác chấm thi môn Ngữ văn. Dự kiến, đến ngày 23/8 Kiên Giang sẽ hoàn thành chấm thi để gửi dữ liệu về Bộ GD-ĐT trước khi công bố kết quả vào ngày 27/8.
Đề Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm nay được nhận định là quen thuộc và phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp. Phần Đọc hiểu (3 điểm) ra một văn bản nghị luận và hỏi 4 câu hỏi. Phần Làm văn (7 điểm) với 2 câu Nghị luận xã hội (2 điểm) và câu Nghị luận văn học (5 điểm). Nhiều giáo viên đánh giá, học sinh đã quen với cấu trúc đề nên không bất ngờ, bỡ ngỡ.
Phần Đọc hiểu cho một đoạn trích trong “Cách sống: từ bình thường trở nên phi thường”, hỏi 4 câu, trong đó 3 câu đầu mức độ nhận biết, câu 4 ở mức độ vận dụng.
Câu Nghị luận xã hội yêu cầu viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về một vấn đề đặt ra trong văn bản ở phần Đọc hiểu.
Câu Nghị luận văn học yêu cầu phân tích tư tưởng “Đất nước của nhân dân” trong bài “Đất nước” (Trích trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm).
Thanh Huyền
Nguồn: baomoi.com