Đào tạo trình độ Thạc sĩ và Tiến sĩ phải phù hợp với bối cảnh hội nhập và tình hình mới

Sáng 9/10, tại TP.HCM, Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT tổ chức tọa đàm lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Quy chế đào tạo trình độ Thạc sĩ và Tiến sĩ. Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc và đại diện từ 25 trường ĐH khu vực phía Nam.

Theo Vụ GD Đại học, Dự thảo Quy chế đào tạo trình độ Thạc sĩ sửa đổi nhằm điều chỉnh một số nội dung để quy định về tuyển sinh, tổ chức đào tạo trình độ Thạc sĩ cho phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, cũng như hệ thống văn bản liên quan tới khung trình độ quốc gia. Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, quy định về chuẩn chương trình đào tạo.

Dự thảo Quy chế đào tạo trình độ Thạc sĩ có nhiều điểm mới đáng chú ý như: Về tuyển sinh, quy chế hiện hành tại Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT chỉ có hình thức thi tuyển và quy định rất chi tiết về đề thi, tổ chức thi, chấm thi… Tuy nhiên, căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, bên cạnh thi tuyển, cơ sở đào tạo được phép sử dụng phương thức xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.

Dự thảo quy chế quy định tuyển sinh trình độ thạc sĩ theo hướng quy định về nguyên tắc và ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào. Trên cơ sở đó các cơ sở đào tạo xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường, từng ngành đào tạo nhưng vẫn phải tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu do Nhà nước quy định để thực hiện trách nhiệm giải trình cũng như sự giám sát của các bên liên quan và toàn xã hội.

Dự thảo cũng tăng cường quản lý chất lượng đầu ra khi quy định chuẩn đầu ra phải đạt trình độ bậc 4 theo Khung năng lực 6 bậc cho Việt Nam. Chuẩn đầu ra này cũng là điều kiện đầu vào của tuyển sinh trình độ tiến sĩ tại Việt Nam.

Các đại biểu đến từ các trường đại học tham khảo dự thảo và cùng nhau thảo luận

Dự thảo cũng đã chỉnh lý, làm rõ hơn so với quy định tại quy chế hiện hành (Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT) về yêu cầu và quy định hướng dẫn luận văn đối với chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu.

Theo đó, người có chức danh giáo sư được hướng dẫn tối đa 7 học viên; người có học vị tiến sĩ khoa học hoặc có học hàm phó giáo sư được hướng dẫn tối đa 5 học viên; người có học vị tiến sĩ từ 1 năm trở lên được hướng dẫn tối đa 3 học viên trong cùng thời gian, kể cả học viên của cơ sở đào tạo khác. Mục tiêu điều chỉnh nhằm hạn chế việc một giảng viên hướng dẫn luận văn thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu tràn lan và không đảm bảo chất lượng

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, Luật GDĐH sửa đổi đã theo hướng trao quyền tự chủ rất lớn cho các cơ sở giáo dục đào tạo, đi kèm với đó là trách nhiệm giải trình của các trường. Vì vậy, việc sửa đổi bổ sung một số điều trong thông tư đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ có ý nghĩa rất quan trọng.

Trong đó, việc nghiên cứu sửa đổi các điều, quy định về đào tạo trình độ Thạc sĩ và Tiến sĩ cho phù hợp với bối cảnh hội nhập và tình hình mới theo Thứ trưởng Phúc sẽ đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy việc hội nhập, trao đổi học thuật, khoa học với quốc tế.

“Trên tinh thần việc đào tạo trình độ Thạc sĩ và Tiến sĩ hướng đến chất lượng và hội nhập trong bối cảnh mới. Vì vậy, các trường (tự chủ) khi mở ngành, liên kết đào tạo phải nâng cao chất lượng, quy định theo hướng hội nhập để nâng cao chất lượng. Việc quy định quy định NCS (đào tạo tiến sĩ) phải có bài báo quốc tế… chính là việc hướng đến chất lượng.

Để dự thảo hoàn thiện, có các quy định mới bổ sung theo hướng gia tăng chất lượng đào tạo, tôi rất mong các thầy, cô góp ý một cách toàn diện, sâu sắc cho Dự thảo Quy chế đào tạo trình độ Thạc sĩ và Tiến sĩ”- Thứ trưởng nhấn mạnh.

PGS.TS Lê Thị Hồng Ánh- Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM góp ý tại tọa đàm

Góp ý tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc- Trưởng phòng đào tạo sau ĐH Trường ĐH Luật TP.HCM: cho rằng việc dự thảo mở thêm hướng xét tuyển đào tạo trình độ Thạc sĩ là đúng nhưng cần phải có bộ tiêu chí quy định cụ thể.

“Muốn xét tuyển phải có bộ tiêu chí để xét tuyển (hướng đến chuẩn đầu ra), Dự thảo cần làm rõ hơn”- bà Ngọc nêu vấn đề.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc: Việc Dự thảo có xây dựng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trong việc đào tạo Thạc sĩ bằng yêu cầu: Người học Thạc sĩ cần có bằng tốt nghiệp học lực khá mới được thi tuyển – đó là khép lại cơ hội cho người học. Việc này theo bà Ngọc nên để các trường chủ động đầu vào và siết chuẩn đầu ra.

Tọa đàm đã thu nhận được nhiều ý kiến đóng góp rất chất lượng từ các đại biểu

Theo Thạc sĩ Đào Thị Nhu Mì- Phó trưởng phòng đào tạo và quản lý Khoa học Hợp tác quốc tế, Nhạc viện TP.HCM; Dự thảo cần có độ mở trong quy định về trình độ người hướng dẫn, đào tạo thạc sĩ (phải từ tiến sĩ trở lên) với một số ngành, lĩnh vực đặc thù ở các trường nghệ thuật.

“Trong thực tế, ở một số ngành, trường thuộc khối nghệ thuật thường hay có nghệ sĩ (NSƯT, NSND) cùng hướng dẫn học viên nhưng họ không có bằng Tiến sĩ mà chỉ có kinh nghiệm. Do đó, rất cần quy định mới trong đào tạo với khối ngành nghệ thuật”- Thạc sĩ Mì nói. 

Recommended For You

About the Author: @dmin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *