Năm học 2019-2020, ngành GD&ĐT Hà Nội có nhiều đổi mới tích cực trong công tác giáo dục, đồng thời cũng phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức mới.
Cùng với cả nước, ngành GD&ĐT Hà Nội đã chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn cho hơn 2 triệu HS các cấp học trên toàn TP…
Chất lượng giáo dục chuyển biến tích cực trong mọi mặt
Với tinh thần “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tham mưu với thành phố, kịp thời triển khai việc dạy, học trên truyền hình, dạy học trực tuyến, học trên phần mềm ôn tập, kiểm tra trực tuyến Hanoi Study, thu hút từ 98% đến 100% HS tham gia, giúp cho hoạt động dạy học của GV và HS không bị gián đoạn, HS các cấp học đã được tiếp cận với kiến thức, với thầy cô qua môi trường internet.
Năm học vừa qua, ngành GD&ĐT Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi (HSG) quốc gia, quốc tế.
Tại kỳ thi chọn HSG quốc gia năm học 2019-2020, Hà Nội dẫn đầu cả nước về chất lượng và số lượng giải, với 15 giải nhất, 44 giải nhì, 44 giải ba và 41 giải khuyến khích; Tại các kỳ thi quốc tế, HS Thủ đô ghi dấu ấn với 338 giải và huy chương các loại.
Đặc biệt, tại kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 50 năm 2019 tổ chức tại Israel với sự tham gia của 78 nước và vùng lãnh thổ, HS Hà Nội xuất sắc giành Huy chương Vàng đưa đoàn Việt Nam đứng thứ 4/78 quốc gia tham gia; Tại Olympic Hóa học quốc tế 2019 lần thứ 51 tổ chức tại Cộng hòa Pháp với sự tham dự của 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, HS Hà Nội được trao giải thí sinh xuất sắc nhất điểm thi thực hành với điểm tuyệt đối 40/40. Đây là lần đầu tiên thí sinh Việt Nam đạt điểm tuyệt đối phần thi thực hành trong kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế.
Sở GD&ĐT đã chỉ đạo tổ chức tốt kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Hà Nội là địa phương có số điểm 10 nhiều nhất cả nước với 416 điểm 10; số lượng điểm 9 trở lên các môn thi là 28.550 điểm. Không tính thí sinh tự do, tỷ lệ tốt nghiệp toàn TP là 99,17% (trong đó đối với thí sinh THPT là 99,52%, đối với thí sinh GDTX là 96,19%) tăng 2,99% so với năm 2019.
Tăng cường hội nhập quốc tế trong GD&ĐT, ngành tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc – Chứng chỉ A Level tại Trường THPT Chu Văn An, THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam; Chương trình song bằng THCS (cấp chứng chỉ IGCSE) tại các trường THCS trên địa bàn Thành phố.
Công tác bảo đảm an ninh, an toàn, phòng chống tai nạn thương tích và phòng chống dịch bệnh trong trường học được thực hiện tốt.Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình Sữa học đường, đã có trên 1 triệu HS mầm non và tiểu học được uống sữa hàng ngày đạt tỷ lệ 91,16%.
Đặc biệt, việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia (CQG) được coi là điểm nhấn ấn tượng của ngành GD&ĐT Thủ đô. Năm 2019, tỷ lệ trường đạt CQG toàn TP là 58,8%, trong đó công lập là 71,6%. So với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2015-2020 là có từ 65%-70% số trường công lập đạt CQG thì kết thúc năm 2019, ngành GD&ĐT đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra trước thời hạn một năm, góp phần thực hiện thành công các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của TP.
Năm học 2020-2021, tập trung hoàn thành mục tiêu “kép”
Bước vào năm học mới 2020-2021, năm học đặc biệt với mục tiêu “kép” vừa đảm bảo chất lượng giáo dục vừa phòng, chống dịch Covd-19, chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần NQ29 của BCH TW Đảng tiếp tục định hướng cho các hoạt động của ngành.
Mục tiêu mà ngành GD&ĐT Thủ đô đặt ra là giáo dục Hà Nội trong thời kỳ hội nhập phải đảm bảo phát triển bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng, phát huy tối đa nội lực, từng bước tiếp cận nền giáo dục tiên tiến thế giới…
Để đạt được mục tiêu này, có 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà toàn ngành phải tập trung thực hiện. Đó là, tiếp tục tham mưu rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT trên địa bàn Thành phố. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ GV và CBQL giáo dục các cấp theo Luật Giáo dục năm 2019. Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bảo đảm an toàn trường học; công tác giáo dục thể chất cho HS. Chú trọng nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục, thực hiện chuyển đổi số trong GDĐT. Chủ động phân cấp và thực hiện tự chủ đối với các cơ sở giáo dục. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường hội nhập quốc tế trong GDĐT…
Trong đó, một trong những nhóm giải pháp cơ bản ngành cần chú trọng đó là tập trung các điều kiện để thực hiện đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018. Tăng cường đào tạo bồi dưỡng đội ngũ CBQL, GV thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cho HS, đặc biệt là đối với giáo dục vùng khó khăn…
Theo: Giáo Dục Thời Đại