Học sinh lớp 12 của nhiều địa phương chỉ cần 6 -9 tuần để hoàn thành chương trình năm học đảm bảo đủ khối lượng kiến thức để dự thi THPT quốc gia.
Đủ thời gian ôn tập và thi THPT quốc gia
Ông Lương Văn Việt, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương cho biết, từ ngày 2/3, tỉnh này đã cho học sinh THPT đi học trở lại. Đến thời điểm cả nước thực hiện lệnh giãn cách xã hội, học sinh THPT của Hải Dương đã học tập trung tại trường được 4 tuần.
“Rà soát chương trình tinh giản của Bộ, chúng tôi tính toán khối lượng kiến thức còn phải dạy ở các môn học lớp 12 nhiều nhất là 11 tuần, môn ít nhất cần 4 tuần.
Nếu học sinh đi học trở lại từ tháng 5 thì thoải mái thời gian để dạy học và ôn thi THPT quốc gia cho các em. Nhưng nếu sau 15/6 học sinh vẫn chưa đi học trở lại được, thì việc tổ chức thi THPT quốc gia sẽ khó khăn”, ông Việt nói.
Tương tự, tại Nam Định, từ ngày 2/3 học sinh THPT học trở lại đến 23/3 thì nghỉ do tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam phức tạp hơn.
Theo số liệu báo cáo của các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh, đa số các trường THPT sẽ cần 8-9 tuần nữa để hoàn thành chương trình giáo dục.
Ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cho biết, tỉnh hoàn toàn có thể đáp ứng được việc kết thúc năm học trước 15/7 như khung thời gian quy định của Bộ. Học sinh lớp 12 cũng đảm bảo được cung cấp đầy đủ kiến thức cơ bản theo chương trình đã tinh giản và ôn tập dự thi THPT quốc gia.
Thời gian vừa qua, Nam Định tổ chức dạy học trên truyền hình và internet cho học sinh, tuy nhiên mới chỉ tổ chức ôn tập các nội dung đã dạy học trực tiếp. Nếu hết tháng 4 học sinh đi học trở lại thì tỉnh này không cần dạy bài mới qua internet, trên truyền hình.
Tuy nhiên, nếu qua tháng 5 các em vẫn nghỉ thì Sở sẽ chỉ đạo dạy bài mới trên truyền hình. Những khu vực khó khăn, học sinh không có điều kiện học qua internet, tỉnh đã tính toán để tổ chức cho các em học tập trung theo từng nhóm 5-7 người ở trường hoặc nhà văn hoá xã để dạy và ôn tập bài mới.
“Dạy bài mới qua internet, hiệu quả sẽ không được như dạy học trực tiếp ở trường nhưng chắc chắn kiến thức cơ bản như yêu cầu của chương trình tinh giản sẽ đảm bảo được cung cấp đầy đủ”, ông Cao Xuân Hùng nói.
Dù có đôi chút khó khăn trong điều kiện tổ chức dạy học qua internet, truyền hình, nhưng so với một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, từ Tết đến nay các tỉnh miền núi phía Bắc lại thuận lợi khi đã tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh được nhiều tuần.
Ông Ma Thế Quyên, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn cho biết, học sinh THPT đã học được hơn 1 tháng kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
“Theo chương trình đã tinh giản thì học kỳ 2 lớp 12 chỉ còn 13 tuần. Chúng tôi tính toán, nếu học sinh đi học dù muộn hơn một chút so với mốc 15/6, thì các em vẫn hoàn thành được chương trình và dự thi THPT quốc gia”.
Tương tự, tỉnh Hà Giang đã cho học sinh đi học trở lại được 3 tuần trước khi nghỉ giãn cách xã hội nên tiến độ thực hiện chương trình của tỉnh này nhanh hơn một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM khi học sinh phải nghỉ học suốt từ Tết đến nay.
Với chương trình đã tinh giản, học sinh lớp 12 của tỉnh này còn cần 6-8 tuần là hoàn thành kế hoạch năm học. Do đó, mốc 15/7 kết thúc năm học, tỉnh này hoàn toàn đáp ứng được.
Sở GD&ĐT Hà Giang tính toán, nếu trước 10/5 học sinh đi học trở lại thì chỉ cần dạy bài mới trên trường là đủ hoàn thành chương trình, đảm bảo công bằng cho học sinh.
Hiện nay tỉnh chưa áp dụng dạy bài mới trên internet cho các em bởi đặc thù vùng núi nhiều khu vực khó khăn, học sinh không tiếp cận được hình thức học tập này. Ở những khu vực đó, hiện giáo viên đang duy trì việc ôn tập bài cũ cho học trò bằng cách giao phiếu bài tập để các em hoàn thành bài.
Không nên bỏ thi THPT quốc gia
Theo đại diện các Sở GD&ĐT Bắc Kạn, Hà Giang, Hải Dương và một số học sinh, giáo viên tỉnh, thành khác, năm 2020 vẫn nên tiến hành thi THPT quốc gia hơn là bỏ thi.
Ông Lương Văn Việt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương cho rằng, quyết định không tổ chức thi THPT quốc gia sẽ khiến học sinh không có động lực học tập tiếp các nội dung kiến thức còn lại của học kỳ 2. “Có nhiều hệ luỵ nếu không tổ chức kỳ thi này”.
Ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang cũng cho rằng, tổ chức thi THPT quốc gia sẽ khiến học sinh và giáo viên có sự nỗ lực hơn trong việc trang bị kiến thức. Chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho đất nước từ lứa học sinh này theo đó cũng được đảm bảo.
“Chúng ta phải nhìn dài hơn vào chất lượng nguồn nhân lực tương lai và vì chính quyền lợi của học sinh khi được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết cho việc học tập hoặc làm việc trong tương lai để đưa ra những quyết định liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia này”, ông Nguyễn Thế Bình nói.
Ông Ma Thế Quyên, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Kạn cho rằng: “Mọi thay đổi thời điểm này sẽ làm xáo trộn tâm lý học trò. Các em sẽ băn khoăn, lo lắng không biết nếu xét tốt nghiệp và trường đại học, cao đẳng chủ động tuyển sinh thì phương án như thế nào, sẽ khó khăn ra sao, trong thời gian ngắn các em có đáp ứng được yêu cầu của trường đại học để được vào học tiếp,…
Nhóm học sinh khá, giỏi ước mơ vào giảng đường đại học đã phấn đấu rất nhiều và sẽ rất tâm tư nếu bỏ kỳ thi THPT quốc gia. Quyết định này, ở khía cạnh nào đó, có thể không công bằng với học sinh. Nên chỉ bất khả kháng khi dịch tiếp tục phức tạp ta mới nên không tổ chức kỳ thi này”.
Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn nhấn mạnh, nếu trước 15/6 học sinh đi học trở lại thì nên tổ chức tiếp kỳ thi để tạo công bằng, an tâm cho người học.
HÀ CƯỜNG
Nguồn: vtc.vn