Trong lúc tình hình diễn biến dịch tại một số địa phương đã bắt đầu “lắng xuống”, các trường đại học cũng bắt đầu lên kế hoạch để “mở cửa”, đón sinh viên.
Không thể trông chờ “zero F0”, phải luôn chủ động
Trước thực trạng học trực tuyến khó đem lại hiệu quả như mong muốn trong thời gian qua, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã bắt đầu “nhen nhóm” các kịch bản để sẵn sàng đón sinh viên quay trở lại trường, chỉ cần chính quyền địa phương cho phép.
Trước vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng ban chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) đã có những chia sẻ, góp ý thẳng thắn.
“Trong tình thế này, việc cho sinh viên quay trở lại học trực tiếp tại trường đã trở thành “bài toán” bắt đầu phải đặt ra và đi tìm lời giải. Vì cuộc sống đã và đang từng bước quay trở lại “nhịp”, câu chuyện của ngành giáo dục cũng nên bắt đầu với “bình thường mới”. Ngay cả trên phạm vi toàn quốc, một số địa phương cũng đã cho giao thông hoạt động trở lại, vấn đề kinh tế – xã hội cũng đang từng bước được phục hồi…
Hơn nữa, có rất nhiều khía cạnh trong giáo dục không thể “bù đắp” được qua hình thức dạy trực tuyến, giống như đối với các sinh viên năm cuối hay sinh viên thuộc khối ngành kỹ thuật, xây dựng, cần thời gian thực hành, thực tập chứ không chỉ là những bài giảng qua màn hình trực tuyến”, vị Đại biểu phân tích.
Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cũng đặt ra vấn đề, các trường đón sinh viên quay trở lại như thế nào thì an toàn, đảm bảo không tiếp tục bị gián đoạn.
Nữ Đại biểu cho rằng: “Trước tiên, bản thân các nhà trường cần chuẩn bị thật tốt về cơ sở vật chất. Đối với những trường có hệ thống ký túc xá, có thể cho sinh viên sinh hoạt “3 tại chỗ”, tận dụng đáp ứng hết mức có thể.
Còn lại, với số lượng sinh viên ở phòng trọ bên ngoài, chúng ta cần xây dựng tốt đội ngũ tình nguyện xung kích, sinh viên tình nguyện để hỗ trợ, đảm bảo an toàn. Từ những “làn sóng” dịch Covid-19 vừa qua, các địa phương đã chứng tỏ được sức mạnh không nhỏ của lực lượng này. Thời điểm này, rất cần được phát huy, nhân rộng mô hình.
Bên cạnh đó, lứa tuổi sinh viên cũng đã có những nhận thức nhất định trước những nguy hiểm, nên các nhà trường có thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, sức mạnh của Đoàn Thanh niên, hội nhóm sinh viên… trong việc kêu gọi các em tuân thủ nguyên tắc 5K để bảo vệ cho chính mình và những người bên cạnh. Ý thức của sinh viên đóng góp không nhỏ trong “cuộc chiến” này”.
Đồng thời, vị Đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh: “Thời điểm này, chúng ta hoàn toàn không thể trông chờ vào chuyện sinh viên đi học trở lại sẽ hoàn toàn không có F0. Tuy nhiên, không thể vì thế mà làm gián đoạn cả trường. Mỗi nhà trường cần tự chủ động chuẩn bị các tình huống, lường trước những kịch bản có thể xảy ra. Nếu chúng ta không chuẩn bị, chúng ta sẽ bị động và lúng túng. Mà khi đó, dịch bệnh sẽ lan rất nhanh, có khi còn nguy hiểm hơn cả ngoài cộng đồng…
Bài học rút ra sau những đợt dịch trong cộng đồng, là không thể kỳ vọng quá nhiều vào “sự may mắn”, phải xác định xây dựng rất nhiều kịch bản khác nhau, tập huấn kỹ càng cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường. Khi xuất hiện bất kỳ ca đơn lẻ nào, phải ngay lập tức xử lý kịp thời, có sự vào cuộc nhiệt tình, trách nhiệm, hiệu quả cao của tất cả mọi người…”.
“Tín hiệu” sẵn sàng từ các trường đại học
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành một trong những trường đại học đầu tiên ở Hà Nội lên kế hoạch cụ thể từng lộ trình để đón sinh viên trở lại.
Theo đó, sinh viên năm thứ 4 và năm cuối sẽ đến trường từ sau ngày 25/11, sinh viên năm 2 và 3 sau ngày 15/12 và sinh viên năm nhất, tạm thời chưa được tới trường.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng yêu cầu bắt buộc giảng viên, cán bộ nhân viên, sinh viên tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 hoặc có xét nghiệm theo các quy định của Bộ Y tế và Hà Nội, tuân thủ 5K của Bộ Y tế mới được hoạt động trong khuôn viên nhà trường.
Khi trở lại trường, sinh viên phải quét mã QR bắt buộc tại cổng trường và cửa nơi làm việc bằng các ứng dụng như PC-Covid hay Sổ Sức khỏe Điện tử.
Sinh viên các tỉnh thành khác cần báo cáo tình trạng tiêm chủng, cấp độ vùng dịch nơi cư trú cho Phòng Công tác Sinh viên, nhà trường sẽ bố trí lịch tiêm cho đủ liều.
Đây được cho là lộ trình ưu tiên sinh viên năm cuối tới trường để hoàn thành các học phần thí nghiệm, thực hành và bảo vệ đồ án, khóa luận.
Trước đó, các trường đại học thành viên, đơn vị đào tạo thuộc và trực thuộc Đại học Thái Nguyên cũng đã và đang đón người học trở lại học tập để đảm bảo hoàn thiện nội dung, chất lượng chương trình đào tạo.
Cụ thể, tính đến nay, Đại học Thái Nguyên đã có trên 13.000 người học trở lại trường học tập, trong đó có 10.585 người học ở ngoại trú và 2.371 người học (trong đó gần 600 lưu học sinh) ở nội trú. Đồng thời, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, các trường thành viên đã khảo sát, phân loại người học theo vùng (vùng xanh, vàng, cam, đỏ) để tổ chức cho người học trở lại học trực tiếp phù hợp.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp (Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội) cũng cho biết, nhà trường đã lên kế hoạch sẵn sàng đón sinh viên đi học trở lại.
“Trước hết, về công tác vệ sinh, khử khuẩn, nhà trường đã thực hiện đầy đủ theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, đội ngũ nhân viên y tế trong trường được tập huấn kỹ lưỡng, các phòng cách ly cũng luôn được sẵn sàng, phòng những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, nhà trường sẽ kịp thời xử lý.
Nhà trường cũng đã chuẩn bị sẵn những kịch bản khác nhau, ứng với mỗi tình hình khác nhau. Trong giai đoạn vừa qua, chúng tôi cũng đã tiến hành rà soát, kê khai số lượng sinh viên tiêm vắc-xin trong trường. Căn cứ vào đó, nhà trường cũng xây dựng các phương án để hỗ trợ sinh viên. Chẳng hạn, với những sinh viên chưa có điều kiện tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, chúng tôi kết nối với các khu vực lân cận, xung quanh Hà Nội, tiến hành cho các em được tiêm, trước khi vào Hà Nội”, Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp chia sẻ.
Vị Hiệu trưởng cũng thông tin thêm: “Nhà trường đã sẵn sàng, chỉ còn chờ “bật đèn xanh”, là sẽ đón sinh viên quay trở lại trường. Thời gian học trực tuyến vừa qua cũng đã ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng học tập của sinh viên.
Chúng tôi rất mong có thể đón toàn bộ sinh viên quay trở lại trường, học trực tiếp. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh vẫn bắt buộc phải phân tách, nhà trường sẽ ưu tiên cho các em sinh viên năm cuối được trở lại trường trước. Bởi, giai đoạn này, các em phải thực hành nhiều, thí nghiệm nhiều, đi thực tế, thực tập nhiều, và những điều đó, học trực tuyến không thể bù đắp được”.
Ngân Chi