Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh vai trò của giáo dục và đào tạo và nội dung này cũng nhận được sự quan tâm, góp ý của nhiều chuyên gia, nhà khoa học.
Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: GD-ĐT tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển. Chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT được tích cực triển khai, bước đầu có hiệu quả.
Góp ý về nội dung này, GS Phạm Tất Dong- Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho biết, báo cáo đã có những đánh giá toàn diện, khá rõ về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, chỉ ra những nguyên nhân thành công hay chưa thành công và rút ra những kinh nghiệm cần lưu ý cho nhiệm kỳ sắp tới.
Liên quan đến vấn đề học tập suốt đời, GS Dong đề xuất xây dựng một hệ thống giáo dục kết nối và chia sẻ trên cơ sở xây dựng hệ sinh thái giáo dục kỹ thuật số, thực hiện sự chuyển đổi số trong trường học các cấp, trong các ngành học và bậc học, xây dựng những công dân học tập với đầy đủ những năng lực cốt lõi, bao gồm những kỹ năng cơ bản, những phẩm chất mong muốn của thế kỷ XXI.
Cần gắn kết giáo dục ban đầu với giáo dục tiếp tục, giáo dục chính quy với giáo dục không chính quy và phi chính quy, giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Xây dựng nhà trường và các cơ sở giáo dục thông minh, hình thành tư duy phản biện, tư duy toàn cầu.
Đầu tư ưu tiên cho phát triển giáo dục đại học và giáo dục người lớn trên cơ sở giáo dục phổ thông được phổ cập vững chắc. Dựa vào các trường đại học, cao đẳng nghề và doanh nghiệp để tạo ra nguồn tài nguyên giáo dục mở với khối lượng học liệu đủ lớn đáp ứng mọi nhu cầu học vấn của nhân dân.
Cũng đề cập đến lĩnh vực giáo dục, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ- nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần phải thêm tiêu chí “đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế”. Bởi nguồn nhân lực phải tiến đến tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
PGS.TS. Nghiêm Đình Vỳ- nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, khắc phục sớm các hạn chế về phẩm chất, năng lực, coi đây là khâu đột phá.
Việc chuẩn hóa trình độ đào tạo nhà giáo phải đi đôi với nâng cao đạo đức nghề nghiệp như: gương mẫu về đạo đức, nhân cách, yêu mến trẻ, thường xuyên học tập để cập nhật tri thức, kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm để nâng cao tay nghề.
Cần nâng cao trình độ tay nghề thực tế, khắc phục tình trạng chạy theo bằng cấp nhưng không tương xứng với tay nghề và đạo đức nghề nghiệp, uy tín đối với người học và cộng đồng.
Về sắp xếp lại hệ thống trường học, cần triển khai khung trình độ giáo dục nghề nghiệp gắn với khung trình độ quốc tế và liên thông với giáo dục đại học để nâng cao chất lượng đào tạo; sắp xếp, kiện toàn lại hệ thống cơ sở dạy nghề và cơ sở giáo dục đại học sao cho thật hợp lý.
PGS.TS. Nghiêm Đình Vỳ cho rằng nên có một ý cụ thể nói về hệ thống trường Sư phạm, nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là các khoa, các trường sư phạm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thực hiện việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Điều này cũng gắn với việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên là khâu đột phá trong 5 năm tới.