“Đổi mới chương trình và thay sách giáo khoa (SGK) là công việc tất yếu của mọi nền giáo dục, vì tri thức của loài người luôn thay đổi và phát triển ngày một nhanh hơn, đặc biệt trong thời đại ngày nay. Không có chu kỳ cố định cho việc đổi mới chương trình và thay SGK.” – chia sẻ của TS Nguyễn Văn Cường, ĐH Potsdam.
Theo TS Nguyễn Văn Cường, ở các nước phát triển, như ở Mỹ Anh, Đức, Úc, Nhật hay Hàn Quốc hiện nay thì chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) thay đổi sau khoảng 10 năm, kèm theo đó là thay SGK cho phù hợp với CT mới. Trong thời gian đó cũng có thể có những điều chỉnh.
Ở Việt Nam, việc ban hành chương trình GDPT mới năm 2018, kèm theo đó là thay SGK theo chương trình mới là rất đúng lúc và cần thiết. Vì chương trình cũ được xây dựng cách đây gần 20 năm và được ban hành từ năm 2006. SGK hiện hành được biên soạn theo chương trình đó.
“Đến nay kiến thức các môn học có nhiều thay đổi, hiểu biết về khoa học giáo dục cũng được phát triển hơn. Toàn cầu hóa và sự phát triển kinh tế xã hội cũng đặt ra yêu cầu mới cho giáo dục trong việc đào tạo nhân lực.
Chương trình GDPT 2018 được phát triển theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực như Nghị quyết 29-NQ/TW đã xác định. Đó là sự thay đổi cần thiết nhằm đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển đất nước và phù hợp với xu hướng quốc tế” – TS Nguyễn Văn Cường nêu quan điểm.
Cũng theo TS Nguyễn Văn Cường, một chương trình, nhiều bộ sách của Việt Nam là một chủ trương đúng đắn nhằm làm phong phú nguồn cung và tăng cường chất lượng SGK thông qua cạnh trạnh theo cơ chế thị trường. Trong đó nhà nước vẫn có vai trò giám sát chất lượng SGK thông qua thẩm định.
Chủ trương đó được thực hiện ở Việt Nam trong lần thay sách này và đã phát huy tác dụng khi có tới 5 bộ SGK lớp 1 cho tất cả các môn học đã được Bộ GD&ĐT thẩm định và ban hành chỉ sau khi công bố chương trình mới 1 năm. Đây là bước tiến bộ trong lĩnh vực SGK của Việt Nam.
“Theo đánh giá cá nhân của tôi, chất lượng SGK mới của Việt Nam đã bảo đảm các tiêu chí của SGK hiện đại, có thể so sánh tương đương với SGK của các nước tiên tiến. Chất lượng giấy in tốt và minh họa và hình thức trình bày tốt. Các bộ SGK đều được Bộ GD&ĐT thẩm định rất nghiêm túc và chặt chẽ dựa trên các tiêu chuẩn và tiêu chí về SGK” – TS Nguyễn Văn Cường nhận định.
Liên quan đến nội dung này, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Long cho rằng: SGK là tài liệu chính thức để giáo viên sử dụng trong quá trình dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh và là tài liệu chính để học sinh học tập.
Để tăng cường cơ hội cho mọi học sinh tiếp cận tất cả nguồn tài liệu dạy học sử dụng trong nhà trường, SGK và các tài liệu dạy học khác, nhà trường cần phải nghiên cứu, tham khảo và lựa chọn, phân loại phù hợp cho tưng đối tượng học sinh, giáo viên… trang bị đầy đủ trong thư viện để tất cả học sinh và giáo viên đều có cơ hội tiếp cận theo nhu cầu sử dụng.
Đây là một yếu tố quan trọng nhằm giúp người học tiếp thu kiến thức theo hướng chủ động hơn, từ đó khơi gợi sự sáng tạo trong việc học. Việc này sẽ hỗ trợ tốt cho dạy và học, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018.
“Tôi cho rằng, thư viện trường học cần phải được đầu tư; thường xuyên bổ sung tài liệu để bảo đảm cả về số lượng và chất lượng sách, cũng như sự phong phú về chủng loại, cân đối về thành phần, với các loại hình tài liệu truyền thống, tài liệu điện tử, kho học liệu phong phú, phù hợp từng cấp học.
Với giáo viên, cần tích cực đọc sách báo, tài liệu, làm gương về tinh thần tự học và sáng tạo để tăng cường hướng dẫn, tạo điều kiện cho học sinh đọc sách, phát triển văn hoá đọc trong các trường phổ thông” – bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết thêm.
Nguồn: giaoducthoidai.vn