Giáo dục không phạt: Nếu còn chạy theo thành tích, lợi ích…

Muốn một nền giáo dục không phạt, trước tiên phải thay đổi quan điểm, phải hướng tới một nền giáo dục hạnh phúc, không nặng thành tích….

Khi giáo dục chạy theo thương mại

Quan điểm giáo dục “bằng khuyên nhủ không phạt đang dần hủy hoại trẻ” của một chuyên gia giáo dục đang gây nhiều tranh cãi. Theo lập luận của vị chuyên gia này, phong cách dạy trẻ không phạt khiến trẻ phản ứng với mọi hình thức kỷ luật của cô giáo, không có ý thức tuân thủ các quy định, trẻ coi thường cha mẹ, người lớn, nhà trường bất lực, tìm cách “tống cổ” học sinh bất trị ra khỏi trường…

Nhiều tranh luận quanh quan điểm giáo dục không phạt. Ảnh minh họa

Đồng tình một phần với quan điểm trên, GS.TS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng ĐH Nam Cần Thơ (Cần Thơ) cho rằng, đó là quan điểm luôn gây tranh cãi giữa nhà trường và phụ huynh nhiều năm qua.

Theo vị GS, dạy và học ở thời hiện tại đã khác nhiều so với 20-30 năm trước. Trước đây, giáo dục là sự kết hợp của gia đình – nhà trường và xã hội. Khi đó, việc giáo dục cho một đứa trẻ quen với tập tục, nền nếp ngay từ những ngày bước vào năm học đầu là điều rất quan trọng. Việc này không những giúp rèn cho đứa trẻ thói quen, nền nếp mà còn là nền tảng giúp đứa trẻ có lối sống tự giác, tự lập từ rất sớm.

Những năm gần đây, giáo dục bị thương mại hóa, cha mẹ coi giáo dục như một dịch vụ, con cái là sản phẩm của dịch vụ đó. Với quan điểm này, nhiều gia đình đã tự coi mình là khách hàng, nhà trường cung cấp sản phẩm, và khi khách hàng bỏ tiền ra thì đương nhiên được đưa ra các yêu cầu, đòi hỏi với phía nhà cung cấp. Nó cũng giống như một hợp đồng thương mại có cung có cầu. Từ đó, có tâm lý gia đình gia đình bỏ tiền ra còn con cái được giao phó hoàn toàn lại cho nhà trường, giáo viên và nhà trường phải chịu trách nhiệm.

Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Từ phía gia đình, nhiều người bị ảnh hưởng bởi phương pháp giáo dục từ nước ngoài, muốn con được tự do phát triển nhưng không giáo dục con các kỹ năng nền tảng cơ bản, tự coi con mình là trung tâm, là nhất nên đã biến sự tự do thành tùy tiện.

“Ở nước ngoài người ta dạy con tự lập, tự giác nhưng phải biết chịu trách nhiệm. Ví dụ, khi đi mua hàng phải biết xếp hàng. Khi lên máy bay phải tôn trọng các quy tắc và những người xung quanh. Tuy nhiên, ở một số đứa trẻ Việt Nam lại được dạy tự lập, tự giác theo hướng muốn làm gì thì làm, không cần tôn trọng hay phải hỏi ý kiến ai.

Vì thế, khi lớn lên chúng ta mới được chứng kiến nhiều người chen ngang, không xếp hàng, lên máy bay thì không tuân thủ các quy tắc, đi lại lộn xộn, gây mất an toàn cho người khác, rất thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm.

Ở đây có hai sự khác biệt rất rõ ràng đó là tự lập, tự giác nhưng phải có trách nhiệm với sự tùy tiện, ích kỷ, vô trách nhiệm”, vị chuyên gia lấy ví dụ.

Về phía nhà trường, GS Võ Tòng Xuân cho hay quan điểm thương mại hóa giáo dục, giáo dục theo thị trường đã ảnh hưởng rất lớn tới tư duy và phương pháp giáo dục cho học sinh. Quan điểm này nặng nề hơn với khối trường tư, khi các trường tư phải chịu trách nhiệm tự chủ, tự thu – tự chi, thì đồng thời đặt ra áp lực rất lớn trong nhu cầu tuyển sinh. Khi có học sinh rồi lại phải lo giữ học sinh để học sinh không chuyển qua trường khác.

Tuy nhiên, cách thức giữ học sinh không phải là thay đổi phương pháp, chất lượng giáo dục mà chủ yếu vẫn là cố gắng nhường nhịn, “chiều chuộng” học sinh và cả phụ huynh một cách thái quá. Từ chỗ được chiều chuộng quá thì cả phụ huynh và học sinh đều tự cho mình một quyền năng là đương nhiên được đòi hỏi, phán xét, định đoạt số phận, công việc của người khác. Vì thế mà từng có giáo viên đã bị mất việc ngay trong ngày chỉ vì có thái độ khiến phụ huynh và học sinh không hài lòng.

Vì điều này, vị chuyên gia cho rằng trong một số trường hợp nhất định việc giáo dục học sinh vẫn phải dùng đến hình thức phạt, đe nẹt, không thể vì chiều lòng phụ huynh, học sinh mà để học sinh muốn làm gì thì làm.

Nếu chỉ thay đổi phương pháp nhưng không thay đổi quan điểm giáo dục…

Tiếp tục phân tích, GS Võ Tòng Xuân cảnh báo khi giáo dục bị coi là dịch vụ và học sinh được chiều chuộng tới sinh hư thì hậu quả cuối cùng chính là bản thân các em, gia đình và xã hội sẽ phải gánh chịu chứ không phải nhà trường.

Một thực tế dễ thấy nhất đó là vì không muốn mất học sinh, mất lòng phụ huynh mà khi học sinh hư nhà trường và giáo viên sẽ làm ngơ, không muốn động đến cho yên chuyện, trong khi gia đình lại chỉ thích khen, thích nghe thành tích. Đến khi ra trường, trách nhiệm không thuộc về nhà trường nữa, lúc đó con cái sẽ là sản phẩm của xã hội và hậu quả là gia đình và bản thân chính học sinh đó phải gánh.

“Trong hệ thống trường mầm non, tiểu học của tôi, tôi từng chứng kiến nhiều cháu bé có được chiều chuộng, ngỗ ngược, khó bảo từ nhỏ. Với những cháu bé này, tôi phải bố trí hai giáo viên chuyên phụ trách kèm riêng, không để bé tự ý muốn làm gì thì làm. Với những bé giáo viên cũng bất lực thì đích thân hiệu trưởng, hiệu phó phải kèm sát, khuyên bảo, kể cả áp dụng hình thức kỷ luật để buộc các cháu phải vào nền nếp.

Ban đầu sẽ gặp phản ứng rất quyết liệt từ cháu bé nhưng nếu giáo viên có được phương pháp ứng xử mềm mỏng kết hợp với các hình thức kỷ luật thích hợp sẽ kiểm soát được học sinh”, vị chuyên gia chia sẻ.

Mặc dù vậy, đứng từ phía quản lý, vị GS cũng thừa nhận có hiện tượng chống đối, học sinh ngỗ ngược còn do chất lượng, thái độ của giáo viên chưa chuẩn mực.

Nhiều người không thể lựa chọn ngành nghề nào khác mới đi làm giáo viên, dẫn tới quá trình dạy không có chuyên môn, nghiệp vụ, lại thiếu cả kỹ năng ứng xử dẫn tới những bất đồng, bức xúc giữa gia đình, nhà trường và học sinh.

Trong khi đó, giáo dục chạy theo thương mại, dịch vụ nhưng phương pháp giảng dạy lại theo tư duy cũ, phương pháp cũ khiến học sinh nhàm chán, không thích học.

Vì điều này, GS Võ Tòng Xuân cho rằng muốn đi theo một nền giáo dục không phạt thì trước tiên phải thay đổi quan điểm giáo dục, giáo dục phải hướng tới một nền giáo dục hạnh phúc, không nặng thành tích chứ không phải hướng tới một nền giáo dục không phạt chỉ vì thành tích, vì lợi ích của chính trường mình.

Thái Bình


Recommended For You

About the Author: @dmin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *