Giáo dục Việt Nam vượt qua khó khăn, phát triển ấn tượng

Dưới góc nhìn của đại biểu (ĐB) Quốc hội, các chuyên gia trong nước và quốc tế, bức tranh giáo dục năm 2020 có nhiều điểm sáng. GD-ĐT của Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và phát triển ấn tượng.

Đại biểu Chu Lé Chừ (Chu Lê Chinh) – đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu:

Ghi nhận tinh thần cầu thị và chỉ đạo quyết liệt của ngành

Đại biểu Chu Lê Chinh. Ảnh: Sỹ Điền

Nhìn tổng thể, bức tranh giáo dục 2020 có nhiều khởi sắc. Điểm nhấn là Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được các trường đón nhận và triển khai tích cực. Đến nay, việc triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới với lớp 1 đã và đang đi vào nền nếp, ngày càng được giáo viên, phụ huynh, học sinh đón nhận. Dù có nhiều ý kiến khác nhau về sách giáo khoa, nhưng công bằng mà nói, đây là bước tiến mới trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo chủ trương xã hội hóa. Cái mới bao giờ cũng vấp phải những ý kiến trái chiều, vì thế mới cần rút kinh nghiệm và hoàn thiện hơn. Tôi ghi nhận tinh thần cầu thị và sự chỉ đạo quyết liệt của ngành Giáo dục.

Giáo dục đại học cũng có nhiều bước tiến quan trọng, điểm nhấn là cơ chế tự chủ theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Cơ chế tự chủ giúp các trường chủ động hơn trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Bằng chứng là, nhiều cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam được xếp hạng quốc tế và liên tục thăng hạng. Số bài báo khoa học và công trình được công bố quốc tế ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Tự chủ đại học cũng giúp các trường có nhiều sáng tạo trong hoạt động đào tạo. Đơn cử trong đại dịch Covid-19, cơ sở giáo dục đại học đã chủ động chuyển sang đào tạo trực tuyến.

Cùng với đó, chất lượng giáo dục phổ thông ngày càng cao và được quốc tế ghi nhận. Minh chứng rõ nhất là Việt Nam đứng đầu các nước Đông Nam Á về đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học ở cả 3 năng lực được khảo sát: Đọc hiểu, Viết và Toán học. Việc trang bị cho đội ngũ hiệu trưởng, giáo viên các phương pháp, kỹ năng quản lý nhà trường, lớp học; phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá giáo dục hiện đại cũng được chú trọng; qua đó nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Ngoài ra, các chính sách đối với học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số được phát huy, góp phần bảo đảm công bằng trong giáo dục và không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.

Ông Nghiêm Đình Vỳ – nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương:

5 thành tựu nổi bật

Ông Nghiêm Đình Vỳ. Ảnh: IT

Điểm lại những thành tựu nổi bật của ngành Giáo dục trong năm 2020, đầu tiên phải kể đến tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 trong điều kiện vừa phải phòng chống dịch Covid-19. Với sự chuẩn bị chu đáo, kỳ thi diễn ra an toàn, gọn nhẹ, bảo đảm khách quan, công bằng so với kỳ thi các năm trước. Nội dung đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, “vừa sức”, có độ phân hóa hợp lý, đáp ứng được mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. Về cơ bản, kết quả thi phản ánh đúng chất lượng giáo dục của các địa phương, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, nhất là việc đổi mới tổ chức thi.

Bên cạnh đó, công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020 góp phần nâng cao chất lượng đầu vào của các trường. Đặc biệt, nhà trường được phát huy quyền tự chủ, mở rộng các phương thức tuyển sinh phù hợp với thực tiễn: Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, tuyển thẳng, thi đánh giá năng lực… cho phép thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng.

Cũng trong năm 2020, Bộ GD&ĐT chỉ đạo việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới với 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 được phê duyệt. Đây là kết quả bước đầu của chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa. Hiện Bộ GD&ĐT tiến hành thẩm định sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 để phê duyệt đưa vào sử dụng từ năm học 2021 – 2022. Gắn với thay sách giáo khoa là chuẩn bị đội ngũ giáo viên. Việc này đã và đang được triển khai tích cực. Theo đó, giáo viên được bồi dưỡng theo các mô-đun phù hợp với từng nhóm đối tượng, hình thức bồi dưỡng, tập huấn đổi mới căn bản, kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp.

Một điểm nhấn khác, sau 10 năm thực hiện, ngành Giáo dục đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Giáo dục phổ thông mũi nhọn tiếp tục giữ vững, với thành tích đáng tự hào trên đấu trường quốc tế. Học sinh Việt Nam đạt được những kết quả đáng khích lệ trong các kì thi học sinh giỏi khu vực và quốc tế. Đội tuyển môn Hóa đứng thứ 2, môn Toán đứng thứ 4 thế giới. Số lượng các công trình công bố quốc tế của các trường đại học Việt Nam tăng hơn 10 lần so với năm 2013.

Đó là những thành tích đáng tự hào của giáo dục Việt Nam trong năm qua. Mong rằng, sang năm 2021, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện thành công Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; trong đó thực hiện tốt việc dạy học các môn học và hoạt động giáo dục lớp 2, lớp 6 và tài liệu giáo dục địa phương theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đồng thời chuẩn bị sách giáo khoa lớp 3, 7, 10.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Mặt khác, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, nhằm thực hiện tốt việc thay sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Thực tế cho thấy, nhà giáo giữ vai trò chủ yếu trong nâng cao chất lượng GD-ĐT. Vì vậy, cần quan tâm đến chính sách và chế độ đãi ngộ cho nhà giáo; đồng thời cần tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong GD-ĐT. Theo đó, cần phát triển dạy – học trực tuyến; kho học liệu số toàn ngành, quản lý giáo dục trên môi trường mạng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành và tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Chú ý công tác truyền thông với các hoạt động lớn của ngành về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới GD-ĐT.

Ông Nguyễn Cao Trí – Chủ tịch Tập đoàn Capella Holdings:

Bứt phá vươn lên

Ông Nguyễn Cao Trí. Ảnh: IT

Ngành Giáo dục đối diện với nhiều khó khăn thách thức bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đó lại là cơ hội để GD-ĐT của Việt Nam vươn lên với cuộc bứt phát ngoạn mục về chuyển đổi số, thành tích trong kỳ thi quốc tế và khu vực cũng như GD trong nước.

Chiến lược phát triển GD-ĐT đúng hướng và dần bắt nhịp với xu thế chung. Chúng ta đào tạo thế hệ học sinh biết ứng dụng kiến thức sách vở vào thực tế, đam mê sáng tạo và có thể thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Đặc biệt, các trường đại học – với tư cách là đơn vị đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước, cần tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 và chuyển đổi số để phát triển.

Bà Rana Flowers – Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam:

Quyết liệt trong chuyển đổi số giáo dục

Bà Rana Flowers. Ảnh: IT

Hoan nghênh Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Điều này chứng tỏ Việt Nam đã công nhận tầm quan trọng của việc đầu tư chuyển đổi trong GD-ĐT. Tôi cũng ghi nhận và đánh giá cao tầm nhìn và sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GD&ĐT trong thực hiện chuyển đổi số với tinh thần khẩn trương, thậm chí là trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

Trong tiến trình này, chúng ta phải đoàn kết, hợp tác lại cùng nhau, để bảo đảm rằng không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau. Cách đây một vài năm, chúng tôi đã trao đổi với Bộ GD&ĐT về việc khởi động chuyển đổi số trong GD-ĐT. Chúng tôi mong muốn Việt Nam không chỉ đi đầu trong khu vực, mà còn trên thế giới về chuyển đổi số trong lĩnh vực này. Đồng thời cần xóa mù công nghệ cho trẻ em. Công việc này cần được bắt đầu từ bậc học nhỏ nhất (mầm non). 

Ngài Nadav Eshcar – Đại sứ Isarel tại Việt Nam:

Sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thách thức

Ông Nadav Eshcar. Ảnh: Sỹ Điền

Hệ thống giáo dục Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Tôi nhận thấy có nhiều học sinh, SV Việt Nam đến Israel học tập. Học sinh Việt Nam thông minh, có năng lực, trình độ cao và chịu khó học hỏi. Nhìn vào học sinh Việt Nam để thấy sự tiến bộ của giáo dục Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam có nền tảng giáo dục gia đình rất tốt, sẵn sàng đầu tư để các con được phát triển trong điều kiện tốt nhất. Đó là ưu điểm và cũng là thành tựu của hệ thống giáo dục Việt Nam (gia đình và nhà trường).

Tuy nhiên, một trong những vấn đề đặt ra là, làm thế nào để hệ thống giáo dục phát triển hơn nữa, nhằm tiến kịp với thời đại. Nhìn lại năm 2020, giáo dục của Việt Nam chịu tác động của đại dịch Covid-19, cùng nhiều vấn đề, khó khăn thách thức khác. Tuy nhiên, nếu quốc gia nào mà các nhà lãnh đạo sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thách thức thì ở đó nền giáo dục phát triển và ở Việt Nam, các nhà lãnh đạo đã làm được điều đó – sẵn sàng đương đầu với khó khăn thách thức. 

Recommended For You

About the Author: @dmin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *