Nhiều giáo viên đã không giấu nổi vui mừng trước thông tin sắp tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên. Đây là một tin đáng mừng bởi những năm qua, đội ngũ giáo viên chịu rất nhiều áp lực về những bằng cấp mang tính chất hình thức này.
Cụ thể, tại buổi tiếp xúc cử tri tại thị xã An Nhơn (Bình Định) sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nêu thông tin sẽ bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên.
Trong bối cảnh hiện nay thì có thể sử dụng tốt ngoại ngữ và thông thạo tin học sẽ trở thành một trong những điều kiện thuận lợi trong học tập cũng như công việc. Tuy nhiên, không phải giáo viên nào cũng có thể đủ điều kiện để có thể hoàn thành hai loại chứng chỉ này. Trong thời gian qua, nhiều vụ việc tiêu cực liên quan đến việc giáo viên chạy điểm, chạy bằng để hoàn thiện hồ sơ cũng đã trở thành nỗi bức xúc, trăn trở chung của dư luận xã hội.
Hình ảnh học sinh hái hoa rừng tặng cô giáo tại Lai Châu (Ảnh: Sở GDĐT Lai Châu)
Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, hầu hết giáo viên đều đã được đào tạo ngoại ngữ ở trường phổ thông và có những kiến thức cơ bản về tin học, đủ để phục vụ công việc giảng dạy, việc bắt buộc phải thi lấy chứng chỉ gần như là không cần thiết.
Để lấy được chứng chỉ, giáo viên phải bỏ ra số tiền không nhỏ để đi học và tham gia dự thi nhưng những kiến thức thu được giúp ích được rất ít trong công việc hằng ngày, thậm chí đối với những giáo viên dạy bộ môn không liên quan thì chẳng có tác dụng gì. Có rất nhiều giáo viên cảm thấy lo ngại và khá chật vật với việc chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là một trong những điều kiện để được vào biên chế.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, cùng trao đổi với Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, đơn vị tham mưu với Bộ trưởng trong việc xây dựng và ban hành các quy định liên quan đến nhà giáo và đưa ra quyết định sẽ xóa bỏ quy định chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên.
Cô Trần Thị Minh Loan (giáo viên Tiếng Anh, trường THCS Lạc Viên, Hải Phòng) vui mừng chia sẻ: “Những quy định về chứng chỉ đào tạo cho đội ngũ giáo viên rất nhiều áp lực. Tập trung để nâng cao trình độ chuyên môn đã khó, nay còn phải bỏ tiền để đi học và thi lấy chứng chỉ. Một vài trường hợp tiêu cực như giáo viên mua chứng chỉ là do họ cảm thấy những thủ tục này quá thừa thãi, không cần thiết. Nhiều giáo viên chúng tôi nhận được thông tin mà “mừng rơi nước mắt”. Bỏ quy định này đi là một quyết định đúng đắn và giáo viên chúng tôi hoàn toàn ủng hộ”.
Sau khi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã có 2 văn bản đồng ý bao gồm công văn số 4853 ngày 16.9.2020 và công văn số 5646 ngày 27.10.2020, thống nhất về việc không quy định giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong quy định về tiêu chuẩn trình độ chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên. Ngoài ra, thông tư còn chính thức xóa bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ 2 đối với giáo viên Tiếng Anh và chứng chỉ tiếng dân tộc đối với giáo viên dạy học ở vùng dân tộc thiểu số.
Thầy Vũ Thành Trung (giáo viên môn Địa lý, trường THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng) tâm sự: “Nghe được tin này chúng tôi rất mừng. Giáo viên đã quá vất vả vì những yêu cầu về chứng chỉ này rồi. Nhiều cuộc thi coi chứng chỉ về tin học và tiếng Anh là yêu cầu vòng một hay yêu cầu bắt buộc nếu muốn dự thi tiếp nên đây có thể coi là trở ngại để phát huy hết lợi thế chuyên môn của mỗi người”.
Dẫu biết tin học và ngoại ngữ sẽ giúp ích rất nhiều trong công việc và cuộc sống hằng ngày không chỉ đối với giáo viên mà với tất cả mọi người. Công nghệ thông tin, internet có thể giúp ích cho thầy cô trong quá trình công tác. Ngoại ngữ là luôn cần thiết trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Tuy nhiên nếu không giảng dạy chuyên sâu về những lĩnh vực này, giáo viên chỉ cần có những kiến thức cơ bản, hoàn toàn không cần tới chứng chỉ để chứng minh trình độ.
Huy Hoàng