GD trực tuyến không còn giới hạn là một hệ đào tạo như một số quan niệm trước đây mà dần trở thành một hệ sinh thái, điểm nhấn cho triết lý GD mở tại Việt Nam.
Tăng số lượng lẫn chất lượng
TS Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội, một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ trong dạy học trực tuyến tại Việt Nam khẳng định: Dạy truyền thống tập trung được thay thế cho phân tán với ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) một cách triệt để.
Người học từ tiếp cận thuyết giảng nay chuyển sang tự học theo định hướng của người dạy với tài nguyên số ngày một tăng. Người dạy cũng phải thay đổi từ thuyết giảng giáp mặt sang cung cấp các nội dung số cho người học và hướng dẫn họ tìm kiếm tài nguyên số phục vụ cho quá trình học tập.
Tại Việt Nam, GD trực tuyến có từ nhiều năm nay, với sự gia tăng về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, thực hiện dạy học trực tuyến nói chung, trong bối cảnh dịch Covid-19 nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Phạm Đức Quang – Viện Khoa học GD Việt Nam nhấn mạnh: Để dạy học trực tuyến đạt chất lượng, hiệu quả cần phải tiếp cận tổng thể. Nhiều nhà khoa học, GD đã đề cập đến Hệ sinh thái GD trực tuyến (HSTGDTT).
HSTGDTT là một HSTGD dựa trên nền tảng công nghệ số (E-learning), hướng đến nguyện vọng, nhu cầu đa dạng của mọi người học và chủ yếu triển khai theo phương thức GD từ xa. Với ưu điểm và thế mạnh của công nghệ, HSTGDTT được kỳ vọng là phương thức đổi mới toàn diện GD trên toàn thế giới.
Việt Nam đã tiếp cận HSTGDTT và bước đầu có mô hình như HSTGD thông minh Smart Education. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu ban đầu có được, thực tế cho thấy còn nhiều vấn đề liên quan cần cải thiện, nhất là về cách thức quản lý, tổ chức thực hiện, chính sách đầu tư, đội ngũ….
Ông Quang cho biết: Các bậc cha mẹ, nhà GD, nhà hoạch định chính sách và người học bày tỏ một số lo ngại tiềm ẩn khi học trực tuyến. Cụ thể, do học tập trực tuyến trên nền tảng công nghệ nên người học có thể cô lập, ảnh hưởng cản trở sự phát triển tình cảm, xã hội, giao tiếp và thể chất.
Không phải ai cũng biết cách học và sẽ phát triển nhờ tự học, tự định hướng việc học. Mỗi người sẽ học với phong cách học tập khác nhau và không phải ai cũng phù hợp với GD trực tuyến. Công nghệ sẽ dần làm mất đi những ưu điểm của GD truyền thống, điển hình là tương tác trực tiếp.
“Một bộ phận giáo viên hay các nhà GD, nhất là những giáo viên đã lớn tuổi không biết dùng máy tính, không biết cách tạo lớp học ảo… nên không thể tự tổ chức lớp học online. Mặt khác, rất khó để đánh giá chất lượng của tài liệu GD hay bài giảng trực tuyến và chất lượng người học sau khi học”, PGS.TS Phạm Đức Quang bày tỏ băn khoăn.
Bước đột phá quan trọng của GD
Đề xuất xây dựng HSTGDTT, PGS.TS Phạm Đức Quang kiến nghị cần bảo đảm cơ sở vật chất và điều kiện cho HSTGDTT như xây dựng nền tảng điện toán đám mây, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, ứng dụng Big data…
Về chất lượng GD trực tuyến, điều đầu tiên cần quan tâm khi xây dựng một bộ tiêu chuẩn chất lượng GD trực tuyến là chọn hướng tiếp cận. Nên kết hợp cấu trúc của tiêu chuẩn đào tạo từ xa hay dạy học trực tuyến với các tiêu chuẩn OEQF và ISO/IEC 40180 để tạo thành một khung tiêu chuẩn Việt Nam.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ – Viện Khoa học GD Việt Nam nhấn mạnh: Để trực tuyến trở thành hình thức học chính thức, ngang hàng và hỗ trợ học trực tiếp cần đặt ra những yêu cầu kỹ thuật, chất lượng cho nội dung dạy học trực tuyến. Về kỹ thuật, cơ sở vật chất hạ tầng thiết bị, đường truyền Internet, phần mềm học tập được trang bị, hỗ trợ đầy đủ, ổn định.
Giáo viên cần được tập huấn về dạy học chương trình phân hóa trong thiết kế nội dung đồng thời tương thích với phần mềm dạy học. Cần có phần mềm quản lý hệ thống tích hợp với phần mềm môn học để có thể đánh giá quá trình học tập, quản lý giảng dạy giúp việc học có thể được triển khai ở nhiều cấp độ: Học với máy, học có hướng dẫn của giáo viên, học trong xã hội học tập.
Chỉ khi có sự chuẩn bị tốt, nội dung dạy học đạt được những yêu cầu, dạy học trực tuyến mới bảo đảm chất lượng, hiệu quả học tập; đồng thời đó là điều kiện để xác thực, chính thức hóa việc học tập này, xây dựng một hệ sinh thái GD trực tuyến hiệu quả.
PGS.TS Nguyễn Mai Hương – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Mở Hà Nội khẳng định: Để triển khai HSTGDTT cần thay đổi nhận thức về vai trò, vị trí của phương thức GD này trong hệ thống GD quốc dân. Đặc biệt, phải hiểu đúng và đầy đủ về bản chất, yêu cầu của phương thức GD trực tuyến.
Từ đó, có cơ chế, chính sách phù hợp và chú trọng tới công tác quản lý chất lượng đào tạo và việc công nhận văn bằng để HSTGDTT được phát triển lành mạnh, bền vững trong hệ sinh thái GD chung và cùng hướng tới sự phát triển của nền GD Việt Nam trong tương lai.
Cần thực hiện tốt và đa dạng hoá công tác thông tin, truyền thông về GD trực tuyến nhằm triển khai chuẩn mực quá trình GD, đồng thời tạo sự đồng thuận, giữa cơ quan quản lý, nhà trường và xã hội, từ đó tạo những điều kiện thuận lợi để các thành tố của HSTGDTT tăng trưởng và phát triển.