Hiểu giáo dục để đánh giá đúng sách giáo khoa

Để dạy học nhẹ nhàng, hiệu quả, quyền quyết định chủ yếu ở giáo viên, nhà trường chứ không phải sách giáo khoa.

Bởi thầy cô là người gần gũi, hiểu năng lực, nhu cầu mỗi trò; cán bộ quản lý hiểu rõ điều kiện cơ sở vật chất nhà trường, đặc thù địa phương.

Nhiều bộ SGK – kích thích giáo viên tự chủ

Giáo dục Việt Nam đang nỗ lực đổi mới, hội nhập với giáo dục các nước phát triển. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ban hành hiện thực hóa chủ trương đổi mới cho giáo dục những năm tới. Sách giáo khoa là một phương án dạy học dựa trên chương trình quốc gia, cụ thể hóa mục tiêu giáo dục theo hướng tới phát triển phẩm chất năng lực học sinh.

Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Sách giáo khoa chỉ là một phương án mở giúp giáo viên thuận lợi trong hướng dẫn học sinh trải nghiệm từng đơn vị kiến thức của bài học. Tuy được chọn một bộ sách giáo khoa, nhưng mỗi giáo viên vẫn có quyền tham khảo và vận dụng các cách tiếp cận, giải quyết với cùng một vấn đề kiến thức ở các bộ sách giáo khoa khác nhau. Sách giáo khoa chỉ là một trong những công cụ giúp học sinh bày tỏ biểu cảm, cách nghĩ rồi cùng nhau thảo luận, hợp tác, chủ động tìm cách sở hữu kiến thức cho chính mình. Dạy và học đổi mới cũng từ quan điểm này mà phát triển.

Trong giờ học tại Trường Tiểu học Thăng Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Đại Quang

Ngoài ra cũng cần hiểu, sách giáo khoa là yếu tố tĩnh, giáo viên sẽ lựa chọn linh hoạt sách giáo khoa, thậm chí bài học phù hợp với phương pháp giảng dạy, sao cho quá trình truyền thụ kiến thức có hiệu quả tốt nhất cho học sinh. Theo ông Đặng Tự Ân, đây cũng có thể được hiểu như cách làm có độ mở sáng tạo cho giáo viên và học sinh. Tình trạng thầy đọc trò chép, dạy thêm học thêm, bài tập về nhà nhiều và chồng chất sẽ dần loại bỏ.

“Giáo viên sẽ được tự do sáng tạo, trên cơ sở trải nghiệm nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau. Dạy học sẽ có nhiều cảm hứng do thông qua thực tiễn của cả giáo viên và học sinh. Có thể nói, khi có nhiều bộ sách giáo khoa sẽ kích thích giáo viên tự chủ nội dung và phương pháp, tức là thay đổi giáo dục từ dưới lên. Cùng với đó, sẽ thay đổi định hướng cải cách giáo dục từ Trung ương hay chính là thay đổi từ trên xuống. Điều này giúp Bộ GD&ĐT chỉ đạo sát thực, thực tế hơn với sự đa dạng của địa phương, cùng với cách làm, hiệu quả rất khác nhau ở các vùng miền trong cả nước” – ông Đặng Tự Ân nêu quan điểm.

Quá trình làm sách theo cơ chế xã hội hóa còn giúp các tác giả và NXB hoàn toàn chủ động, sáng tạo trong các khâu để hoàn thành cuốn sách. Họ được tự chủ chọn tác giả, xây dựng bản thảo, tự lo kinh phí; kèm theo đó là trách nhiệm, sự cẩn trọng để có được bộ sách giáo khoa tốt nhất. Ngoài ra, đổi mới làm sách giáo khoa lần đầu có ở Việt Nam sẽ chống được độc quyền của các NXB trong việc in ấn và phát hành sách giáo khoa. 

Học sinh lớp 1 tham gia giờ học theo SGK mới. Ảnh: Thế Đại

Thay đổi quản lý theo hướng quản trị nhà trường

Đánh giá sách giáo khoa tăng hay giảm tải không thể nhìn vào nội dung dạy học trong một bài học mà phải theo chương trình môn học của Bộ GD&ĐT. Nhấn mạnh điều này, ông Đặng Tự Ân cho rằng: Phải có cách nhìn xuyên suốt về nội dung và kế hoạch dạy học cho cả môn học, lớp học và rộng hơn cho cả bậc học. Nội dung học ở tiểu học vốn là những kiến thức rất căn bản; do đó, không có sự khác biệt lớn giữa nội dung dạy học cũ và mới, vẫn chỉ là những vấn đề về đọc viết, tính toán và tìm hiểu khoa học thường thức. Một số môn học mới cũng là mong muốn hình thành những kỹ năng cơ bản bước đầu cho học sinh. Tuy nhiên, phương pháp dạy học đổi mới sẽ lại là áp lực không nhỏ cho cả thầy và trò. Trong trường hợp này, nâng cao năng lực dạy học, tự bồi dưỡng tay nghề của mỗi giáo viên và nhà trường sẽ là cứu cánh.

Bên cạnh đó, thay đổi quản lý theo hướng quản trị nhà trường sẽ cấp thiết, mang lại hiệu quả rõ rệt khi thực hiện giảng dạy theo sách giáo khoa mới. Giáo viên được tự chủ chuyên môn, tức là mỗi nhà trường được quyền xây dựng chương trình nhà trường của riêng mình. Được thay đổi kế hoạch dạy học, dồn hay tách tiết trong phạm vi quy định của chương trình môn học. Nhiều nơi vẫn chưa thoát ra quan niệm cũ: Sách giáo khoa là pháp lệnh, nên sợ sệt, chưa dám mạnh dạn thay đổi hoạt động chuyên môn, trong khi học sinh và điều kiện hiện có của nhà trường mình không tương đồng.

Cũng theo ông Đặng Tự Ân, nếu sách giáo khoa có “sạn”, thì phải nhặt hết “sạn”. Có điều, giống như bát cơm có “sạn”, bản chất không phải cơm ôi, cơm thiu và như vậy sách giáo khoa vẫn luôn có thể là nguồn dinh dưỡng quý giá nuôi lớn tâm hồn và tri thức cho lớp trẻ.

Recommended For You

About the Author: @dmin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *