Ngày 3/12, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT thực hiện khảo sát thực tế tại Hòa Bình về công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Thay đổi nhận thức
Hiện nay, toàn tỉnh Hòa Bình có 520 cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT. Trong số này, 54,1% đã đạt chuẩn quốc gia; 100% đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá; 132 cơ sở giáo dục đã đánh giá ngoài, đạt 25,38%. Theo Phó Giám đốc sở GD&ĐT Hòa Bình Đinh Thị Hường, ngành Giáo dục luôn xác định kiểm định chất lượng, xây dựng trường chuẩn quốc gia là khâu then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục. Do đó, đây là nội dung rất được quan tâm.
Sở GD&ĐT Hòa Bình đã thực hiện, triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo, Thông tư, công văn hướng dẫn của Bộ GD&ĐT liên quan đến công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Các đơn vị cũng thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ kiểm định chất lượng giáo dục do Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT triển khai.
Bà Đinh Thị Hường nhận định: việc Bộ GD&ĐT ban hành chùm Thông tư (số 17, 18, 19) quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non, tiểu học, THCS-THPT là điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục khi tiến hành các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục để hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm năm học. Công tác kiểm định tích hợp 2 nội dung giúp cơ sở giáo dục hạn chế việc phát sinh, chồng chéo về hồ sơ, bớt tốn kém cho đơn vị thực hiện; đồng thời, cơ quan quản lý cũng nắm bắt, tư vấn, điều chỉnh và chỉ đạo kịp thời các nhà trường trong quá trình thực hiện.
“Sau khi chùm Thông tư này được ban hành, nhận thức của lãnh đạo địa phương, các ban ngành đã có thay đổi, quan tâm đầu tư cho giáo dục nhiều hơn. Thực hiện theo Thông tư mới, các cơ sở giáo dục cũng có sự thay đổi rõ nét; 100% trường tiến hành tự đánh giá hằng năm và chất lượng giáo dục được cải biến rõ rệt…” – Phó Giám đốc Đinh Thị Hường cho biết.
So với mặt bằng chung của Hòa Bình, TP Hòa Bình có số lượng trường được đánh giá ngoài vượt trội hơn. Chia sẻ của ông Lê Văn Công, Phó trưởng phòng GD&ĐT TP Hòa Bình, trong tổng số 68 đơn vị trường học trên địa bàn, đã có 44 trường được đánh giá ngoài (đạt tỷ lệ 64,7%) và 50 trường đạt chuẩn quốc gia.
“Có thể nói, công tác kiểm định chất lượng đã thay đổi, nâng cao nhận thức trong toàn ngành, đội ngũ cán bộ quản lý đến giáo viên từ phòng GD&ĐT đến các đơn vi trường học. Nhận thức của các cấp lãnh đạo cũng thay đổi, từ đó quan tâm hơn cho đầu tư giáo dục. Các trường được đánh giá ngoài, công nhận đạt chuẩn cũng thực hiện xã hội hóa tốt hơn, nhận được sự ghi nhận, đồng thuận, ủng hộ cao hơn của phụ huynh học sinh, xã hội.” – ông Lê Văn Công chia sẻ.
Hình thành văn hóa chất lượng
Trong chuyến công tác, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ghi nhận sự nỗ lực 2 đơn vị được đoàn trực tiếp đến khảo sát là Trường THCS thị trấn Cao Phong (huyện Cao Phong), Trường Tiểu học Lê Văn Tám (thành phố Hòa Bình) nói riêng và toàn ngành Giáo dục Hòa Bình nói chung trong thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia thời gian qua.
Đặc biệt nhấn mạnh quan tâm, chuyển biến sâu sắc về nhận thức đối với công tác kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường chuẩn quốc gia, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, cần nhận thức rõ vị trí, vai trò của kiểm định chất lượng giáo dục; các tiêu chí kiểm định chất lượng; trách nhiệm của từng thành viên trong nhà trường trong công tác kiểm định… Qua đó có biện pháp cải tiến chất lượng giáo dục ngày càng tốt hơn, làm sao để hoạt động này trở thành nhu cầu tự thân của mỗi nhà trường.
“Suy cho cùng, mọi sự đổi mới đều bắt đầu từ nhận thức. Khi hiệu trưởng, giáo viên quyết tâm đổi mới, sẽ hình thành nên văn hóa chất lượng trong nhà trường. Từng trường một đều hướng tới một quy trình giải quyết công việc bảo đảm chất lượng. Nói đến nhà trường là nói đến chất lượng. Nói đến giáo dục là phải nói đến chất lượng. Phải hình thành văn hóa chất lượng trong mỗi nhà trường” – Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý.
Cũng nhắc đến tầm nhìn và có kế hoạch triển khai, Thứ trưởng cho rằng, phải xây dựng kế hoạch đạt chuẩn kiểm định với lộ trình từng năm. Trong kế hoạch, phân công rõ việc, rõ người. Kiểm định là của mọi thành viên trong nhà trường, không phải của riêng hiệu trưởng.
“Xây dựng kỹ kế hoạch và phải nâng lên thành đề án. Sở GD&ĐT chỉ đạo, yêu cầu nhà trường làm đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia, đạt chuẩn kiểm định chất lượng gửi phòng GD&ĐT thẩm định, UBND quận/huyện phê duyệt. Hơn 500 trường, hơn 500 đề án, như vậy sở GD&ĐT sẽ có trong tay lộ trình rõ ràng về xây dựng trường chuẩn, có kế hoạch, định hướng chiến lược, tầm nhìn lâu dài, ít nhất 5 năm.” – Thứ trưởng làm rõ.
Thứ trưởng đồng thời yêu cầu cần nhận thức đầy đủ và dành nguồn lực, sức lực để đẩy mạnh, nâng cao năng lực tự đánh giá trong nhà trường; cùng với đó là tăng cường số lượng trường được đánh giá ngoài. Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đặc biệt xây dựng kế hoạch để nâng chuẩn đội ngũ đáp ứng yêu cầu của Luật Giáo dục 2019 theo lộ trình; trong đó đặc biệt lưu ý tạo động lực cho đội ngũ. Ngoài ra, chú trọng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất. Thông qua kiểm định chất lượng, xây dựng được kế hoạch để đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học một cách phù hợp; khơi dậy được văn hóa chất lượng trong nhà trường…
Theo: Giáo Dục Thời Đại