Bộ GD&ĐT cho biết: Năm nay, hơn 6000 giảng viên ĐH sẽ tham gia thanh tra, kiểm tra thi.
Theo hướng dẫn công tác thanh tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, sẽ có hơn 6000 giảng viên đại học được huy động thực hiện nhiệm vụ này. Đặc biệt, năm nay sẽ có thêm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh tham gia giám sát kỳ thi.
Tại họp báo quý II năm 2020 diễn ra chiều 30-6, Bộ GD&ĐT cho biết, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tháng 4-2020, Bộ GD&ĐT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cơ bản thống nhất với phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020. Theo đó, phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay không có nhiều thay đổi so với năm 2019.
Thanh tra Bộ GD&ĐT tham gia vào tất cả các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh: Khánh Huy
Bộ cũng đã hoàn thiện phương án cụ thể để giám sát chặt chẽ các khâu của kỳ thi, trong đó đặc biệt là công tác coi thi, chấm thi tại các địa phương. Hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý thi, phần mềm chấm thi trắc nghiệm. Ban hành đề thi tham khảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 giúp định hướng dạy học, ôn tập, tạo tâm lý ổn định đối với giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Kỳ thi năm nay, giảng viên ĐH sẽ không tham gia vào công tác coi thi, chấm thi như mọi năm nhưng sẽ được huy động để tham gia các đoàn thanh tra của Bộ, của Sở triển khai công tác kiểm tra, thanh tra tất cả các khâu của kỳ thi. Theo hướng dẫn công tác thanh tra kỳ thi đã được Bộ GD&ĐT ban hành, sẽ có hơn 6.000 giảng viên ĐH được huy động thực hiện nhiệm vụ này. Đặc biệt, năm nay sẽ có thêm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh tham gia giám sát kỳ thi.
Theo hướng dẫn thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Theo đó, thanh tra ủy quyền của Bộ GD&ĐT tham gia vào tất cả các khâu của kỳ thi này.
Thanh tra Bộ GD&ĐT có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và cơ sở giáo dục ĐH, thành lập đoàn thanh tra/kiểm tra các khâu của kỳ thi tại các Ban chỉ đạo cấp tỉnh, các sở GD&ĐT, Hội đồng thi; chỉ đạo hoạt động các đoàn thanh tra/kiểm tra thi theo Quy chế thi và các quy định của pháp luật về thanh tra. Việc thành lập các đoàn thanh tra đảm bảo nguyên tắc: không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra; chỉ quyết định thanh tra viên mới được tiến hành thanh tra độc lập.
Thanh tra Bộ thành lập các đoàn kiểm tra việc chỉ đạo, công tác chuẩn bị thi và thanh tra/kiểm tra công tác chuẩn bị thi của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Sở GD&ĐT.
Thành lập các đoàn kiểm tra việc chỉ đạo tổ chức coi thi và thanh tra/kiểm tra công tác coi thi của Sở GD&ĐT (kiểm tra việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn khu vực in sao đề thi của Ban in sao đề thi); Thành lập các đoàn thanh tra việc chỉ đạo, tổ chức chấm thi và thanh tra, kiểm tra công tác chấm thi của Sở GD&ĐT. Thành lập các đoàn kiểm tra việc chỉ đạo, tổ chức phúc khảo bài thi và thanh tra, kiểm tra công tác phúc khảo bài thi của Sở GD&ĐT.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Công tác thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm nay có 4 mục đích trọng tâm: Bộ GD&ĐT thực hiện chức năng quản lý Nhà nước; Phòng ngừa sai phạm từ khâu chuẩn bị đến tổ chức kỳ thi; Giúp các cấp, chủ thể tổ chức kỳ thi đúng với mục tiêu, tính chất; Góp phần tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, công khai minh bạch.
Bảo đảm tính độc lập ở mọi cấp thanh tra, kiểm tra. Phân rõ trách nhiệm từng cấp thanh tra, kiểm tra với 5 nội dung (5 rõ): Rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, mục tiêu, phương pháp, trách nhiệm. Mọi công đoạn của công tác thi đều được thanh tra, kiểm tra với yêu cầu rõ nhất là không có khoảng trống, điểm mờ. Cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra phải được sàng lọc, lựa chọn kỹ lưỡng với chuyên môn và phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao. 100% cán bộ phải được tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, nếu đạt yêu cầu mới được tham gia thanh tra thi. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 cấp: Thanh tra Bộ GD&ĐT, thanh tra tỉnh, thanh tra Sở GD&ĐT, cũng như phối hợp với lực lượng khác cùng tham gia tổ chức kỳ thi.
T.Fan
Nguồn: baomoi.com