Không sớm công bố rộng rãi bản mẫu sách giáo khoa, thời gian cho giáo viên góp ý quá ngắn, triển khai quá vội vàng,… việc đóng góp ý kiến khó đạt chất lượng.
Ngày 30/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản gửi các sở giáo dục và đào tạo về việc tổ chức góp ý các bản mẫu sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 biên soạn theo chương trình mới.
Theo đó, quá trình tham gia góp ý các bản mẫu sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 sẽ được tiến hành trong 3 đợt.
Tuy nhiên, khi tiếp nhận văn bản này, nhiều giáo viên vẫn băn khoăn vì quy trình, cách thức thực hiện chưa được rõ ràng cũng như chưa có quy định chặt chẽ.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Phạm Thái Lê – giáo viên môn Ngữ Văn trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng: Từ thời gian đến hình thức, cách thức lấy ý kiến giáo viên cho bản mẫu sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 còn nhiều bất cập, nặng về hình thức.
Sẽ khó tiếp nhận được ý kiến tâm huyết, khoa học
Theo chia sẻ của cô Phạm Thái Lê, cách triển khai, tổ chức góp ý các bản mẫu sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 vẫn còn nhiều bất cập.
Ngoài việc giới hạn về thời gian thì khả năng, cơ hội tiếp nhận bản mẫu sách và nêu ý kiến của giáo viên cũng bị hạn chế.
Điều này khiến các nhà biên soạn sách, hội đồng thẩm định khó thu thập được những ý kiến tâm huyết, khoa học nhất. Cụ thể, cô Lê nêu ra 4 vấn đề đối với việc tổ chức góp ý cho sách giáo khoa.
Thứ nhất, thời gian để giáo viên góp ý sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 là quá ngắn. Theo cô Lê, việc đọc, tìm hiểu, phát hiện lỗi sai, hoặc cảm nhận những cái hay, cái dở trong sách giáo khoa là cả một quá trình và đòi hỏi cần có thời gian. Thậm chí, có những trường hợp phải dạy thử, học thử thì mới tìm ra vấn đề.
“Theo văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian góp ý cho đợt 1 là từ ngày 27/11/2020 đến ngày 9/12/2020, tức là trong khoảng hơn 2 tuần, với khoảng thời gian ngắn như vậy, giáo viên liệu có thể nghiên cứu, tìm hiểu và đưa ra được những nhận xét, góp ý chất lượng, tâm huyết, khoa học không?
Mặc dù thời gian góp ý đợt 2, đợt 3 chưa nêu rõ nhưng có thể thấy, muốn triển khai chương trình mới với lớp 2, lớp 6 trong năm học 2021 – 2022 thì muộn nhất tháng 5 phải có sách giáo khoa, tháng 3 phải có bản mẫu sách hoàn chỉnh để in ấn, phát hành.
Chúng ta vừa góp ý, chỉnh sửa, chưa biết có những thay đổi nào nữa. Về thời gian như vậy là quá gấp gáp, triển khai trong tâm thế vội vàng, khó đạt kết quả tốt”, cô Lê nêu vấn đề.
Thứ hai, việc phổ biến bản mẫu sách giáo khoa một cách rộng rãi còn chậm trễ. Hiện nay, đã có những bản mẫu sách giáo khoa đưa ra để chúng ta đánh giá, góp ý nhưng lại đang giới hạn đối tượng tiếp cận.
Cụ thể, đợt 1, mỗi sở giáo dục và đào tạo chọn cử 10 giáo viên/môn học; đợt 2 dành cho giáo viên dạy lớp 2 và lớp 6 năm học 2021-2022.
“Nhiều giáo viên đang mong chờ đón đọc bản mẫu sách giáo khoa để có thể chia sẻ những nhận xét, ý kiến tâm huyết của mình. Tuy nhiên, đến bây giờ, họ vẫn chưa được tiếp nhận bản mẫu đó.
Bộ khoanh vùng đối tượng giáo viên góp ý qua từng đợt, chỉ những giáo viên tham gia góp ý mới có tài khoản đăng nhập, mới được tiếp cận với bản mẫu sách.
Trong khi đó, giáo viên rất cần được đọc bản mẫu sách càng sớm càng tốt vì quá trình đánh giá rất cần thời gian”, cô Lê nhấn mạnh.
Cũng theo cô Lê, đến đợt 3, việc thông báo cho giáo viên, cán bộ quản lý tìm hiểu, góp ý các bản mẫu sách giáo khoa mới được triển khai, nhưng chưa rõ thời gian, cũng chưa biết giáo viên sẽ gửi ý kiến đóng góp bằng hình thức, cách thức, phương tiện nào.
Mời giáo viên góp ý sách giáo khoa cần có thù lao và ràng buộc trách nhiệm
Thứ ba, quy định trách nhiệm không rõ ràng
Bàn về vấn đề này, cô Phạm Thái Lê phân tích: “Như hình thức triển khai ở đợt 1, những giáo viên được giao nhiệm vụ góp ý cho bản mẫu sách giáo khoa, họ được phân công công việc đó và có thể có chế độ tương ứng.
Tuy nhiên, với nhiệm vụ ấy, trách nhiệm của giáo viên đến đâu, trách nhiệm như thế nào lại không hề quy định rõ. Câu hỏi đặt ra là chất lượng của những ý kiến đóng góp như thế nào? Hay họ chỉ có nêu ra ý kiến đóng góp là đã hoàn thành nhiệm vụ”.
Thứ tư, quá trình tổ chức lấy ý kiến giáo viên về bản mẫu sách giáo khoa còn mang nặng tính hình thức, thiếu sự cầu thị.
Cô Lê cho biết, bản thân từng tham gia góp ý cho chương trình giáo dục phổ thông mới phần Tiếng Việt, tuy nhiên, những ý kiến đóng góp của giáo viên chỉ có một chiều mà không có phản hồi.
“Tôi nhận thấy việc góp ý của giáo viên như “đá ném ao bèo”, không có phản hồi, không có dấu hiệu gì để chúng tôi biết là ý kiến của mình có được tiếp nhận hay không?
Điều này làm giáo viên cảm thấy việc những nhà biên soạn sách, những người thẩm định lấy góp ý của giáo viên như làm chiếu lệ, hình thức.
Nếu tiếp nhận những ý kiến của giáo viên một cách thờ ơ thì giáo viên dễ mất đi cái tâm huyết ban đầu, họ không biết là ý kiến của bản thân mình có được đón nhận không, có ý nghĩa gì không”, cô Lê chia sẻ.
Theo cô Lê, cách triển khai lấy ý kiến của giáo viên về bản mẫu sách giáo khoa hiện nay vẫn chưa có mối liên kết chặt chẽ giữa nhà biên soạn sách, hội đồng thẩm định và giáo viên tham gia góp ý.
Những góp ý chỉ thường chỉ mang tính chất đơn chiều, không có sự tương tác đa chiều, không có một không gian trao đổi thực sự dân chủ, rộng rãi.
Việc thu nhận ý kiến đóng góp của giáo viên chưa thể hiện tính cầu thị, vì chưa cầu thị nên quá trình làm chưa cụ thể, rõ ràng, nóng vội về thời gian mà chưa quan tâm đến chất lượng.
Trong đợt góp ý thứ ba, khi bản mẫu được công bố mở rộng, giáo viên lại chưa có thông tin việc gửi ý kiến của mình như thế nào?
“Điều tôi băn khoăn lo lắng là việc ghi nhận ý kiến của giáo viên có đảm bảo chất lượng không, hay chỉ là làm cho đủ quy trình, làm để có những con số kết luận trong báo cáo”, cô Lê chia sẻ.
Rất cần công bố rộng rãi bản mẫu sách giáo khoa
Theo cô Phạm Thái Lê, hoạt động góp ý sách giáo khoa cực kỳ cần thiết, quan trọng và cần phải được diễn ra một cách thận trọng, có thời gian, quy trình khoa học, đồng thời phải thể hiện tính cầu thị, tạo điều kiện cho tất cả mọi người có quyền được xem và góp ý.
“Có thể hiểu việc chia từng đợt góp ý với từng nhóm đối tượng giáo viên nhằm mục đích tránh nhiễu loạn thông tin.
Tuy nhiên, không thể vì lý do đó mà chúng ta thực hiện chậm trễ việc công bố bản mẫu sách, đặc biệt là công bố đối với toàn bộ giáo viên.
Việc tạo một môi trường dân chủ, lắng nghe nhiều tiếng nói là điều thiết thực giúp phát huy hiệu quả vấn đề này”, cô Lê nêu quan điểm.
Cô Lê cho rằng, việc công bố rộng rãi bản mẫu sách giáo khoa rất cần thiết, đặc biệt trong hoàn cảnh chúng ta đang gấp rút thời gian để triển khai chương trình mới cho lớp 2, lớp 6 trong năm học sau.
Theo tinh thần của chương trình mới, sách giáo khoa không còn là pháp lệnh mà là tài liệu tham khảo, sách giáo khoa không phải tài liệu bí mật nên việc công bố bản mẫu hoàn toàn hợp lý.
Những bản mẫu sách giáo khoa này cũng đã được chọn lọc và được thẩm định bởi hội đồng thẩm định, việc công bố và lấy ý kiến rộng rãi sẽ là quá trình tự sàng lọc những ý kiến có giá trị và tâm huyết.
Cô Lê nhấn mạnh: “Khi tạo môi trường góp ý mở rộng, tự do, những người không quan tâm, không tìm hiểu họ sẽ không lên tiếng.
Nhưng những người thực sự tâm huyết, thực sự có năng lực, trình độ, chuyên môn, những người có trách nhiệm xã hội, họ sẽ có cơ hội gửi ý kiến nhận xét của mình về những vấn đề còn tồn tại của sách giáo khoa. Đó chính là quá trình tự sàng lọc hiệu quả”.
Theo cô Lê, việc lấy ý kiến theo ngành dọc từ những giáo viên có kinh nghiệm có thể thực hiện song song với việc ghi nhận đóng góp từ những kênh xã hội khác.
Chính vì vậy, việc công bố bản mẫu sách giáo khoa rộng rãi cần được triển khai sớm.
Theo đó, nên có những khoản thù lao dành cho những góp ý giá trị, ý nghĩa, có tính xây dựng và phát huy hiệu quả để hoàn thiện nội dung sách giáo khoa.
Bên cạnh đó, cô Lê cũng đề xuất việc tổ chức những buổi hội thảo về góp ý cho sách giáo khoa, tạo một môi trường trao đổi, tương tác đa chiều, bàn luận, nêu hướng giải quyết cụ thể đối với những vấn đề tồn tại trong sách giáo khoa nếu có.
Cô Phạm Thái Lê cũng thẳng thắn nêu quan điểm: “Nếu quá trình góp ý, thẩm định sách giáo khoa vẫn chưa đạt chất lượng, nếu chưa có bộ sách giáo khoa đạt yêu cầu thì cần hoãn việc triển khai chương trình mới đối với lớp 6”.
Phạm Minh
Theo: Báo Mới