Xác định việc dạy và học ngoại ngữ có vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo.
Nhiều hiệu ứng tích cực
Những năm gần đây, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo luôn là một trong những vấn đề được ngành Giáo dục và Đào tạo quan tâm. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2019 – 2020, việc xây dựng, phát triển các chương trình, sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu, học liệu ngoại ngữ theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả cụ thể. Các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục hoàn thiện, triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra và ngành, nghề đào tạo, đặc biệt là đối với tiếng Anh; qua đó góp phần hỗ trợ sinh viên học và sử dụng ngoại ngữ bảo đảm yêu cầu, chất lượng chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ khi tốt nghiệp.
Các hình thức học tập ngoại ngữ được triển khai khá đa dạng tạo môi trường học tập thuận lợi cho học sinh.
Cũng trong năm học này, ngành Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành xây dựng khung năng lực giáo viên ngoại ngữ, các hệ thống trực tuyến bồi dưỡng giáo viên về năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm; rà soát, đánh giá các chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh bậc mầm non, phổ thông và xây dựng chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh bậc mầm non, phổ thông chuẩn để giới thiệu dùng chung cho các cơ sở giáo dục có đào tạo ngành sư phạm ngoại ngữ. Công tác khảo thí năng lực ngoại ngữ được rà soát, kiểm soát chặt chẽ hơn với việc ban hành các văn bản quy định về việc tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ; xây dựng, bổ sung ngân hàng đề thi chuẩn hóa đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, đào tạo và bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách về khảo thí.
Tại nhiều địa phương, việc tổ chức đánh giá năng lực tiếng Anh được thực hiện cả 4 kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết và triển khai phần tự luận trong các bài kiểm tra viết đối với học sinh học chương trình tiếng Anh hệ 10 năm; phối hợp với tổ chức, cá nhân, giáo viên nước ngoài tham gia dạy ngoại ngữ ở các trường phổ thông. Một số địa phương đã tổ chức các hoạt động để nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh thông qua việc đánh giá năng lực đầu ra bậc 2 đối với học sinh lớp 9, bậc 3 đối với học sinh lớp 12; thí điểm dạy một số môn Khoa học tự nhiên (Toán, Vật lý) bằng tiếng Anh ở một số cơ sở giáo dục phổ thông. Ngoài ra, các địa phương cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng và triển khai các hoạt động phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ như phong trào học tiếng Anh, các cuộc thi Olympic tiếng Anh, các câu lạc bộ ngoại ngữ, các sân chơi chuyên môn… Các hình thức học tập ngoại ngữ được triển khai khá đa dạng tạo môi trường học tập thuận lợi cho học sinh.
Riêng tại Hà Nội, việc dạy học ngoại ngữ được coi là một thế mạnh. Từ năm học 2017 – 2018, Hà Nội đã triển khai thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài trung học phổ thông quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc – chứng chỉ A Level tại Trường Trung học phổ thông Chu Văn An. Đến nay, chương trình đã được mở rộng tại 7 trường phổ thông trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, toàn thành phố còn có 20 trường được công nhận là trường chất lượng cao, trong đó có những thế mạnh về tin học, ngoại ngữ. Đặc biệt, ngoài tiếng Anh, học sinh còn có cơ hội học nhiều thứ tiếng khác như tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Pháp… Nhiều sân chơi bổ ích được ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô duy trì, góp phần nâng tầm kỹ năng giao tiếp, vốn ngoại ngữ, trình độ học vấn và sự thân thiện của học sinh Thủ đô đối với bạn bè quốc tế.
Nâng cao chất lượng
Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai chương trình ngoại ngữ mới ở giáo dục phổ thông còn nhiều khó khăn do đặc thù của các vùng miền, địa phương. Số lượng học sinh được học theo chương trình ngoại ngữ mới theo đúng thời lượng còn thấp. Việc tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ và nâng cao chất lượng giáo viên theo chuẩn tại một số địa phương còn khó khăn. Cùng đó, việc đầu tư trang bị cơ sở vật chất và thiết bị thiết yếu; lựa chọn, khai thác, sử dụng học liệu phục vụ dạy và học ngoại ngữ; ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác trang thiết bị dạy học ngoại ngữ cho các cấp học đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới. Các hoạt động kiểm tra, đánh giá ngoại ngữ tại các địa phương còn chưa đồng bộ.
Năm học 2020 – 2021, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả, đảm bảo chất lượng chương trình tiếng Anh theo Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020”; chuẩn hóa, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ trong trường phổ thông; tăng cường đào tạo giáo viên dạy song ngữ các môn Khoa học tự nhiên cấp Trung học phổ thông; phát huy hiệu quả và mở rộng mô hình liên kết để tăng cường dạy bổ trợ ngoại ngữ; tranh thủ tối đa hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ.
Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai xây dựng các chương trình quốc tế trong các trường phổ thông; tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn, tiêu chí và phương pháp tiếp cận chung của khu vực và quốc tế trong xây dựng, cập nhật chương trình và triển khai đào tạo để trên cơ sở đó đề xuất xây dựng mô hình trường chất lượng cao tiệm cận chất lượng quốc tế; khuyến khích các cơ sở giáo dục nhận chuyển giao chương trình tiên tiến của nước ngoài, sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy các môn khoa học ở các trường chuyên, trường chất lượng cao…
Tới đây, một trong những nhiệm vụ chủ yếu của ngành Giáo dục và Đào tạo là tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Theo đó, Ngành sẽ thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ và năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học; bảo đảm cơ cấu, số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, nhất là giáo viên phổ thông, đáp ứng yêu cầu và tiến độ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; bảo đảm 100% học sinh lớp 3 được học ngoại ngữ vào năm học 2022 – 2023; tiếp tục triển khai dạy học một số môn học khác bằng ngoại ngữ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời khuyến khích triển khai cho trẻ mẫu giáo làm quen với ngoại ngữ (tiếng Anh) và triển khai dạy tiếng Anh tự chọn cho học sinh lớp 1, lớp 2 ở các địa phương có đủ điều kiện thực hiện; tiếp tục khuyến khích mở rộng đối tượng học sinh học chương trình môn tiếng Anh hệ 10 năm từ năm học 2020 – 2021 để sẵn sàng thực hiện chương trình môn tiếng Anh mới theo lộ trình; tiếp tục hoàn thiện, xây dựng chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra của các ngành, nghề đào tạo; khuyến khích triển khai các chương trình đào tạo sử dụng ngoại ngữ là ngôn ngữ giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học.
Ngoài ra, ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên; tăng cường rà soát, chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia bảo đảm minh bạch, khách quan, trung thực; bổ sung trang thiết bị thiết yếu, học liệu cơ bản đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ; tiếp tục xây dựng và triển khai thí điểm hệ thống hỗ trợ dạy học tiếng Anh trực tuyến và trên máy tính cho cấp học phổ thông.Ngành cũng sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu của Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 – 2025; phát động phong trào học tiếng Anh, xây dựng và phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ tại các trường phổ thông và cơ sở giáo dục đại học…/.
Phạm Thảo