Nhiều người nhầm sách giáo khoa với chương trình

Các nhà trường thực hiện dạy học lớp 1 theo Chương trình GDPT 2018 mới được hơn một tháng nhưng dư luận đã “nóng” lên vấn đề chương trình và SGK môn Tiếng Việt lớp 1. Nhiều ý kiến cho rằng: Chương trình lớp 1 hiện nay quá nặng; sách giáo khoa thiết kế nhiều bài dài, rườm rà.

Cùng vào cuộc với giáo viên từ những ngày đầu trăn trở, đắn đo khi xây dựng kế hoạch giáo dục môn Tiếng Việt lớp 1, qua thăm lớp dự giờ, trao đổi, thảo luận với cha mẹ học sinh, chúng tôi rút ra được một số nguyên nhân “làm nóng” dư luận.

Lẫn lộn và đồng nhất SGK là chương trình

“Nếu so sánh với chương trình tiểu học năm 2000 thì môn Tiếng Việt nặng nề hơn, đa số các bộ sách giáo khoa môn Tiếng Việt đều “chạy” chương trình khá nhanh.

Phần ứng dụng trong sách giáo khoa chương trình cũ chỉ có 2 – 3 câu đơn giản thì sách giáo khoa mới có khi học sinh lớp 1 phải đọc nguyên một bài thơ hoặc cả một văn bản dài” – ý kiến của 1 cô giáo khối trưởng khối 1 trên Báo Tuổi trẻ).

“Nhiều kiến thức nhưng thời gian ít, chương trình nặng thì giáo viên có giỏi mức nào cũng rất khó xoay xở để các em theo kịp một cách tương đối” – ý kiến của một giáo viên…  

Những ý kiến nêu trên rõ ràng đang lẫn lộn giữa chương trình và SGK. Nêu quan điểm nặng nhẹ không dựa trên mục tiêu và yêu cầu cần đạt của chương trình mà dựa vào bài học trong SGK và tài liệu thiết kế dạy học để đánh giá.

Đánh giá mức độ nặng nhẹ của chương trình môn Tiếng Việt lớp 1 hiện nay so với chương trình môn Tiếng Việt trước đây, chúng ta hãy so sánh về mục tiêu, yêu cầu cần đạt (chuẩn đầu ra) về các kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết và tổng thời gian cho môn Tiếng Việt của 2 chương trình như sau (Xem Bảng bên):

So sánh chuẩn đầu ra ở trên cho thấy, chương trình môn Tiếng Việt lớp 1 hiện hành chỉ “nặng” hơn chương trình môn Tiếng Việt trước đây ở tốc độ đọc tối thiểu 10 tiếng/phút và thay việc biết tô chữ hoa ở chương trình cũ bằng biết viết chữ hoa ở chương trình hiện hành. Để ‘bù” cho việc “nặng” đó thì thời lượng môn Tiếng Việt lớp 1 ở chương trình hiện hành tăng đáng kể (70 tiết) so với chương trình cũ.

Mặt khác, không thể phủ nhận rằng, hiện nay so với trước đây thì cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các nhà trường khang trang hơn, đầy đủ hơn; cùng độ tuổi nhưng nhận thức của học sinh phát triển hơn cách đây 14 năm (chương trình GDPT trước đây ban hành theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGD ĐT ngày 5/5/2006).

Cho nên Chương trình GDPT 2018 xây dựng dựa trên nguyên tắc kế thừa và phát triển là hoàn toàn phù hợp. Đa số thầy cô giáo không ngừng học tập, say mê nghiên cứu cải tiến chất lượng. Đêm ngày trăn trở với từng bài dạy, đắn đo, cân nhắc cách thức tổ chức từng hoạt động cho học sinh. Bên cạnh đó, còn có nhiều GV tư duy vẫn đang bị trói buộc bởi thói quen cũ.

Thói quen cũ của GV chúng ta là chỉ dựa vào nội dung dạy học có sẵn trong tài liệu hướng dẫn dạy học, SGK, giáo án “trên mạng” ít chủ động, đầu tư cho việc nghiên cứu nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với đối tượng học sinh của mình.

Ngày nay chỉ cần tìm kiếm với cụm từ “giáo án môn… bộ sách…” là ngay lập tức GV tha hồ “cóp”, “cắt”, “chỉnh sửa”. Sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) hỗ trợ cho việc tìm tòi, nghiên cứu trong quá trình dạy học là điều hết sức cần thiết, tuy nhiên nhiều GV đã sử dụng sản phẩm CNTT thay thế gần như hoàn toàn cho tư duy dạy học của mình.

Giáo án thì cóp nhặt, chắp vá lại thêm nhận thức lệch lạc, lẫn lộn SGK là chương trình cho nên mới “nhồi nhét” cho hết những gì có trong SGK vào đầu học sinh (mới chỉ là những đứa trẻ có nhận thức mới bằng 1/7 học sinh lớp 1).

Học sinh phải học với những thầy cô có nhiều “chất thợ” nhưng thiếu “chất thầy” nên “hổng” kiến thức từ ban đầu và lỗ hổng ấy cứ tăng lên theo ngày tháng khiến CMHS phải hoang mang là điều không tránh khỏi.

Các bộ sách mới có khá nhiều sự thay đổi so với sách giáo khoa cũ. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Kế hoạch dạy học không phù hợp 

Chương trình GDPT 2018 không quy định cụ thể số tiết học trong từng buổi, từng tuần cho mỗi môn học như chương trình cũ mà chỉ quy định tổng thời gian cả năm cho mỗi môn học. Việc sắp xếp nội dung dạy, thời lượng (số tiết) dạy học cụ thể từng môn, Bộ GD&ĐT đã trao quyền cho các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch cho cả năm học. Kế hoạch này được xây dựng theo một quy trình rất khoa học.

Dựa vào mục tiêu, yêu cầu cần đạt của các môn học quy định trong chương trình (không phải SGK) và kết quả phân tích bối cảnh nhà trường (đặc điểm học sinh, các điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường, đặc điểm phương ngữ, thói quen…), các tổ chuyên môn (CM) tổ chức xây dựng kế hoạch dạy học các môn. Sản phẩm của hoạt động này là khung thời gian thực hiện các mạch kiến thức (chủ đề) và thứ tự dạy học các mạch kiến thức đó. 

Các mạch kiến thức là tập hợp các yêu cầu cần đạt được sắp xếp có chủ ý. Thời lượng cho các mạch kiến thức đảm bảo theo quy định của chương trình.

Ví dụ về thời lượng các mạch kiến thức trong môn Tiếng Việt lớp 1: Đọc chiếm 60%; viết chiếm 25%; nói 10%, kiểm tra, đánh giá 5%. Trên cơ sở kế hoạch các môn mà tất cả GV trong tổ đã xây dựng, GV dạy môn nào thì chủ động lên phân phối chương trình (PPCT) môn đó hoặc cả tổ CM cùng tham gia xây dựng PPCT.

Có thể cùng 1 nội dung yêu cầu cần đạt nhưng thời lượng dạy lớp này khác với lớp kia; yêu cầu về mức độ cần đạt đối với em này có thể khác với em kia trong một tiết dạy. Căn cứ vào PPCT đã xây dựng, GV lựa các nội dung ở SGK để dạy. Sau một thời gian thực hiện tổ CM sẽ tiến hành điều chỉnh kế hoạch dạy học, GV điều chỉnh lại mục tiêu trong từng tiết cho phù hợp đối tượng học sinh…

Quy trình là vậy, nhưng trong thực tế nhiều nhà trường, nhiều GV lại dựa hoàn toàn vào SGK để xây dựng kế hoạch dạy học và PPCT. Mặc dù, năm nay SGK đã được GV dạy lớp 1 của các nhà trường tổ chức chọn, tuy nhiên SGK không thể viết riêng cho từng trường hay từng vùng miền được.

Trong quá trình dạy học, giáo viên cố gắng nhồi nhét tất cả những gì SGK có vào đầu học sinh đã gây nên tình trạng “quá tải” đến nỗi “mỗi buổi đi học về con tôi lại mếu máo…” hay “trẻ lớp 1 chỉ hơn “mẫu giáo lớn” một chút, có nghĩa vừa phải dạy, vừa phải dỗ, kèm từ cách cầm bút đến khả năng ngồi tập trung 20 – 30 phút. Vậy mà chương trình lại dạy quá nhanh. Không nói học sinh mà phụ huynh cũng thấy rối với các âm/vần quá nhiều” như CMHS đã phản ánh. 

Học sinh Trường Tiểu học Gia Sàng (Thái Nguyên). Ảnh: Thế Đại

Nhiều động tác thừa 

Bảng so sánh về mục tiêu, yêu cầu cần đạt (chuẩn đầu ra) về các kỹ năng.

Thông qua việc dự giờ, dạy học lớp 1, chúng tôi rút ra được những hạn chế trong kỹ thuật dạy học của giáo viên như nói quá nhiều, giải thích nhiều; lạm dụng vỗ tay, khen ngợi HS; đánh giá chưa hợp lý (cứ mỗi HS trả lời lại cho một số HS khác nhận xét); các thao tác hướng dẫn HS thực hiện nhiệm vụ ít vận dụng quy ước, ký hiệu mà chủ yếu dùng mệnh lệnh; sử dụng đồ dùng dạy học chưa khoa học; nhiều bài dạy thiết kế trên giáo án điện tử ít thể hiện trọng tâm (trình chiếu lên như một buổi xem phim…).

Từ những hạn chế nêu trên đã làm cho hiệu quả tiết dạy học không như mong muốn (chưa xét đến việc chậm đổi mới phương pháp, và chưa linh hoạt trong việc tổ chức hình thức dạy học).

Từ những nguyên nhân như vậy, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp khắc phục như sau:

– Tổ chức dạy học phải dựa vào mục tiêu, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình và sát đối tượng HS, không phụ thuộc hoàn toàn vào SGK giáo dục phổ thông phụ thuộc vào chương trình không phụ thuộc vào SGK.
 

– Lựa chọn các nội dung có trong SGK để dạy phải sát đối tượng. Không bắt buộc tất cả các học sinh phải hoàn thành các nội dung như trong SGK.

– Tổ chức dạy học linh hoạt: Trong tiết học Tiếng Việt lớp 1, nếu những HS nào đã đọc tốt được âm, vần, câu ứng dụng hay bài tập đọc thì lập thành một nhóm tập đọc thầm, đọc nhỏ cho nhau nghe. Chọn những HS đang khó khăn trong việc đọc, viết tổ chức thành những nhóm khác để GV   hướng dẫn.

– Cắt bỏ hết động tác rườm rà, dành thời gian cho các hoạt động sát đúng mục tiêu. 

– Không nóng vội. Dạy đọc, viết các âm, vần cho học sinh lớp 1 thời gian đầu khó khăn giống như tập cho người mới đi xe đạp giữ thăng bằng, khi đã giữ được thăng bằng thì sẽ đi được xe đạp. Đi được xe đạp rồi thì xe đạp nào cũng đi được mà không cần phải tập nhiều. 

– Sau một thời gian dạy học, căn cứ vào tình hình thực tế để điều chỉnh kế hoạch dạy học và phân phối chương trình cho phù hợp hơn.

– Tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học (dựa trên phân tích các hoạt động học của học sinh) để nâng cao năng lực dạy học cho GV. 

Chặng đường đầu của mọi sự đổi mới bao giờ cũng là hành trình gian nan, gặp nhiều khó khăn. Quản lý, GV các nhà trường chúng ta hãy can đảm nhìn vào sự thật, đổi mới tư duy, bình tĩnh, tự tin, không nóng vội. Dạy học bằng tình cảm và lòng yêu thương chắc chắn sẽ có kết quả như mong muốn.

Recommended For You

About the Author: @dmin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *