Từ 1/7/2020, giáo viên tiểu học phải có bằng đại học trở lên. Đặc biệt, Điều 76 Luật Giáo dục 2019 cũng đã bỏ phụ cấp thâm niên nghề ra khỏi các chế độ dành cho giáo viên.
Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực từ 1/7/2020 với nhiều thay đổi với đội ngũ giáo viên. Cụ thể, giáo viên tiểu học có bằng đại học thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.
Lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn của giáo viên được thực hiện từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030 với 2 giai đoạn: Từ 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp.
Từ 1/1/2026 đến hết 31/12/2030, thực hiện nâng chuẩn đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên của các cơ sở giáo dục đạt trình độ chuẩn theo quy định.
Theo đó, giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, THCS, THPT có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên (thay vì chỉ cần có bằng trung cấp với giáo viên mầm non và tiểu học, cao đẳng với giáo viên THCS như hiện nay).
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học, phải có bằng thạc sĩ. Có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ.
Ngoài ra, từ 1/7, giáo viên không còn được hưởng phụ cấp thâm niên.
Cụt thể, Điều 76 Luật Giáo dục 2019 cũng đã bỏ phụ cấp thâm niên nghề ra khỏi các chế độ dành cho giáo viên.
Theo đó, từ ngày 1/7, giáo viên sẽ được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.
M. Hà
Nguồn: dantri.com.vn