Phát hiện biến chủng SARS-CoV-2 dễ lây lan hơn ở Đông Nam Á

Malaysia, Philippines đều phát hiện các biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 có khả năng lây lan nhanh hơn so với chủng ban đầu.

Trung tâm Nghiên cứu Gen của Philippines ngày 17/8 cho biết, họ đã phát hiện chủng G614 của vi rút SARS-CoV-2 cùng với chủng ban đầu D614 ở một số mẫu xét nghiệm dương tính tại thành phố Quezon của nước này.

“Trong tháng 6, cả chủng D614 và G614 đều được phát hiện trong một số mẫu dương tính. Mặc dù thông tin này xác nhận sự xuất hiện của chủng G614 ở Philippines, nhưng chúng tôi cũng lưu ý rằng, tất cả các mẫu xét nghiệm này đều ở thành phố Quezon và có thể không thể hiện bức tranh toàn cảnh về biến chủng của SARS-CoV-2 trên toàn quốc”, Trung tâm Nghiên cứu Gen Philippines cho hay.

Biến chủng này làm thay đổi axit amin ở vị trí thứ 614 từ D (axit aspartic) sang G (glycine). Biến chủng đó được gọi là D614G nghĩa là chủng D614 hiện đã chuyển thành G614.

Philippines là một trong những điểm nóng bùng phát Covid-19 tại Đông Nam Á. Trong ngày 16/8, Philippines ghi nhận thêm 3.420 ca mắc mới, nâng tổng số người mắc Covid-19 tại nước này lên 161.253 ca, trong đó gần 2.700 người đã tử vong.

Biến chủng G614 cũng được phát hiện ở Malaysia. Bộ trưởng Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah hôm qua 16/8 cho biết, các nhà khoa học của nước này đã phát hiện biến chủng D614G của virus SARS-CoV-2 hồi tháng 7 năm nay và biến chủng này có khả năng lây lan nhanh gấp 10 lần so với chủng vi rút phát hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc). Tuy nhiên, chuyên gia dịch tễ Awang Bulgiba Awang Mahmud thuộc Đại học Malaya cho rằng hiện chưa có bằng chứng để khẳng định sự xuất hiện của D614G tác động đến mức độ nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 ở Malaysia.

Trong một nghiên cứu đăng tải hồi tháng 7 trên tạp chí khoa học Cell, các chuyên gia chỉ ra, những bệnh nhân Covid-19 có chủng vi rút G614 có tải lượng vi rút cao hơn so với những bệnh nhân có chủng vi rút D614, song không đồng nghĩa với việc G614 có độc lực cao hơn D614.

“Chưa có bằng chứng xác thực nào cho thấy những người mang vi rút chủng G614 có thể lây truyền cao hơn so với những người mang biến chủng D614, sự đột biến này dường như không ảnh hưởng đáng kể đến kết quả lâm sàng”, Trung tâm Nghiên cứu Gen Philippines cho biết. Tuy vậy, cơ quan này cũng nhấn mạnh cần tiếp theo theo dõi biến chủng trên cũng như các biến chủng khác của vi rút SARS-CoV-2 để hiểu rõ hơn hướng tiến hóa của vi rút này nhằm phục vụ cho các chiến lược kiểm soát, chẩn đoán và điều trị.

Trước đó, Hàn Quốc cũng phát hiện 3 biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 trên 3 bệnh nhân nhập cảnh từ Pakistan và Uzbekistan. Cả 3 đột biến đều xảy ra ở “gai protein” của vi rút đây là bộ phận giúp vi rút xâm nhập vào tế bào trong cơ thể người. Giới khoa học vẫn chưa thể khẳng định đột biến này có ảnh hưởng đến khả năng lây nhiễm của vi rút không. Đến nay, SARS-CoV-2 được phân loại thành 7 chủng, bao gồm S, V, L, G, GH, GR, các chủng còn lại chưa thể xác định rõ. Chủng phổ biến ở Hàn Quốc là GH, đột biến từ chủng S, có khả năng lây nhiễm cao hơn.

Nguồn: dantri.com.vn

Recommended For You

About the Author: @dmin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *