Ngày 23/9, Bộ GD&ĐT đã long trọng tổ chức Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VII. Đến dự buổi lễ có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và hơn 300 đại biểu ưu tú của ngành giáo dục.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Đại hội cũng là dịp để ngành giáo dục tôn vinh, biểu dương, nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước được lựa chọn từ các đơn vị, cơ sở giáo dục của cả nước trong 5 năm qua; qua đó khơi dậy và tạo động lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Bộ trưởng Nhạ cho rằng, cùng với phong trào thi đua “Dạy tốt, Học tốt”, giai đoạn 2016 – 2020, ngành Giáo dục phát động và triển khai phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.
Nội dung “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” được các cơ sở giáo dục cụ thể hóa phù hợp với các cấp học, bậc học, ngành học với phương châm mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày tới trường đều nỗ lực đổi mới, cải tiến trong công việc và nhà giáo cùng nhau phát triển.
Việc tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần này là dấu mốc quan trọng khẳng định bước phát triển mới của phong trào thi đua và công tác khen thưởng; thể hiện sự tiếp nối, phát huy những truyền thống tốt đẹp và những thành tích, kết quả đã đạt được trong những năm qua.
Tại buổi lễ, Phó Chủ nước Đặng Ngọc Thịnh đã biểu dương những thành tựu quan trọng, sự nỗ lực, cố gắng của ngành Giáo dục, của các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý tâm huyết, trách nhiệm và các em học sinh, sinh viên nỗ lực vượt khó, học tập tốt trong cả nước thời gian qua.
Phó Chủ tịch nước cho biết, ngành Giáo dục đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, cuộc vận động của Trung ương, trọng tâm là 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, trong đó phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững đã góp phần huy động nguồn lực đáng kể đầu tư cơ vật chất, trường lớp mới ở vùng nông thôn và hỗ trợ cho hàng nghìn lượt học sinh, sinh viên vượt khó vươn lên học tập.
Theo Phó Chủ tịch nước, nhiều phong trào thi đua trong toàn ngành Giáo dục còn có nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực của các địa phương, các trường, viện trung tâm, trong đó trên nền phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” đã được triển khai cách đây gần 60 năm, ngành Giáo dục đã phát động và triển khai phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy – học, gắn với cuộc vận động, mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo.
Qua đó khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên và đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, xuất sắc, thành tích khen thưởng trong nước và quốc tế.
Đặc biệt với phương châm “Tạm ừng đến trường nhưng không dừng việc học”, ngành Giáo dục đã tăng cường dạy học qua internet, bảo đảm mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì các nhiệm vụ năm học mới.
Đây là bước thử để ngành Giáo dục có thể ứng dụng nhiều phương thức dạy – học, nhiều sáng tạo mới.
Tuy nhiên, Phó Chủ nước Đặng Ngọc Thịnh cho rằng, cần phải thẳng thắn nhìn nhận ngành Giáo dục và đào tạo còn nhiều tồn tại và khiếm khuyết.
“Chúng ta đang ở trong một giai đoạn thế giới đầy biến động, kinh tế lâm vào suy thoái, khủng hoảng nghiêm trọng và còn có thể kéo dài do dịch Covid-19. Cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư và những tiến bộ vượt bậc của khoa học – công nghệ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình số hóa, làm thay đổi mạnh mẽ trên các lĩnh vực, kể cả trong phương thức quản trị của ngành, phương thức dạy và học, và sẽ tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức.
Trong bối cảnh đó, chúng ta càng phải thấm nhuần sâu sắc, thực hiện tốt hơn nữa lời dạy của Bác Hồ: Để vượt khó khăn gian khổ, để đi đến thắng lợi, chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước và Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt” – Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Đối với công tác thi đua khen thưởng, Phó Chủ tịch nước mong muốn ngành Giáo dục cần tiếp tục tạo sức lan tỏa trong các phong trào thi đua, triển khai sâu rộng trong toàn ngành các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đồng thời, gắn công tác thi đua khen thưởng với xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, với mong muốn từng ngôi trường, điểm trường là đơn vị luôn sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn, không chỉ vậy, nhiều nơi còn ước mơ là ngôi trường hạnh phúc.
Nguồn: dantri.com.vn