Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ “5 điều ước” của thầy cô giáo dân tộc thiểu số

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn các thầy cô giáo dân tộc thiểu số không ngừng phấn đấu rèn luyện, trau dồi kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “trồng người”.

Ngày 16/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gặp mặt 63 thầy cô giáo dân tộc thiểu số tiêu biểu được tôn vinh trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2020. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô do Trung ương Đoàn cùng Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức, nhằm ghi nhận những cống hiến bền bỉ của thầy cô giáo đang công tác ở các trường học điểm lẻ thuộc các huyện khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Qua 5 năm triển khai, Chương trình đã tuyên dương 279 giáo viên “bám bản” tiêu biểu, đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết, vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ. Năm nay, chương trình tổ chức tuyên dương 63 giáo viên người dân tộc thiểu số. Các thầy cô không quản ngại điều kiện công tác khó khăn, gian khổ, quyết tâm mang con chữ đến với học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Tiêu biểu như thầy Thạch Bình Thanh (dân tộc Khmer, tỉnh Vĩnh Long), cô giáo Pi Năng Thị Hải (dân tộc Raglai, tỉnh Ninh Thuận), cô giáo Hà Ánh Phượng (dân tộc Mường, tỉnh Phú Thọ); thầy Đào Văn Mượt (dân tộc Chơ Ro, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), cô Lý Thị Thu (dân tộc Dao, tỉnh Lạng Sơn)…

Phó Thủ tướng trò chuyện với cô Hà Ánh Phượng.

Tại cuộc gặp mặt Phó Thủ tướng, thầy cô giáo dân tộc thiểu số bày tỏ mong ước các trường, điểm trường đều có điện, sóng điện thoại, học sinh được ăn trưa, đủ sách vở, có nhà vệ sinh hợp vệ sinh… để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” với các em học sinh.

Thầy Thạch Bình Thanh, sinh năm 1969, người dân tộc Khmer (giáo viên Trường Tiểu học Thạch Thía, xã Loan Mỹ, Tam Bình, Vĩnh Long) kể về những công việc hàng ngày như đi từng nhà vận động học sinh đến trường, làm sao lo cho các cháu được ăn trưa tại lớp hay nhiều điểm trường còn chưa có điện, không có sóng điện thoại, nhà vệ sinh, nước sạch…

Cô giáo Pi Năng Thị Hải, dân tộc Raglai, đang giảng dạy tại Trường mầm non Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, những năm qua, mặc dù Đảng và Nhà nước đã quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, tuy nhiên nhà trường vẫn cần quan tâm đầu tư hơn nữa để các học sinh có điều kiện học tập tốt hơn.

Trò chuyện tại buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời cảm ơn các thầy cô giáo, trong đó có các thầy cô người dân tộc thiểu số, vượt qua rất nhiều khó khăn để chăm lo cho các em học sinh thân yêu.

Phó Thủ tướng khẳng định: Phát triển giáo dục thì đất nước mới phát triển. Đảng, Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục-đào tạo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và các đối tượng diện chính sách.

Những ý kiến tâm huyết với mong ước “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” đã làm cuộc gặp mặt trở thành “hội nghị” bàn về những công việc có thể làm ngay để đồng hành với các thầy cô giáo chia sẻ khó khăn với học sinh và phụ huynh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu.

Từ “5 điều ước” được các thầy cô nhắc đến nhiều nhất, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn trong thời gian tới sẽ có phong trào “5 điều ước” để kêu gọi toàn xã hội hỗ trợ thiết thực cho các điểm trường còn khó khăn, thiếu thốn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đó là các trường, điểm trường chưa có điện sẽ có điện, dù là điện lưới hay điện mặt trời; được phủ sóng điện thoại để tạo điều kiện cho các thầy cô sử dụng, cập nhật bài giảng, kiến thức giảng dạy mới; hỗ trợ học sinh ở các điểm trường xa có bữa ăn trưa; có đủ sách vở đồ dùng dạy học, nhất là bằng tiếng dân tộc; xây dựng nhà vệ sinh hợp vệ sinh.

63 thầy cô giáo dự cuộc gặp mặt sẽ trở thành những đại sứ đầu tiên của phong trào “5 điều ước”, để lan tỏa xuống bên dưới. Phong trào này sẽ trở thành một phân hệ của Đề án Hệ tri thức Việt số hóa, qua đó tất cả các trường, trước hết ở những vùng khó khăn, nói lên những “điều ước” rất cụ thể dựa trên điều kiện thực tế tại đơn vị mình, từ đó có cơ chế kết nối với những sự hỗ trợ nhằm biến “5 điều ước” trở thành hiện thực.

Recommended For You

About the Author: @dmin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *