Chiều nay (25/2), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác kiểm tra thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội “Về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” và công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại tỉnh Bắc Giang. Tiếp đoàn công tác có ông Lê Ánh Dương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, ông Trần Tuấn Nam – Giám đốc Sở GD&ĐT.
Quan tâm cả số lượng và chất lượng
Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh Bắc Giang tiếp tục quan tâm đến cơ sở vật chất, rà soát chất lượng của các trường đạt chuẩn quốc gia. Chuẩn phải trên mọi phương diện. Quản trị nhà trường phải xây dựng từng vị trí việc làm, công khai minh bạch.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thêm – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang cho biết, sau 5 năm làm thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội, ngành Giáo dục Bắc Giang đã thực hiện: Chỉ đạo, tuyên truyền về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tham gia xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông.
Về chuẩn bị đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, ông Nguyễn Văn Thêm cho biết: Tính đến hết học kì 1 năm học 2019-2020, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục được quan tâm, tăng cường cả về số lượng và chất lượng.
Năm 2019 chủ động phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu tổ chức tuyển dụng 776 chỉ tiêu. Việc bố trí, sắp xếp đội ngũ nhà giáo và CBQL đảm bảo theo quy định. Hiện nay, tỉ lệ GV/lớp ở mầm non đạt 1,8; tiểu học đạt 1,39; THCS 2,0; THPT đạt 2,3; 100% CBQL và giáo viên có trình độ đạt chuẩn về trình độ đào tạo.
Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, ông Thêm cho biết: Từ ngày 6/2/2020, Sở đã thành lập 3 đoàn kiểm tra tại các cơ sở giáo dục của 10 huyện, thành phố. Qua kiểm tra, các phòng GD&ĐT đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai đến 100% các trường mầm non, tiểu học, THCS về kế hoạch phòng, chống dịch nCov của tỉnh, ngành Giáo dục, của địa phương.
Các nhà trường cũng xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các giải pháp phòng dịch tại đơn vị; tuyên truyền, hướng dẫn học sinh các biện pháp phòng, chống dịch theo tài liệu tuyên truyền, tờ rơi, pano, áp phích, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng;
Đồng thời hướng dẫn học sinh kỹ năng tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, các biện pháp chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan y tế như vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang đúng cách, giữ ấm, hạn chế đi lại, tránh tiếp xúc đông người… Sở sẽ triển khai mọi biện pháp để bảo đảm an toàn cho học sinh khi đi học trở lại.
Tại buổi làm việc, nhiều địa phương nêu thực trạng thiếu giáo viên để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngoài ra, một số nơi còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất như: Trường lớp xuống cấp, thiết bị dạy học còn thiếu và hư hỏng…
Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được thực hiện tốt. Tuy nhiên, địa bàn tỉnh Bắc Giang có nhiều người đi lao động sang Trung Quốc bằng nhiều con đường. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lục Ngạn, Trần Thị Minh Sử bày tỏ: Lo lắng nhất là một số người dân từ Trung Quốc về bằng những con đường không chính ngạch, nên việc kiểm soát dịch tễ gặp khó khăn.
“Chúng tôi luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng dịch bệnh. Đồng thời, nhắc nhở học sinh, phụ huynh khai báo trung thực nếu có người thân đến, đi từ vùng dịch hoặc tiếp xúc với người bị nhiễm Covid-19” – bà Trần Thị Minh Sử nói.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết: Địa phương đã triển khai thực hiện Nghị quyết 88 rất bài bài. Với sự chuẩn bị chu đáo từ đội ngũ nhà giáo, cho đến cơ sở vật chất, Bắc Giang sẵn sàng thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới.
Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, ông Dương cho biết: Bắc Giang thực hiện tốt việc kiểm soát và thực hiện các biện pháp theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như khuyến cáo từ ngành Y tế. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh. Sở GD&ĐT cần chủ động rà soát các điều kiện để bảo đảm an toàn, an tâm cho học sinh, giáo viên khi đi học trở lại.
Nói đến giáo dục phải là chất lượng
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: dịch bệnh Covid-19 đã được Chính phủ cảnh báo ở mức cao nhất (mức A); vì thế trách nhiệm của các tập thể, cá nhân cũng phải được nâng lên mức cao nhất; sức khỏe, tính mạng của học sinh, giáo viên là trên hết. Ngành Giáo dục Bắc Giang nói chung và các nhà trường nói riêng phải khiến cho học sinh, phụ huynh an toàn, an tâm khi đến trường.
Theo Thứ trưởng, chúng ta đã có 3 đợt cho học sinh nghỉ học tạm thời. Cuối tuần này Thủ tướng sẽ quyết định có nên tiếp tục cho học sinh nghỉ học hay trở lại trường học tập. Tuy nhiên, tinh thần là, chúng ta luôn phải sẵn sàng đón học sinh đi học trở lại trong điều kiện tốt nhất, an toàn và an tâm nhất.
Về việc thực hiện Nghị quyết 88, Thứ trưởng nhấn mạnh: Những con số biết nói đã chứng tỏ Bắc Giang triển khai, thực hiện tốt Nghị quyết này. Thứ trưởng lưu ý: Mọi sự đổi mới đều xuất phát từ thay đổi tư duy, nhận thức. Do đó, các thầy, cô cần dành nhiều sự quan tâm cho đổi mới giáo dục, quan tâm đến đội ngũ giáo viên – những người trực tiếp thực hiện đổi mới giáo dục.
Cùng với đó, cần thấm nhuần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT; thay đổi tư duy từ chú trọng phát triển số lượng sang phát triển chất lượng. Chúng ta tạo điều kiện mở nhiều trường học không để lấy số lượng mà để tạo điều kiện cho học sinh được học tập một cách tử tế. Nói đến giáo dục phải là chất lượng, nếu giáo dục không chất lượng thì đó là sự tốn kém lớn.
Cũng theo Thứ trưởng, chúng ta cần quan tâm bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết 29 đã đề cập, trong đó cần bảo đảm đủ về số lượng, cơ cấu và chất lượng. Cần tổ chức tập huấn giáo viên một cách nghiêm túc, chuyển quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng…
Thứ trưởng cho biết: Trong thời gian qua, Bộ đã giảm bớt các kỳ thi, giảm áp lực không cần thiết cho giáo viên để tạo động lực cho giáo viên làm việc. Trên tinh thần ấy, Thứ trưởng đề nghị, hiệu trưởng phải là người đổi mới tư duy, nhận thức. Cần có tư duy quản trị để tạo điều kiện cho giáo viên làm việc, phát huy sở trường, năng lực.
Minh Phong
Nguồn: Giáo dục và thời đại