Sáng nay (4/12), Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đã khai mạc tại TP Đà Lạt. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chỉ đạo hội nghị.
Tham dự chương trình có Thanh tra Bộ GD&ĐT, Vụ GD Trung học, Vụ GD Tiểu học cùng 126 cán bộ làm công tác thanh tra tại các Sở GD&ĐT trong cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng tính từ năm 1945 đến nay, nước ta thực hiện một số cuộc cải cách giáo dục và 2 lần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT), sách giáo khoa mới. Mục tiêu của lần đổi mới này nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả GDPT; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.
So với các lần trước, lần đổi mới CTGDPT này có một số điểm mới là chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học; Một chương trình nhiều bộ sách; Sách giáo khoa không còn là pháp lệnh; Giáo viên và địa phương được lựa chọn bộ sách phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương; Tổ chức thực hiện trong bối cảnh Luật giáo dục năm 2019 ban hành và có hiệu lực.
Trong đó, điều kiện đảm bảo để thực hiện CTGDPT 2018, gồm: (a) Về đội ngũ nhà giáo phải thay đổi để thích ứng; đổi mới, sáng tạo; tiếp cận các phương pháp dạy học hiện đại, các mô hình dạy học mới như tích hợp, đổi mới kiểm tra đánh giá năng lực học sinh… Đồng thời, bảo đảm số lượng và chất lượng: về số lượng đủ giáo viên theo đúng chỉ đạo có giáo viên phải có học sinh; giáo viên phải được bồi dưỡng về cả chương trình và sách giáo khoa trước khi tổ chức dạy.
(b) Về cơ sở vật chất Bậc THCS và THPT, chương trình mới yêu cầu bảo đảm tối thiểu 0,6 lớp/phòng để tổ chức học các môn tự chọn. Bậc tiểu học chương trình mới yêu cầu bảo đảm 1 phòng/lớp để học hai buổi/ngày.
Từ đó, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý yêu cầu đối với công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện CTGDPT mới: “Thanh tra, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chương trình và việc tổ chức thực hiện chương trình bao gồm: về bố trí giáo viên đủ số lượng; việc bồi dưỡng, tập huấn giáo viện; về cơ sở vật chất và thiết bị, đồ chơi trẻ em đảm bảo thiết bị tối thiểu theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; Quy trình lựa chọn sách giáo khoa; sách tham khảo; việc tổ chức giảng dạy…”.
“Làm sao để quá trình thanh tra không chỉ để phát hiện ra sai phạm mà còn thúc đẩy quá trình phát triển của việc triển khai, thực hiện CTGDPT mới” – Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.
Đặc biệt, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý: “Sau khi kết thúc Hội nghị tập huấn đề nghị các cán bộ thanh tra khẩn trương ban hành kế hoạch và triển khai công tác thanh tra, kiểm tra tại địa phương một cách căn cơ và bài bản…”.
Chương trình hội nghị tập huấn tập trung vào các nội dung: Những yêu cầu khi thực hiện CTGDPT mới (chương trình và các điều kiện đảm bảo thực hiện CTGDPT mới cấp Tiểu học và Trung học); Kỹ năng, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình và các điều kiện đảm bảo thực hiện CTGDPT mới đối với cấp Tiểu học và Trung học).
Tại Hội nghị các đại biểu nghe ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học báo cáo việc triển khai CTGDPT năm 2018 – cấp tiểu học; ông Đỗ Đức Quế – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học báo cáo việc triển khai CTGDPT năm 2018 – cấp trung học; ông Nguyễn Đức Cường – Chánh Thanh tra (Bộ GD&ĐT) hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra CTGDPT mới…