Thầy cô hạnh phúc, học trò hạnh phúc và những mái trường hạnh phúc!

Từ năm 2019, Bộ GD&ĐT đã triển khai cuộc vận động xây dựng ‘Trường học hạnh phúc’. Năm nay, chủ đề của các chương trình tri ân thầy cô cũng nhấn mạnh vào hai chữ ‘hạnh phúc’. Và một trường học với những đứa trẻ hạnh phúc phải bắt đầu từ người thầy.

Khi thầy cô hạnh phúc

Tôi bắt đầu bài viết bằng những lời trong bài hát Mad world. Bài hát có mấy câu nói về việc đến trường “Went to school and I was very nervous (Tôi đã đến trường và đã rất run sợ)/ No one knew me, no one knew me (không ai hiểu tôi, không ai biết tôi)/ Hello teacher, tell me what’s my lesson (Chào thầy cô ạ, hãy nói cho em hôm nay học gì đây?) /Look right through me, look right through me (Ánh nhìn xuyên qua tôi, tôi có tồn tại?)”. Và con người trưởng thành trong bài hát đó nhìn thế giới vô cùng tăm tối, có chút tuyệt vọng, họ cảm thấy những tháng ngày đi học như một cái máy, những đứa trẻ chưa hẳn đã hạnh phúc thực sự.

Điều đó để nói rằng, ở đâu trên thế giới này, bất kỳ một nền giáo dục nào, nếu thầy cô và mái trường thiếu niềm vui và hạnh phúc, chúng ta sẽ có những công dân thật khó mà hạnh phúc. Vì thế, cuộc vận động xây dựng trường học hạnh phúc thực ra là đang phát triển những con người hạnh phúc.

Trường học hạnh phúc với thông điệp, thầy cô giáo thay đổi để hướng đến một môi trường sư phạm văn minh, thân thiện, trường học hạnh phúc được tạo nên bởi các hành vi chuẩn mực, trước hết là của thầy, cô giáo có đạo đức trong sáng, yêu nghề, tận tâm, tận lực.

Nhưng trường học hạnh phúc cũng không phải là học sinh đến trường chỉ để vui chơi thoải mái. Trường học hạnh phúc phải là tạo cho học sinh hứng thú khi học tập, tham gia các hoạt động. Khi đó, bản thân các em tự giác tham gia, không bị áp lực, kết quả học tập, rèn luyện sẽ tốt hơn. Và tất cả sự thay đổi đó, phải bắt đầu từ người thầy.

Ở lớp học của cô giáo Hà Ánh Phượng – giáo viên tiếng Anh đến từ trường THPT Hương Cần (Phú Thọ) – nằm trong Top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu – nơi có rất nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số nhưng mỗi giờ học đều ngập tràn hứng thú, bởi các em được tham gia “Lớp học xuyên biên giới”. Các em được thoải mái hội thoại tiếng Anh với bạn bè nhiều quốc gia khác, các em được rèn luyện thêm về kỹ năng nghe nói, về cách sử dụng công nghệ, và trao đổi văn hóa đất nước mình, đó là những giờ học hạnh phúc.

Hay những dòng trên facebook của cô giáo Trà Thị Thu đã gây xúc động mạnh trong cả nước về niềm hạnh phúc bình dị: “Hân hoan chào đón năm học mới, tuy không có cờ hoa rực rỡ, bố mẹ đưa đón nhưng tại điểm trường trên đỉnh núi đầy mây gió, cô và trò cũng cố tạo nên không khí khai giảng trong đơn sơ nhưng ấm áp. Hy vọng năm học mới nhiều cái mới, niềm vui mới, hạnh phúc mới, chúc mừng năm học mới”.

Còn TS Nguyễn Phú Hùng- ĐHKH, ĐH Thái Nguyên – một người làm công tác nghiên cứu, bằng những kiến thức chuyên môn gắn liền với lĩnh vực sức khỏe, đã mạnh dạn đề xuất và đảm nhận nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển bộ sinh phẩm phát hiện Virus Sars-CoV-2 gây bệnh Covid-19 bằng Realtime PCR để góp phần vào công cuộc phòng chống dịch bệnh – chỉ bày tỏ: Điều làm chúng tôi hạnh phúc hơn cả là công việc ấy đã thực sự đem lại lợi ích cho cộng đồng, cho những người xung quanh. Thành công ấy thực sự đã khích lệ và làm cho tôi cùng các đồng nghiệp của mình ý thức được sứ mệnh vẻ vang của con đường mình đã chọn. Chúng tôi thêm yêu, thêm tự hào về con đường vinh quang ấy.

Ở nơi mà các thầy cô hạnh phúc, có sự gắn bó và yêu nghề, sẽ có tâm huyết và sự sáng tạo để xây dựng những bài giảng nhiều hứng thú, góp phần xây dựng những môi trường học đường hạnh phúc cho các em.

Cuộc vận động xây dựng “Trường học hạnh phúc” hướng đến một môi trường sư phạm văn minh, thân thiện, trường học hạnh phúc. Ảnh: Phan Thủy

Thêm yêu thương, thấu hiểu, chia sẻ với học trò

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Năm 2020 hết sức đặc biệt với đất nước, trong đó có ngành Giáo dục. Dịch bệnh Covid-19, rồi mưa lũ ở miền Trung khiến toàn ngành bị ảnh hưởng nặng nề. Trong điều kiện khó khăn như vậy, nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân, sự nỗ lực của các thầy cô giáo, ngành Giáo dục vẫn đạt được những kết quả quan trọng và được ghi nhận.

Cũng theo Bộ trưởng, giáo dục cần nhấn mạnh đến ba tiêu chí yêu thương, an toàn, tôn trọng. Các thầy cô cần tôn trọng sự khác biệt của học sinh, thấu hiểu, chia sẻ và hỗ trợ học sinh vượt qua khó khăn. “Tôi mong rằng, các thầy cô sẽ là những người truyền cảm hứng cho các đồng nghiệp của mình. Chúng ta hãy cứ làm tốt với tất cả tâm huyết, trách nhiệm, cùng với suy nghĩ tích cực, sự quyết tâm, kiên định, kiên trì để thực hiện từng bước, thì sự nghiệp đổi mới giáo dục chắc chắn sẽ thành công” – Bộ trưởng chia sẻ.

Tại chương trình “Thay lời tri ân” năm 2020 – chương trình ý nghĩa dành cho các thầy cô giáo trong cả nước nhân dịp 20-11, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đã gửi đến các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục, những người đang góp phần cho công tác GD&ĐT lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Bà Trương Thị Mai chia sẻ, ghi nhận những nỗ lực không ngừng của ngành Giáo dục trong một năm có nhiều khó khăn. Từ đó bày tỏ sự tin tưởng: “Dù ở TP hay ở nông thôn, vùng cao, miền núi đều có hình ảnh của các thầy, cô tận tụy phục vụ cho lý tưởng cao cả đó, mang lại niềm tin cho các thế hệ nối tiếp nhau, vững bước cho sự nghiệp phát triển, Việt Nam sẽ bước qua ngưỡng thu nhập trung bình để trở thành nước phát triển”.

Xây dựng trường học hạnh phúc sẽ có rất nhiều điều cần làm và phải làm, nhưng kết quả chung của quá trình ấy chính là tạo ra thế hệ những con người hạnh phúc, từ yêu mái trường, sẽ yêu quê hương và đất nước mình, trở thành những công dân hạnh phúc, biết sống và cống hiến trong tương lai, như lời bài hát của nhạc sĩ Hoàng Vân: “Em yêu trường em/Với bao bạn thân/Và cô giáo hiền/Như yêu quê hương/ Cắp sách đến trường trong muôn vàn yêu thương”.

Phan Thủy

Recommended For You

About the Author: @dmin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *