Quy định mới sẽ tạo động lực để giảng viên phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chấm dứt tình trạng sống lâu lên lão làng
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) công lập. Theo ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), một trong những điểm mới đáng chú ý của thông tư này so với quy định trước đây là có thêm chức danh trợ giảng.
Trình độ tối thiểu của giảng viên phải là thạc sĩ
Cụ thể, chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục ĐH công lập (ĐH, học viện, trường ĐH công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân) bao gồm: giảng viên cao cấp (hạng I) – mã số V.07.01.01; giảng viên chính (hạng II) – mã số V.07.01.02; giảng viên (hạng III) – mã số V.07.01.03; trợ giảng (hạng III) – mã số V.07.01.23.
Giáo viên trợ giảng có nhiệm vụ hỗ trợ giảng viên (hạng III), giảng viên chính (hạng II), giảng viên cao cấp (hạng I) trong các hoạt động giảng dạy. Trong đó có chuẩn bị bài giảng, phụ đạo, hướng dẫn bài tập, thảo luận, thí nghiệm, thực hành, thực tập và chấm bài; học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy. Trợ giảng cũng có nhiệm vụ tham gia hoạt động thực tiễn để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; tham gia công tác quản lý, công tác Đảng, đoàn thể và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục ĐH công lập và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Viên chức giữ chức danh trợ giảng (hạng III) nếu đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III) thì căn cứ vào vị trí việc làm, yêu cầu nhiệm vụ, thủ trưởng cơ sở giáo dục xem xét và bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III).
Có trợ giảng, giảng viên sẽ bớt được những công việc mang tính kỹ thuật. Trong ảnh: Giảng viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP HCM với sinh viên ở giảng đường Ảnh: TẤN THẠNH
Thông tư cũng quy định về cách xếp lương đối với các chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy. Theo đó, giảng viên cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20-8,00; giảng viên chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40-6,78; giảng viên (hạng III), trợ giảng (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34-4,98. Việc xếp lương vào chức danh nghề nghiệp được thực hiện sau khi đã được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp theo quy định.
Một điểm mới khác, theo ông Hoàng Đức Minh, là quy định tăng chuẩn trình độ đào tạo của giảng viên tối thiểu là thạc sĩ. Cụ thể, giảng viên (hạng III), giảng viên chính (hạng II) phải có bằng thạc sĩ trở lên phù hợp với vị trí việc làm, ngành hoặc chuyên ngành giảng dạy; giảng viên cao cấp (hạng I) có bằng tiến sĩ phù hợp với vị trí việc làm, ngành hoặc chuyên ngành giảng dạy.
Ngoài ra, mỗi chức danh giảng viên cần có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên tương ứng. Yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III) áp dụng đối với viên chức được tuyển dụng.
Tạo động lực phấn đấu
Đánh giá về quy định mới, GS Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cho rằng quy định mới sẽ tạo động lực để giảng viên phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chấm dứt tình trạng “sống lâu lên lão làng”, không nỗ lực phấn đấu nâng cao năng lực trình độ của một số giảng viên hiện nay. Theo đánh giá của các chuyên gia, với quy định mới, chỉ cần giảng viên ĐH đáp ứng đủ tiêu chuẩn, trình độ thì đương nhiên được bổ nhiệm vào một trong 5 ngạch theo quy định. Những người nào phấn đấu tốt, có năng lực tốt, đáp ứng điều kiện của ngạch nào thì sẽ tự động được công nhận chức danh, hưởng chế độ của ngạch đó chứ không nhất thiết phải xếp ngạch theo tuần tự từ thấp tới cao như trước đây.
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho biết chức danh trợ giảng thực ra là lực lượng thực tập giảng dạy mà nhiều trường ĐH hiện đang tổ chức. Trợ giảng thực chất là hỗ trợ các giáo sư, phó giáo sư trong các giờ lên lớp, họ không giảng dạy lý thuyết mà hỗ trợ giảng dạy thực hành, thực tập… Lực lượng này lâu nay vẫn được ký hợp đồng làm việc và được xếp lương, ngạch theo quy định. Thông tư 40 có thêm chức danh trợ giảng thực chất là quy định chuẩn để thống nhất định danh trong các trường ĐH.
PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP HCM, cũng cho rằng quy định chức danh trợ giảng trong trường ĐH là rất tốt. Khi có chức danh trợ giảng, giảng viên sẽ bớt được những công việc mang tính kỹ thuật.
Hiệu trưởng một trường ĐH công lập tại TP HCM cho rằng trợ giảng thường là những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được giữ lại trường để bồi dưỡng thành lực lượng giảng viên kế cận. Trong thời gian học cao học, họ có thể làm trợ giảng hỗ trợ giảng viên hạng III, giảng viên chính hạng II và giảng viên cao cấp hạng I.
Tuy nhiên, với các trường ĐH ở Việt Nam, việc cơ cấu thêm chức danh trợ giảng phụ thuộc rất nhiều về nguồn tài chính. Hiện nay, các trường ĐH đều thực hiện tiết giảm, tối ưu hóa nhân sự nhằm tăng thu nhập cho lực lượng giảng viên. Nếu cơ cấu thêm chức danh trợ giảng đồng nghĩa với việc phải nuôi thêm người, hiểu đơn giản kiểu như một chiếc bánh phải chia cho nhiều người. “Nếu nhà nước có nguồn ngân sách để hỗ trợ các trường trong việc cơ cấu chức danh trợ giảng thì sẽ rất tốt” – vị hiệu trưởng trên nói.
Hội nhập với thế giới
PGS Phạm Huyền, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhận định quy định này sẽ giúp cho đội ngũ giảng viên ĐH trong nước đạt được trình độ giống như yêu cầu về đội ngũ giảng viên của các nước trên thế giới. Khi đó, bên cạnh việc đổi mới chương trình đào tạo, đẩy mạnh liên kết đào tạo, trao đổi sinh viên thì việc nâng chuẩn giảng viên sẽ góp phần thúc đẩy quá trình đào tạo ĐH của Việt Nam tiệm cận, hội nhập với giáo dục ĐH trên thế giới. Bà Huyền cũng kỳ vọng khi trình độ giảng viên nâng lên thì chất lượng đào tạo sẽ nâng lên đáng kể.
YẾN ANH – HUY LÂN