Chiều 15/8, hơn 5.600 thí sinh đến từ nhiều tỉnh thành làm bài kiểm tra tư duy trong 120 phút để giành suất vào Đại học Bách khoa Hà Nội.
Thí sinh dự thi ở hai điểm là Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa). Trong đó Hà Nội có 167 phòng thi với 4.800 thí sinh đến từ các tỉnh thành phía Bắc, Thanh Hóa có 27 phòng thi dành cho sĩ tử miền Trung.
Thí sinh sẽ làm bài thi Toán và Đọc hiểu trong 120 phút, hình thức kết hợp trắc nghiệm và tự luận. Đây là lần đầu tiên Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức bài kiểm tra tư duy để tuyển chọn đầu vào. Kết quả bài thi sẽ được cộng với điểm Toán, Lý hoặc Toán, Hóa của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học (tổ hợp A19 và A20). Trường lấy 30-35% chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển này, tức khoảng 2.000-2.400 sinh viên.
Từ 13h, cổng trường Đại học Bách khoa Hà Nội đông nghịt thí sinh và phụ huynh. Đến 14h, khi thí sinh đã vào phòng thi, nhiều em đến muộn vẫn được nhà trường đo thân nhiệt, cho rửa tay sát khuẩn trước khi vào. Phía ngoài, nhiều phụ huynh đứng bám rào sắt ngóng theo con.
Vượt 90 km từ Nam Định lên Hà Nội dự thi, Nguyễn Nhâm Oanh, học sinh trường THPT Mỹ Tho (huyện Ý Yên), tỏ ra bất ngờ khi có nhiều thí sinh từ các tỉnh thành đổ về trường đến vậy. “Em thực sự choáng ngợp bởi ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, điểm thi chỉ có khoảng 600 bạn, trong đó có nhiều bạn bè cùng trường còn ở đây nhìn ai cũng xa lạ”, Oanh nói.
Đăng ký nguyện vọng vào ngành Kỹ thuật thực phẩm, xác định có thể đỗ bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT với 27 điểm cho ba môn Toán, Lý, Hóa, Oanh vẫn mong đạt được điểm cao ở bài kiểm tra tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội để chứng tỏ được khả năng.
Khác với Oanh, Lê Quang Huy, học sinh trường THPT Nguyễn Siêu (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) tỏ ra hồi hộp. Dù 13h30 mới phải vào phòng thi và 14h30 mới làm bài, em lên Hà Nội từ 9h sáng, loanh quanh tham quan trường. Đặt nguyện vọng cao nhất vào ngành Tự động hóa, điểm thi tốt nghiệp THPT ở “mức ổn”, Huy coi bài thi kiểm tra tư duy là phương thức khác giúp tăng cơ hội trúng tuyển vào trường.
“Kỳ thi này quy tụ nhiều bạn ưu tú ở khắp tỉnh thành khiến em hơi áp lực”, Huy nói, hy vọng làm bài thuận lợi dù chưa tiếp cận nhiều với dạng đề trắc nghiệm kết hợp tự luận để kiểm tra Toán và Đọc hiểu như cách Đại học Bách khoa Hà Nội ra.
Không chỉ thí sinh ở tỉnh, nhiều học sinh Hà Nội cũng dự thi Đại học Bách khoa. Nguyễn Thị Thu Trang, học sinh trường THPT Đông Anh (huyện Đông Anh) chia sẻ thấy run vì phải làm một bài thi khác hoàn toàn với các đề thi trước đó. “Em mới tiếp cận với một đề minh họa của trường nên không ôn luyện được nhiều”, Trang nói, mong làm tốt bài thi này để tăng cơ hội trúng tuyển.
PGS Huỳnh Quyết Thắng, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho hay bài kiểm tra tư duy vào Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ gồm câu hỏi ở các mức độ khác nhau, từ thông hiểu, vận dụng đến vận dụng sáng tạo, yêu cầu thí sinh có khả năng suy luận, nắm bắt và vận dụng kiến thức trong thời gian ngắn. Toàn bộ phần kiến thức nằm trong chương trình phổ thông nhưng gắn liền với tình huống thực tế.
“Bài kiểm tra này được thiết kế để đánh giá năng lực cốt lõi của thí sinh và khả năng theo học các ngành học ở bậc đại học, đặc biệt những khối ngành khoa học kỹ thuật. Nội dung bài thi được xây dựng phù hợp với đặc điểm của giáo dục Việt Nam và cách tiếp cận tiên tiến trên thế giới”, ông Thắng nói.
Do buổi thi diễn ra giữa lúc Covid-19 diễn biến phức tạp, Đại học Bách khoa Hà Nội đưa ra nhiều biện pháp phòng chống tương tự như ở kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trường thường xuyên liên hệ với thí sinh qua email để nhắc nhở quy tắc phòng dịch, khai báo y tế. Đặc biệt, khi biết thông tin thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương) phải cách ly xã hội, trường đã liên hệ và đề nghị 92 thí sinh ở địa phương này không tham dự kỳ thi kiểm tra tư duy hôm nay.
Ông Thắng cho hay nhà trường đã tư vấn cho các em yên tâm ở nhà thực hiện cách ly. Trường sẽ có phương án phù hợp, báo cáo với Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm bảo đảm quyền lợi cho các em.
Năm 2020, Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển 6.930 sinh viên cho 57 mã ngành đào tạo, bằng các phương thức gồm xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xét tuyển dựa trên chứng chỉ quốc tế, xét hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn (10-15% tổng chỉ tiêu); xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT (50-60%); xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm bài kiểm tra tư duy (30-35%).
Năm ngoái, điểm trúng tuyển vào trường cao nhất là 27,42, ngành Khoa học máy tính. Hai ngành lấy đầu vào thấp nhất là Hệ thống thông tin chương trình hợp tác quốc tế và Kỹ thuật hạt nhân với 20 điểm.
Nguồn: vnexpress.net