Chiều 22/12, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội thảo “Phát triển câu lạc bộ khởi nghiệp và nội dung đào tạo khởi nghiệp trong các trường THPT, THCS: Kinh nghiệm và giải pháp”.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2020 (SV Startup 2020) do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Trường Đại học Thủy lợi.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Đề án “Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 1665) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành ngày 30/10/2017 giao Bộ GD&ĐT chủ trì thực hiện.
Trong Đề án đưa ra 3 mục tiêu rõ ràng: Một là trang bị kỹ năng khởi nghiệp cho HSSV; Hai là hỗ trợ cho HSSV có điều kiện khởi nghiệp; Ba là thúc đẩy tạo môi trường cho HSSV khởi nghiệp. Trong đề án này cũng đưa ra những giải pháp quan trọng, tạo điều kiện cho HSSV khởi nghiệp.
Với vấn đề khởi nghiệp, Bộ GD&ĐT đã nhận thức được việc này từ sớm. Từ năm 2017, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản 4612 trong đó đưa ra rất nhiều ý tưởng đổi mới phương pháp dạy học, theo hướng chuyển dần sang phát triển tính tự học, tự chủ, sáng tạo; phát huy tính tích cực sáng tạo của học sinh.
Đặc biệt, cuộc thi KHKT dành cho HS phổ thông đã tổ chức được 8 năm và rất thành công, giúp khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học ngay từ phổ thông.
Để đẩy mạnh giáo dục STEM trong trường học, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn các nhà trường thực hiện. Thời gian vừa qua, các nhà trường đã tổ chức thành công các cuộc thi khoa học kĩ thuật. Các dự án của các cuộc thi này sẽ là bước đệm, tạo nguồn để hướng tới nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp.
Đối với giáo dục phổ thông, các nhà trường phải thực hiện 3 nhiệm vụ rất quan trọng là: Xây dựng tài liệu bồi dưỡng kĩ năng khởi nghiệp; Tổ chức bồi dưỡng, trang bị kiến thức kĩ năng về khởi nghiệp cho học sinh phổ thông; Tạo môi trường cho học sinh phổ thông có điều kiện khởi nghiệp.
3 nhiệm vụ quan trọng đã được các nhà trường tổ chức thời gian vừa qua đã thành công. Mô hình tạo môi trường cho khởi nghiệp chính là việc xây dựng các CLB khởi nghiệp. Hội thảo được tổ chức với mục đích bàn việc phát triển mô hình thế nào để tạo môi trường khởi nghiệp cho học sinh phổ thông.
Tham luận tại hội thảo, PGS.TS. Đinh Thị Kim Thoa- Trường Đại học Giáo dục ĐHQGHN cho rằng, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh là trách nhiệm xã hội không chỉ của trường học mà còn của cả chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, đoàn thể.
Hoạt động này chỉ có thể thành công khi có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Vì vậy cần phải có cơ chế phồi kết hợp với qui định về chức năng nhiệm vụ của các bên trong giáo dục hướng nghiệp thì vấn đề này bớt khó khăn.
Bởi vậy, cần có kế hoạch bồi dưỡng cho tất cả giáo viên về giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. Đây không chỉ là nhiệm vụ của những nhà tư vấn hướng nghiệp. Lãnh đạo và các nhà quản lý của các nhà trường cần quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động đa dạng để HS khám phá bản thân, thế giới nghề nghiệp để có thể ra quyết định hợp lý nhất về nghề khi tốt nghiệp phổ thông.
Còn TS. Tưởng Duy Hải – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/05/2018 Phê duyệt đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025” đều nhấn mạnh đến sự định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông trong nhà trường theo cuộc cách mạng 4.0.
Để thực hiện tốt và thành công việc trang bị phương tiện, thiết bị phục vụ việc triển khai định hướng nghề nghiệp theo cách mạng 4.0 trong giáo dục STEM ở nhà trường cần có định hướng bằng văn bản; Cụ thể các danh mục, phương tiện kỹ thuật, nền tảng phần mềm và đào tạo bồi dưỡng giáo viên sử dụng tốt hệ thống này để thực hiện giảng dạy trong các nhóm môn học thuộc lĩnh vực STEM.
Cần tăng cường tổ chức các cuộc thi khoa học chuyên ngành, với sự bảo trợ của các hiệp hội khoa học, hội nghề nghiệp, quỹ khởi nghiệp để tăng cường, duy trì và động viên liên tục giáo viên, học sinh tham gia thực hiện các chủ đề nghiên cứu, dự án nghiên cứu trong nhà trường theo hướng giáo dục STEM trên nền tảng số, công nghệ số, công nghệ thông minh, AI và IoT.