Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức thành 2 đợt. Theo đó, nhiều cơ sở giáo dục ĐH đã điều chỉnh phương thức và chỉ tiêu tuyển sinh nhằm bảo đảm quyền lợi cho thí sinh.
Phân bổ lại chỉ tiêu
PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) tán thành với phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT thành 2 đợt. “Đây là phương án tối ưu nhất trong bối cảnh hiện nay, thể hiện tinh thần nhân văn và trách nhiệm cao của Bộ GD&ĐT. Phương án này vừa phù hợp với thực tiễn khách quan, vừa thực hiện nhiệm vụ kép: Phòng chống dịch Covid-19 và bảo đảm quyền lợi cho thí sinh” – PGS.TS Bùi Đức Triệu nêu quan điểm, đồng thời cho biết: Phương án tuyển sinh của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân không có gì thay đổi, nhưng nhà trường sẽ dành chỉ tiêu cho thí sinh thi đợt 2.
Theo kinh nghiệm hàng năm, vùng tuyển sinh của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân từ Hà Tĩnh trở ra ngoài Bắc. Đây là những địa phương không phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. “Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, nhà trường sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT” – PGS.TS Bùi Đức Triệu khẳng định và chia sẻ: Với gần 6.000 chỉ tiêu tuyển sinh, nhà trường áp dụng 3 phương thức xét tuyển: Xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT; Dựa vào quả thi tốt nghiệp THPT 2020 và xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường.
Để tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều cơ hội xét tuyển, Hội đồng tuyển sinh trường quyết định mở rộng đối tượng và tăng chỉ tiêu diện xét tuyển kết hợp. “Điều quan trọng với thí sinh lúc này là giữ gìn sức khỏe, yên tâm ôn tập để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi sắp tới. Đồng thời, các em cũng nên tìm hiểu kỹ ngành nghề, phương thức tuyển sinh, đăng ký đúng nguyện vọng và có cách thức đăng ký phù hợp nhằm tăng cơ hội trúng tuyển”, PGS.TS Bùi Đức Triệu khuyến nghị.
Tuyển sinh thành nhiều đợt
TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng) cho biết: Với tình thế hiện nay, việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT thành 2 đợt là cần thiết, nhằm bảo đảm an toàn cho thí sinh nói riêng và an toàn cho xã hội nói chung. Tuy nhiên, với những cơ sở giáo dục đại học thuộc vùng dịch sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong công tác tuyển sinh. Để thích ứng, nhà trường dự kiến điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh giữa các phương thức xét tuyển theo tỷ lệ 7/3. Tức là, 70% chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả học bạ và 30% xét tuyển dự vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Tỷ lệ này, trước kia là 50/50.
“Năm 2020, nhà trường có hơn 6.000 chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng vì trường nằm trong vùng dịch phải thực hiện giãn cách xã hội nên chúng tôi đang đối diện với nhiều khó khăn để tuyển đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, không vì thế mà “vơ bèo vạt tép”, chúng tôi đã nghĩ đến phương án tuyển sinh thành nhiều đợt trong năm, nhằm tăng cơ hội cho thí sinh có nguyện vọng trở thành sinh viên của trường” – TS Võ Thanh Hải nói.
PGS.TS Trần Hữu Phúc – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) khẳng định sẽ bảo đảm quyền lợi tối đa cho thí sinh trong quá trình tuyển sinh. Theo đó, nhà trường thực hiện các phương án tuyển sinh theo hướng dẫn của ĐH Đà Nẵng, trong đó có phương án xét tuyển bằng học bạ. Đối với thí sinh từ các địa phương khác không thuộc TP Đà Nẵng vẫn xét tuyển theo các phương thức đã công bố trước đây.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) thông tin: Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các trường ĐH, CĐ trên tinh thần tự chủ, xem xét điều chỉnh các phương án xét tuyển sinh và đề án tuyển sinh đã công bố; trong đó cần tăng cường các phương thức xét tuyển đa dạng, xét tuyển nhiều đợt trong năm…
Đối với thí sinh đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi THPT, các trường dành tỷ lệ chỉ tiêu nhất định để xét tuyển đối với các thí sinh thuộc diện F1, F2 và thí sinh tại địa phương có nguy cơ cao về dịch Covid-19 chưa tham gia được Kỳ thi tốt nghiệp THPT (từ ngày 8 – 10/8/2020). Ngoài ra, các trường cần công bố công khai để thí sinh biết và an tâm về cách phân bổ chỉ tiêu trong các đợt tuyển sinh. “Nguyên tắc chung là bảo đảm tính công bằng giữa các thí sinh về điều kiện được xét tuyển và chất lượng đầu vào nguồn tuyển sinh” – PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.
Nguồn: giaoducthoidai.vn