Nhiều trường đại học đã lên phương án tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh đầu vào trong mùa tuyển sinh năm 2021 bên cạnh việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển.
Thực hiện quyền tự chủ, nhiều đại học đã công bố dự kiến tuyển sinh theo kỳ thi riêng trong năm 2021, bên cạnh việc dành chỉ tiêu tuyển sinh theo điểm Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Mở kỳ thi riêng
Mới đây, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chính thức thông tin về việc sẽ tổ chức lại kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển đầu vào trong năm 2021 sau 4 năm dừng thực hiện. Trước đó, đơn vị này đã tổ chức thi đánh giá năng lực để tuyển sinh vào các năm 2015 và 2016.
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác tuyển sinh đại học, sau đại học năm 2020 và phương thức tuyển sinh năm 2021 do đơn vị này tổ chức gần đây, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Năm 2021, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cho học sinh trung học phổ thông. Đây là một kỳ thi đa mục tiêu, trong đó các cơ sở đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội có thể sử dụng kết quả kỳ thi này như một phương thức để xét tuyển đại học”.
Ông Sơn cũng yêu cầu các đơn vị đào tạo cần cân nhắc, xác định rõ tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển đại học đối với các thí sinh sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực.
Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho hay sẽ tiếp tục tổ chức Kỳ thi đánh giá tư duy đã được trường này tổ chức từ mùa tuyển sinh năm 2020 và dành từ 30 đến 40% chỉ tiêu cho phương thức này.
Theo Phó giáo sư Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, dựa trên kinh nghiệm của tổ chức thi năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ kiện toàn thêm phương thức tổ chức thi cho năm 2021.
Cụ thể, thí sinh sẽ làm bài thi tổ hợp trong 180 phút, gồm hai phần. Phần bắt buộc, gồm Toán (trắc nghiệm, tự luận) và Đọc hiểu (trắc nghiệm), thời lượng dự kiến 120 phút. Phần tự chọn (trắc nghiệm), thời lượng dự kiến 60 phút.
Nội dung Bài thi đánh giá tư duy nằm trong chương trình phổ thông với yêu cầu ở các mức độ kiến thức khác nhau, từ thông hiểu đến vận dụng và vận dụng sáng tạo.
Phần Toán sẽ bao gồm cả trắc nghiệm khách quan và tự luận. Phần Đọc hiểu có nội dung chủ yếu liên quan tới khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ sẽ đánh giá kỹ năng đọc và năng lực phân tích, lý giải văn bản, khái quát, tổng hợp, biện luận về logic và suy luận từ văn bản.
Cán bộ tuyển sinh Đại học Thủy lợi lọc hồ sơ xét tuyển của thí sinh. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ở phía Nam, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực như các năm trước đây. Đại học Quốc tế cho biết đang cân nhắc việc tổ chức thi riêng.
Tổ chức kỳ thi riêng cũng là chủ trương của Đại học Việt Đức. Trường dự kiến tổ chức vào tuần thứ 3 của tháng Năm. Kỳ thi sẽ giữ ổn định và cách thức thi như các năm trước với bài thi hoàn toàn bằng tiếng Anh, tập trung đánh giá kỹ năng nhận biết, tư duy suy luận logic và xử lý vấn đề.
Thí sinh sẽ làm một bài thi cơ bản dưới dạng trắc nghiệm (110 phút), một bài thi chuyên ngành theo khối đăng ký (gồm khoa học kỹ thuật, toán, khoa học máy tính và khoa học tự nhiên hoặc kinh tế học trong thời gian từ 145 đến 150 phút) và bài kiểm tra tiếng Anh trên máy tính.
Kết quả dùng chung?
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho hay, theo Luật Giáo dục Đại học, việc tuyển sinh nằm trong quyền tự chủ của các đại học để tuyển được đầu vào phù hợp với yêu cầu đào tạo của mình.
“Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến nghị các trường tổ chức theo nhóm, kết quả sử dụng chung cho nhiều trường để thí sinh không phải dự nhiều kỳ thi. Điều này giúp tiết kiệm nguồn lực cho các trường, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả thí sinh và các trường,” Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.
Theo giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, với bài thi đánh giá năng lực, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng hướng tới việc sẽ có nhiều trường khác cùng sử dụng kết quả thi này để xét tuyển đầu vào.
Trong khi đó, bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các trường đại học khu vực phía Nam. Năm 2020, có trên 30 trường đại học sử dụng kết quả bài thi này để tuyển sinh bên cạnh các phương thức xét tuyển khác.
Bên cạnh việc tự tổ chức kỳ thi riêng hoặc sử dụng kết quả kỳ thi riêng của trường khác để tuyển sinh, các trường đại học còn sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác như dựa trên điểm thi tốt nghiệp trugn học phổ thông, dựa trên điểm học bạ, các chứng chỉ quốc tế, các giải thưởng… Việc đa dạng được phương thức xét tuyển đã giúp các trường đảm bảo nguồn tuyển phong phú hơn đồng thời thí sinh cũng có nhiều cơ hội đỗ đại học hơn.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số đại học, điều này cũng khiến cho tỷ lệ ảo của các phương thức tuyển sinh tăng lên và khó kiểm soát hơn do thí sinh có thể đỗ cùng lúc nhiều nguyện vọng ở nhiều trường với nhiều phương thức. Các em sẽ chỉ chọn học một trường theo một nguyện vọng, các nguyện vọng xét tuyển theo các phương thức khác ở các trường còn lại là đỗ ảo./.
Phạm Mai (Vietnam+)