Khẳng định xã hội hóa biên soạn SGK là chủ trương đúng, phù hợp với đổi mới giáo dục, ĐBQH Tăng Thị Ngọc Mai nhấn mạnh: Chủ trương này đã tháo gỡ nhiều vấn đề từ thực tiễn, đặc biệt là việc độc quyền SGK và tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Cạnh tranh về chất lượng tốt hơn
Theo đại biểu, thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội “Về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” Bộ GD&ĐT đã thẩm định 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 được biên soạn theo chủ trương xã hội hóa. Các tỉnh, thành phố lựa chọn xong bộ sách cho địa phương mình theo đúng quy trình.
Dù là lần đầu tiên thực hiện theo chủ trương biên soạn sách giáo khoa, nhưng đến thời điểm này kết quả khả quan, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, tạo tiền đề để chúng ta tiếp tục triển khai các bộ sách của khối lớp còn lại theo định hướng xã hội hóa.
Trước băn khoăn của nhiều người về hiệu quả khi có nhiều bộ sách giáo khoa để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai cho rằng: Để nói đến kết quả hoặc thành công hay không thành công phải qua thực tiễn chứng minh; nhưng chúng ta có cơ sở để đặt niềm tin vào điều đó; bởi đã có pháp lệnh là Chương trình giáo dục phổ thông 2018, còn sách giáo khoa được xem là tài liệu và phương tiện để giáo viên thực hiện nhiệm vụ giảng dạy của mình.
“Chương trình là chính, nó giống như đề bài chung cho mọi nhà trường và giáo viên, còn việc thực hiện, giải quyết sẽ có nhiều cách và mỗi người một phương pháp riêng” – đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai chia sẻ, đồng thời khẳng định: 5 bộ sách giáo khoa mới lớp 1 đã đáp ứng được các tiêu chí chung của Bộ GD&ĐT quy định và sẵn sàng phục vụ năm học 2020 – 2021.
Theo đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai, 5 bộ sách trên là cơ hội để phụ huynh, học sinh và giáo viên có thêm nguồn tài liệu tham khảo. Đồng thời, phụ huynh, giáo viên có nhiều lựa chọn hơn cho mình và có nguồn thông tin khác để tham khảo. Nếu chỉ có một bộ sách giáo khoa như trước đây sẽ không bảo đảm được nhu cầu thực tiễn (cả về nội dung, hình thức). Vì thế, đây là việc làm ý nghĩa và nhân văn, đồng thời là giải pháp chống độc quyền, giúp cho việc cạnh tranh về chất lượng ngày càng tốt hơn.
Hỗ trợ học trò vùng khó
Liên quan đến giá sách giáo khoa mới, đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai đề nghị: Chính phủ sớm có hướng dẫn và hỗ trợ cho con em hộ nghèo; vùng đồng bào dân tộc thiểu số; vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Với những vùng này, cần trang bị sách giáo khoa cho thư viện các trường học. Qua đó, góp phần thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đặt vấn đề về việc Bộ GD&ĐT có nên soạn một bộ sách giáo khoa nữa hay không, khi chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã và đang thực hiện tốt, đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai nêu quan điểm: Với điều kiện thực tiễn hiện nay, Bộ GD&ĐT không nhất thiết phải chủ trì biên soạn một sách giáo khoa bằng tiền ngân sách của Nhà nước. Bởi lẽ, nếu Bộ GD&ĐT soạn thêm một bộ sách nữa là lãng phí. Mặt khác, khi Bộ GD&ĐT biên soạn có thể các tỉnh/thành sẽ chọn bộ sách giáo khoa của Bộ. Khi đó, chủ trương xã hội hóa có thể bị “phá sản” hoặc mất đi tính cạnh tranh công bằng.
Hơn nữa, điều kiện kinh tế của Nhà nước còn nhiều khó khăn, đặc biệt cả nước vừa trải qua đại dịch Covid-19, nên nếu sử dụng một khoản tiền lớn để chi cho việc biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa nữa là không cần thiết. Ngoài ra, khi thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, các nhà xuất bản đã huy động các tác giả có trình độ, kinh nghiệm và tâm huyết với giáo dục. Vì thế, nếu Bộ tiếp tục biên soạn sách giáo khoa, chắc chắn sẽ gặp khó khăn.
Liên quan đến chuẩn bị đội ngũ giáo viên để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai cho rằng: Trước mắt, cần bảo đảm đủ đội ngũ giáo viên lớp 1. Đồng thời, chú trọng khâu tập huấn cho đội ngũ trước khi năm học mới bắt đầu. Việc tập huấn chia thành nhiều giai đoạn khác nhau: Từ việc nắm tổng thể Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cho đến chương trình các bộ môn và đổi mới phương pháp dạy – học.
Theo đó, các trường sư phạm được Bộ GD&ĐT giao trách nhiệm hướng dẫn tập huấn cho đội ngũ giáo viên, kết hợp tập huấn trực tiếp và gián tiếp. Trên cơ sở đó, cấp chứng chỉ cho giáo viên đã hoàn thành chương trình tập huấn. Khi có chứng chỉ, giáo viên sẽ bắt tay vào thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo: GD&TĐ