Xét tuyển nguyện vọng bổ sung: Cơ hội nào cho các trường?

Nhiều trường ĐH, CĐ đã hoàn tất thủ tục nhập học cho tân sinh viên và bước vào năm học mới. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu, tiếp tục thông báo xét tuyển bổ sung đợt 2. 

Trường có tiếng cũng xét bổ sung

Trong đợt thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2 được các trường công bố, bên cạnh trường ngoài công lập, đại học địa phương, còn có khá nhiều trường ĐH công lập lớn. Đơn cử, Trường ĐH Sư phạm TPHCM thông báo xét tuyển đợt 2 với hơn 220 chỉ tiêu bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Theo đó, 2 ngành tiếp tục xét tuyển đợt 2 là Sư phạm Tiếng Nga với 180 chỉ tiêu và ngành Sư phạm Lịch sử – Địa lý: 43 chỉ tiêu. Điểm chuẩn trúng tuyển vào 2 ngành trên từ 19 – 19,25 điểm.

Tương tự, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM tuyển bổ sung gần 700 chỉ tiêu cho 13 ngành đào tạo. Điểm chuẩn trúng tuyển dao động từ 14 – 15 điểm. Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Nghiêm – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM, số lượng hồ sơ thí sinh đăng ký mới đạt 200 hồ sơ dù ngày 22/10 hết hạn đợt xét tuyển này.

Vốn là trường tuyển sinh khá tốt nhiều năm nay, nhưng năm học 2020 – 2021 Trường ĐH Nông Lâm TPHCM phải công bố xét tuyển bổ sung hơn 175 chỉ tiêu còn thiếu ở 5 ngành tại cơ sở TPHCM. Chỉ tiêu còn thiếu phần lớn rơi vào nhóm ngành Nông – Lâm – Ngư nghiệp như Khoa học môi trường, Công nghệ chế biến lâm sản, Lâm học, Lâm nghiệp đô thị, Quản lý tài nguyên rừng.

Theo TS Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, tổng chỉ tiêu tuyển bổ sung của 5 ngành này là 175, trong đó nhiều nhất là ngành Lâm học 52 chỉ tiêu, Khoa học môi trường 50 chỉ tiêu. Điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển của các ngành này đều cùng mức 16 điểm. Ngoài ra, nhà trường cũng xét tuyển bổ sung các ngành tại phân hiệu Gia Lai và Ninh Thuận với tổng cộng 410 chỉ tiêu.

Ở khối ngành sức khỏe còn khá nhiều trường buộc phải thông báo xét tuyển bổ sung, trong đó có những trường nổi tiếng. Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch vừa thông báo xét tuyển bổ sung 30 chỉ tiêu cho 2 ngành Khúc xạ nhãn khoa (10 chỉ tiêu) và Y tế công cộng (20 chỉ tiêu). Điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ 19 – 21,15 điểm, áp dụng cho thí sinh có hộ khẩu ngoài TPHCM.

Trường ĐH Y khoa Vinh cũng thông báo tuyển bổ sung 3 ngành: Y học dự phòng (30 chỉ tiêu), Điều dưỡng (50 chỉ tiêu), Kỹ thuật xét nghiệm y học (20 chỉ tiêu) với điểm sàn 19,5 điểm. Trường ĐH Trà Vinh xét tuyển bổ sung hàng loạt ngành khối sức khỏe như: Điều dưỡng, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Y tế công cộng, Dinh dưỡng, Kỹ thuật hình ảnh y học và Y học dự phòng với điểm sàn từ 15 đến 19 điểm.

Nguồn tuyển không còn nhiều?

Nhìn vào bức tranh tuyển sinh, đặc biệt là nhóm ngành nghề, chỉ tiêu các trường thông báo tuyển nguyện vọng bổ sung, ông Nguyễn Trung Nhân – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho rằng: Nguồn xét tuyển bổ sung cho các chỉ tiêu còn thiếu của các trường thực tế không còn nhiều. Bởi thí sinh đã quyết định theo học trường nào, ngành nào đều đã nhập học xong hết rồi.

“Số thí sinh các trường đã và đang tuyển được là một số ít thí sinh điểm cao chưa trúng tuyển ngành nghề mình yêu thích ở trường nào đó, hoặc từ trường này chuyển sang trường kia để theo học đúng ngành mình yêu thích. Còn nguồn tuyển để xét thực tế không còn nhiều, vài ngành nhóm ngành Môi trường vẫn chưa đủ, nhưng nhà trường không xét nữa, vì có xét thì thí sinh cũng không vào”, ông Nhân nói.

Nhìn nhận nguồn tuyển bổ sung đã hạn hẹp bởi học sinh có lựa chọn cho mình, ông Lê Hoàng Nghiêm – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM chia sẻ: Kinh nghiệm ba năm tuyển sinh gần đây cho thấy lượng thí sinh xét tuyển các đợt bổ sung rất ít.

“Tuyển được hay không chủ yếu từ đợt 1. Bởi thực tế, phần lớn thí sinh có quyết định và chọn lựa ngành học, trường học cho mình ngay khi nhận thông báo trúng tuyển. Năm nay với nhiều phương thức tuyển sinh trước điểm thi THPT nên nguồn tuyển thật sự còn rất ít” – ông Nghiêm bày tỏ.

Việc hàng loạt trường thiếu hụt nguồn tuyển, nhất là với nhóm ngành đặc thù, khó tuyển như Môi trường, Nông – Lâm – Ngư nghiệp… không có gì bất ngờ, bởi nhiều năm nay nhóm ngành này vẫn khá chật vật tìm người học. Tuy nhiên, việc hàng loạt nhóm ngành có sức hút khác ở nhiều trường thiếu thí sinh đặt ra cho nhiều người câu hỏi khó trả lời là nguồn tuyển đi đâu.

Theo TS Lê Lâm – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, năm nay có sự dịch chuyển lớn trong xu hướng chọn ngành, trường nơi thí sinh khiến nguồn tuyển của các trường ĐH vơi đi. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ học sinh chọn con đường du học nên không tham gia xét tuyển và chờ đợi hết dịch Covid-19 để đi. Tuy nhiên, số lượng này theo TS Lê Lâm là không đáng kể so với quy mô nguồn tuyển năm nay.

“Khá nhiều học sinh không vào đại học bằng mọi cách như năm trước. Việc nhiều trường CĐ năm nay tuyển sinh khá tốt, tuyển đủ và dư chỉ tiêu ngay từ đợt tuyển sinh đầu tiên cho thấy rõ điều đó. Còn nguồn tuyển cho các đợt xét bổ sung, tôi cho rằng không còn nhiều, vì học trường nào, HS đã chọn xong rồi”, TS Lê Lâm thông tin.

Recommended For You

About the Author: @dmin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *