Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với giáo dục đại học.
Cụ thể, theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Công văn số 4735/BGDĐT-GDĐH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với giáo dục đại học, xác định nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với giáo dục đại học là thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo các yêu cầu các cơ sở đào tạo quan tâm thực hiện 09 nhóm nhiệm vụ cơ bản trọng tâm trong năm học mới 2022-2023, bao gồm:
1. Nâng cao năng lực thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ quản lý của các cơ sở đào tạo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
2. Hoàn thiện bộ máy tổ chức, tăng cường năng lực quản trị đại học theo đúng quy định của pháp luật.
3. Hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2023; xác định phương hướng, định hướng tuyển sinh từ năm 2025.
4. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hệ thống quản lý, trong dạy và học.
5. Tăng cường các điều kiện bảo đảm và quản lý chất lượng.
6. Tăng cường phát triển các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
7. Thu hút các nguồn lực đầu tư và đẩy mạnh công tác giải ngân.
8. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
9. Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục đại học.
Sớm hoàn thiện phương thức tuyển sinh 2023 theo hướng đơn giản hóa
Đối với nhiệm vụ hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh.
Đồng thời, các cơ sở đào tạo có nhiệm vụ xây dựng và công bố kịp thời định hướng, phương hướng cho công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi bắt đầu có thí sinh tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi cần phải phù hợp với yêu cầu, nội dung và cấu trúc của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Riêng với các cơ sở đào tạo có ngành đào tạo giáo viên, cần chủ động làm việc với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố để triển khai hiệu quả Nghị định 71/2020/NĐ-CP về lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn của giáo viên và Nghị định 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt.
Bộ Giáo dục yêu cầu các cơ sở đào tạo căn cứ các quy định hiện hành, văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục, tình hình thực tiễn của địa phương và nhà trường để xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ giáo dục đại học năm học 2022- 2023 bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
Đồng thời, Bộ Giáo dục yêu cầu các cơ sở đào tạo chủ động phối hợp với các Cục, Vụ liên quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo (hoặc qua đầu mối là Vụ Giáo dục Đại học) để triển khai thực hiện và kịp thời giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn; báo cáo kết quả thực hiện vào cuối năm học gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 15/8/2023.
Doãn Nhàn