Cùng với giải pháp dạy học trực tuyến, nhiều trường học phối hợp với phụ huynh để giao bài tập cho học sinh trong thời gian nghỉ học vì dịch nCoV.
Hiện nay, tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đã kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh để phòng, chống dịch bệnh nCoV đến hết ngày 16/2. Thời gian nghỉ học phòng chống dịch kéo dài, cộng với kỳ nghỉ Tết dễ dẫn đến việc học sinh xao nhãng việc học.
Một tuần nay, khi học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch nCoV theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cô giáo Phạm Hà Loan, dạy môn Toán, hiện là giáo viên chủ nhiệm lớp 6, Trường THCS Đống Đa, Hà Nội lại tất bật liên lạc với phụ huynh học sinh, các giáo viên bộ môn để trao đổi và gửi, nhận bài tập cho học sinh.
Ngày nào cũng vậy, công việc chấm bài tập môn Toán do cô giảng dạy và nhận, gửi đề bài, bài làm các môn của học sinh đều bắt đầu từ chiều đến 11h đêm. Thay vì dạy trực tiếp trên lớp thì nay thời gian làm việc của cô chủ yếu trên máy tính và điện thoại thông minh thông qua các ứng dụng công nghệ.
“Tôi nhận các đề bài từ các cô giáo bộ môn rồi gửi đến cho phụ huynh. Ngược lại khi phụ huynh gửi lại bài của các con cho cô thì cô cũng có group riêng của giáo viên với nhau để gửi lại cho các cô giáo. Thực sự, cũng rất mất thời gian cho giáo viên nhưng trong tình huống như thế này, chúng tôi cũng phải sắp xếp thời gian để giúp các con học ở nhà cho tốt. Các cô cũng luôn sẵn sàng để phụ huynh và các con có thể trao đổi lại về phần bài mà các cô đã giao cho các con”, cô Loan nói.
Cô Đặng Thanh Phúc, Phó Hiệu trưởng, Trường THCS Đống Đa, Hà Nội cho biết, hiện nay ngoài các cuộc họp tổ, nhóm chuyên môn, nhà trường yêu cầu tất cả các giáo viên trao đổi thông tin, các hoạt động nghiệp vụ cũng như hướng dẫn học sinh học tập qua mạng internet.
Mỗi giáo viên tự lựa chọn hình thức phù hợp và có báo cáo hàng ngày về tình hình học tập, sức khỏe của học sinh. Sau khi nhận được thông báo học sinh tiếp tục nghỉ học thêm 1 tuần (đến hết ngày 16/2), các tổ, nhóm bộ môn đang họp bàn để làm thêm các bài giảng e-learning để việc học và ôn tập của học sinh đỡ nhàm chán.
“Nhà trường cũng động viên giáo viên cố gắng tìm các phương pháp hiệu quả hơn để giao bài cho học sinh. Tuy nhiên, để làm bài giảng e-learning thì không phải đơn giản. Bởi vì để xây dựng được một bài giảng cũng mất rất nhiều thời gian. Giáo viên cũng phải có năng lực công nghệ thông tin. Nhà trường cũng tận dụng những bài giảng trước mà đã được tổ, nhóm lưu giữ để đưa lên trước, sau đấy thì cũng khuyến cáo giáo viên nghiên cứu, tìm hiểu thêm các phương pháp để làm sao mà các em sẽ được tiếp cận với các bài học hữu hiệu hơn”, cô Phúc cho biết.
Cùng với giải pháp giao bài tập cho học sinh, dạy học trực tuyến trong những ngày nghỉ, hiện nhiều trường học ở Hà Nội cũng tổ chức cho học sinh học và kiểm tra theo các chương trình học và thi trực tuyến do Bộ Giáo dục và Đào tạo và các doanh nghiệp cung cấp.
Cô Đào Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn chia sẻ: “Nhà trường cũng triển khai cho các con sử dụng phần mềm quản lý thi trắc nghiệm trực tuyến. Đây là phần mềm dành cho học sinh khối 8-9 với 7 bộ môn, được Bộ Giáo dục-Đào tạo xây dựng cho Sở Giáo dục-Đào tạo Hà Nội và phần mềm này giúp cho các con ôn tập củng cố kiến thức và tự kiểm tra, đánh giá và thông qua đấy, các thầy cũng nắm được mức độ nắm kiến thức của học sinh mình đến đâu. Đang hổng ở phần kiến thức nào và tiếp tục hướng dẫn các con thông qua hình thức trực tuyến”.
Hiện nay, giải pháp giao bài tập cho học sinh trong thời gian nghỉ học để phòng chống dịch bệnh nCoV đều cần sự phối hợp, hỗ trợ của phụ huynh học sinh trong việc nhận đề bài và gửi lại bài tập con đã làm cho giáo viên. Dù đây không phải là phương pháp học tập hiệu quả nhất nhưng cũng giúp học sinh phát huy khả năng tự học, chuẩn bị tâm thế tốt để bắt nhịp nhanh với việc học khi quay trở lại trường học trong thời gian tới./.
Minh Hường – Theo VOV1