Cô giáo sắm thuyền đưa học trò qua suối: Người lái đò tận tụy

Thấy nguy hiểm luôn rình rập mỗi khi học sinh lội qua suối đến trường, cô Nụ đã bán con bò để sắm thuyền, chở các em.

Mỗi chuyến đò rời bến lại thêm niềm hy vọng về một tương lai sẽ “nở hoa”. Đã 16 năm, cô Nụ gắn bó với trẻ em vùng cao ở huyện Đà Bắc (Hòa Bình) như thế.

Bán bò giúp trò qua suối

Năm 2005, cô Quách Thị Bích Nụ tốt nghiệp THPT và muốn theo nghề giáo nên viết đơn tình nguyện xin làm hợp đồng cho một trường mầm non vùng khó của huyện Đà Bắc – nơi cô sinh ra và lớn lên. Trường Mầm non Đồng Ruộng (xóm Hạ, xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) là nơi cô đã gắn bó đến nay được 16 năm. Đây là một trong những trường mầm non khó khăn và xa xôi nhất của huyện cũng thuộc diện nghèo nhất tỉnh Hòa Bình.

Trường có 1 điểm chính và 3 điểm lẻ đặt tại các bản: Hày, Hồm và Nhạp. Muốn đến nơi dạy ở điểm bản Nhạp, cô Nụ buộc phải chèo thuyền qua suối chứ không có lựa chọn nào khác.

“Thời điểm tôi nhận công tác, trường mới thành lập được 2 năm. Khi ấy, cơ sở vật chất thiếu thốn, thô sơ. Trường xây trên nền đất gồ ghề nên giáo viên phải bê từng viên đá, xếp bằng mặt sàn cho học sinh tiện sinh hoạt”, cô Nụ kể lại.

Ngày thường, suối Nhạp vốn hiền hòa, song trở nên “hung dữ” bất thường khi mùa lũ đến. Nước cuồn cuộn chảy như muốn nuốt chửng những ai ngang qua. Thấy được nỗi cơ cực ấy, năm 2005 cô Nụ tình nguyện là người đưa đò, hàng ngày chở học sinh qua suối đi học.

Cứ thế, mỗi ngày cô vừa quán xuyến công việc chăm trẻ, vừa tình nguyện đưa đón học trò. Mỗi năm, số học sinh qua đò cũng có biến động. Năm thì có 5 em, có năm lên đến 7, 8.

Năm 2007 cô lập gia đình, rồi tiếp tục đi học các khóa nâng cao để hoàn thiện chuyên môn, nghiệp vụ. Đó cũng là lúc cô gặp khó khăn nhất khi hai vợ chồng cùng lúc lo toan nhiều công việc.

Sau thời gian dài hoạt động, chiếc thuyền mà cô trò đi lại mỗi ngày đã xuống cấp. Thấy việc đi lại sẽ đối diện với nguy hiểm, cô suy đi, tính lại tìm cách sửa chữa, khắc phục song cũng khó. Bởi khi ấy, với đồng lương ít ỏi của mình, cô không thể tự lo. Thế rồi, cô về bàn bạc, thuyết phục chồng và bố mẹ. Cả nhà thống nhất bán đi con bò, tài sản quý giá của gia đình đi để lấy kinh phí đóng thuyền mới.

Vượt sóng gióChia tay chúng tôi, cô Nụ cười hiền tâm sự khi nói về ngày 20/11 đang cận kề: “Với tôi, nghề giáo mang đến cho mình nhiều niềm vui và hạnh phúc. Hạnh phúc bởi mình được làm những điều ý nghĩa mỗi ngày. Tôi hi vọng trẻ nhỏ nơi tôi sống, em nào cũng được đến trường. Mong các em học được nhiều kiến thức để đóng góp, xây dựng quê hương giàu đẹp”.

“Mỗi sáng nhìn thấy gương mặt hân hoan và ánh mắt reo vui đến lớp lại khiến lòng tôi vui đến kỳ lạ. Công việc đơn giản thôi nhưng lại giúp tôi có trách nhiệm hơn với vai trò của cô giáo, một người lái đò”, cô Nụ bộc bạch.

Chặng đường vượt suối không quá xa. Mỗi ngày, cô trò di chuyển chừng đôi, ba cây số, song cũng chẳng ít “sóng gió”. Đó là những khi thuyền mắc vào cành cây khô, loay hoay giữa dòng nước siết. Mỗi lúc như thế, cô Nụ lại phải vận dụng hết sức lực giữ vững tay chèo, đưa học sinh đến bờ bên kia an toàn.

“Là cô giáo mầm non, sự vất vả chỉ người trong nghề mới hiểu. Các con còn non nớt, chưa biết định hình. Vì thế, vai trò của cô giáo rất quan trọng khi vừa phải chăm sóc, vỗ về, rèn các con nếp ăn nếp ngủ, vừa dạy cho các bé những bài học vỡ lòng.

Đặc biệt, vào dịp đầu năm học, các con còn lạ trường, lạ lớp thì cô phải cố gắng nhiều hơn. Bữa cơm trưa, giáo viên thường không được ăn cùng nhau mà mỗi người một bát cơm “thập cẩm”, vừa ngồi ăn, vừa trông cho các con ngủ”, cô Nụ chia sẻ.

Cùng với quá trình dạy dỗ cho trẻ, từ năm 2007 – 2011, cô Nụ được tạo điều kiện để nâng chuẩn kiến thức chuyên môn từ hệ trung cấp rồi tiến tới đại học sư phạm mầm non. Đó cũng là khoảng thời gian cô phải gồng mình lo toan mọi việc cho chu toàn.

“Thời gian đó, tôi vừa đi làm, vừa đi học vào cuối tuần. Có thời điểm học tập trung khoảng 10 ngày, tôi lại phải tranh thủ dạy bù và trông trẻ cả ngày”, cô Nụ tâm sự.

Sau nhiều năm gắn bó với nghề, được người dân địa phương và đồng nghiệp tin tưởng, năm 2013 cô Nụ được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồng Ruộng. Lúc này, chiếc thuyền cũ ngày xưa cũng đến kỳ thay thế. Cô chắt bóp chi tiêu, rồi lại “nâng đời”, “tậu” chiếc thuyền máy. Chiếc thuyền đã giải quyết đáng kể nỗi nhọc nhằn của nhiều năm khi phải chèo lái thủ công.

Đưa trường theo trẻ

Suốt bao năm “đưa đò”, cô Nụ chẳng còn nhớ đã có bao lần lâm nguy nữa. Song cô vẫn nhớ mãi trận lũ lịch sử xảy ra vào năm 2017. Khi ấy, bản Nhạp là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đang bình yên, chẳng hiểu từ đâu, đất đá từ phía trên đồi bất ngờ ập xuống, vùi lấp dãy nhà của trường mầm non và nhà dân trong bản. Nhiều gia đình rơi vào cảnh “tay trắng”, trong đó có vợ chồng cô.

“Nửa đêm lũ ập đến, 2 cô giáo mầm non vẫn đang ở trường và chưa kịp di dời. Rất may, mấy bác hàng xóm chạy vội lên, kịp thời báo tin để 2 cô thoát khỏi vùng nguy hiểm. Ngay sau đó, tôi cùng chồng và một số thanh niên lên hỗ trợ, đưa các cô giáo cùng người già, trẻ nhỏ vội vã di chuyển đến nơi tập kết an toàn”, cô Nụ hướng ánh nhìn xa xăm kể lại.

Sau cơn lũ dữ, lãnh đạo tỉnh, huyện và lực lượng dân quân địa phương được cử đến bản Nhạp hỗ trợ người dân khắc phục tạm thời. Dân quân dựng lều tạm giữa rừng luồng, làm nơi trú ngụ cho bà con và ổn định lại đời sống. Những mái lều cho trẻ mầm non cũng được dựng lên để cô, trò tiếp tục dạy – học.

“Thời điểm đó, người dân đi đến đâu, các cô theo đến đó. Những lớp mầm non di động sẵn sàng cắm chốt ở bất kỳ điểm nào mà phụ huynh dừng chân. Mỗi cô được phân công một nhiệm vụ. Người đi xách từng xô nước, người lượm thanh củi khô để nhóm lửa. Mục tiêu để đảm bảo từng bữa ăn, giấc ngủ cho trò”, cô Nụ nhớ lại.

Suốt 1 năm ròng rã (từ tháng 10/2017 – tháng 5/2018), cô trò ở điểm trường Nhạp phải sống và sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn đủ bề như thế. Những khi trẻ bị ốm, cô trò lại vất vả thêm bội phần. “Mình đã thương các con thì cố gắng lên một chút. Hôm nay mình đã cố gắng rồi, ngày mai cố thêm chút nữa để vượt qua. Tôi vẫn động viên đồng nghiệp của mình như vậy!”, cô Nụ bộc bạch.

Vượt qua những tháng ngày gian nan, điểm trường bản Nhạp được tổ chức thiện nguyện hỗ trợ xây dựng mới khang trang hơn. Tuy cơ sở vật chất là bán kiên cố, song cũng cơ bản đáp ứng được yêu cầu về dạy học cho hơn chục trẻ là con em ở tại khu tái định cư này.

“Cô Nụ đạt nhiều thành tích trong quá trình công tác. Đó là những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nhà trường. Cô hết lòng vì trẻ thơ, luôn chia sẻ kinh nghiệm, đoàn kết và tận tình với đồng nghiệp. Ở địa phương, cô được đồng nghiệp và phụ huynh tin tưởng, nể trọng”, cô Lường Thị Tươi – Hiệu trưởng nhà trường nói.

Cô Lường Thị Tươi cho biết, Trường Mầm non Đồng Ruộng đang dạy 147 trẻ ở lứa tuổi từ 15 tháng – 5 tuổi. Trường có 18 giáo viên, đa số đạt chuẩn trình độ đại học. Với nỗ lực của tập thể cán bộ giáo viên, năm học 2020 – 2021, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I.

Có được ngày hôm nay, cô Nụ chưa khi nào quên được những người thân vẫn hàng ngày âm thầm hỗ trợ phía sau. Đó là bố mẹ chồng, là người chồng vẫn chịu thương, chịu khó, chịu cảm thông và chia sẻ mỗi ngày.

“Điều mà cho đến nay tôi vẫn cứ mong muốn mãi, đó là: Làm sao có được con đường liên xã để cô trò được đến trường mỗi ngày. Dù nhà các cháu có xa đi nữa vẫn có thể đi bộ đến trường, bảo đảm an toàn đến lớp”, cô Nụ nói.

Chia sẻ về câu chuyện của cô Nụ, ông Quản Văn Giang – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đà Bắc – cho biết: “Cô Nụ là tấm gương sáng để đồng nghiệp noi theo. Cô luôn nỗ lực vượt khó để làm tròn trách nhiệm với nghề và với học sinh.

Cô đã không quản nắng mưa, đưa đò, đồng hành cùng học trò để các em được học chữ và tiếp cận tri thức. Cô là một trong những cá nhân điển hình tiên tiến và là tấm gương về nghị lực để cổ vũ các nhà giáo hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Recommended For You

About the Author: @dmin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *