Bất chấp điều kiện dịch bệnh, các nhà trường tại Hà Nội luôn chủ động phương án dạy học theo hướng linh hoạt, nhất là với khối 9 để sẵn sàng cho kỳ thi vào lớp 10 THPT năm 2022.
Vừa dạy học, vừa lo phòng dịch
Hiện, học sinh khối 9 và 12 thuộc các huyện ngoại thành, học sinh lớp 12 các quận nội thành thuộc địa bàn có dịch ở cấp độ 1, 2 vẫn được đến trường học trực tiếp.“Mỗi buổi sáng, ngay từ cổng có nhân viên, thầy cô đứng đo thân nhiệt, yêu cầu HS sát khuẩn tay rồi đi theo hàng lối đã được phân luồng từ trước để vào lớp. Do có 4 lớp nên chúng tôi bố trí ở các dãy nhà khác nhau, đảm bảo khoảng cách giữa các lớp không tiếp xúc gần. Các em thực hiện đeo khẩu trang trong suốt quá trình học trên lớp cũng như thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K. Khi học trực tiếp, thầy cô đã rà soát lại hệ thống kiến thức cho các em trong thời gian học online. Những em bị thiếu sẽ bổ trợ kịp thời, nhất là các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Qua kết quả đợt thi khảo sát cũng như thi học kỳ vừa qua, nhà trường sẽ có điều chỉnh phù hợp nhằm bổ sung kiến thức cho các em để sẵn sàng cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới” – cô Chung nói.
Với 158 học sinh khối 9 chia làm 4 lớp, Trường THCS Tráng Việt (huyện Mê Linh) tổ chức cho các em đến lớp học trực tiếp từ ngày 6/12/2021 đến nay. Cô Hà Thị Kim Chung – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Trong tổng số 684 học sinh thì có 562 em thuộc các khối 6, 7, 8 đang phải học online. Hơn một tháng qua, trường chỉ ghi nhận một vài em lớp 9 thuộc diện F1 nên cho học trực tuyến. Sau quá trình xét nghiệm cho kết quả âm tính, các em lại đi học trực tiếp. Công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch luôn là ưu tiên hàng đầu của nhà trường. Học sinh được quán triệt nguyên tắc “một cung đường, hai điểm đến”.
Là giáo viên Ngữ văn của Trường THCS Tráng Việt, thầy Võ Bá Lưu cho hay: Quá trình học trực tiếp đã giúp các em có thêm được sự tự tin, tính chủ động và giao tiếp giữa thầy trò cao hơn rõ rệt so với học trực tuyến. Thầy Lưu đã chuẩn bị cho học sinh nội dung ôn tập trọng tâm theo kế hoạch chung của trường. Song song với chương trình học chính khóa, các em được làm quen và tập dượt với các dạng đề tham khảo. Ngoài ra, thầy giáo cũng trao đổi và giao bài tập cho học sinh thông qua nhiều kênh khác nhau. Kết quả kiểm tra học kỳ I môn Ngữ văn vừa qua cho thấy, đa số các em đã có sự tiến bộ.
Với điểm 9 môn Ngữ văn thi học kỳ vừa qua, em Võ Thị Kim Ngân – học sinh lớp 9 Trường THCS Tráng Việt cho hay: Ngoài việc học và nhớ kiến thức thầy giáo dạy trên lớp, em đã tham khảo thêm các kiến thức ở bên ngoài, trên mạng để củng cố thêm. Trong đó là đọc thêm nhiều sách về văn học để mở rộng vốn từ giúp câu văn trở nên mượt mà hơn.
Nên thi 3 môn để giảm áp lực
Thực hiện hướng dẫn liên ngành của Sở GD&ĐT và Sở Y tế thành phố, Trường THCS Chu Phan (huyện Mê Linh) đã đón 125 học sinh khối 9 đi học trực tiếp. Các em bước sang tuần học thứ 6 ở trên lớp. Thầy Nguyễn Văn Quang – Hiệu trưởng nhà trường thông tin: Với đặc điểm dân cư chủ yếu làm nông nghiệp nên vẫn có một vài em khó khăn cần hỗ trợ thiết bị học trực tuyến. Việc đầu tiên khi đón học sinh đến lớp chính là khảo sát chất lượng học online. Từ đó, giáo viên các bộ môn sẽ báo cáo ban giám hiệu để có kế hoạch củng cố, bổ trợ kiến thức cho học sinh, nhất là những môn chuẩn bị thi vào lớp 10. Thầy Quang cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiệu quả giữa học trực tiếp với học online vẫn còn một khoảng cách khá xa. Do đó, mỗi thầy cô sẽ phải thực sự sát sao, quan tâm hơn nữa tới các em để đảm bảo đủ hành trang kiến thức cho kỳ thi vào 10 sắp tới.
Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm, giáo viên Trường THCS Chu Phan chia sẻ, ở đợt kiểm tra học kỳ môn Ngữ văn vừa qua, kết quả của học sinh đã tốt hơn so với thời gian học trực tuyến trước đó. Việc chữa bài và tương tác giữa cô trò được nâng lên một bậc, học sinh ghi chép tốt hơn. Ngữ văn là một trong những môn “cứng” để thi vào lớp 10 những năm gần đây, giáo viên sẽ phải củng cố lại kiến thức cho các em một cách cơ bản, bám sát chương trình nhất. Đồng thời, tiếp cận cấu trúc đề thi của các năm trước để luyện đề cho học sinh. Trong học kỳ 2, cô trò cần phải tích cực hơn nữa trong dạy và học, nhất là giúp một số em có học lực trung bình để khắc phục những phần/nội dung còn thiếu và yếu. Tuy nhiên, nếu có thể thì Sở GD&ĐT Hà Nội nên đề xuất với lãnh đạo thành phố về việc chỉ cho thi 3 môn để vào lớp 10 năm 2022.
Chia sẻ về kỳ thi sắp tới, Bùi Thế Mạnh và Nguyễn Đàm Hương Giang, học sinh lớp 9A cùng mong muốn nên thi 3 môn để giảm áp lực học hành. Lý do được các em đưa ra là thời gian học trực tuyến khá dài, đó là chưa cộng dồn cả nửa cuối học kỳ II của năm học trước, lượng kiến thức đảm bảo cho 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh vẫn chưa đạt được hiệu quả tối đa. Do đó, thời gian này nếu tập trung cho những môn này sẽ tốt hơn. Hơn nữa, học online sẽ vất vả cho cả thầy cô và học trò. Việc tiếp thu kiến thức cũng như tương tác bị hạn chế rất nhiều so với trên lớp. Cho nên, được trở lại lớp học trực tiếp khiến các em rất vui mừng.
“Chúng tôi bám sát kế hoạch đã được nhà trường phê duyệt để dạy những kiến thức cần thiết, đủ để sẵn sàng tham dự kỳ thi vào lớp 10 nếu đây được chọn làm môn thi thứ 4. Hiện, Sở GD&ĐT vẫn chưa “chốt” phương án thi vào lớp 10 THPT năm 2022. Tuy nhiên, thầy trò đều mong muốn các cấp lãnh đạo sẽ có những kế hoạch phù hợp với thực tế theo hướng giảm áp lực cho học sinh” – thầy Nguyễn Quang Hiếu, giáo viên dạy Lịch sử, Trường THCS Chu Phan cho biết.
Là đơn vị mới bước sang tuần thứ hai mở cửa đón các em khối 9 đi học trở lại, Trường THCS Đông La (huyện Hoài Đức) vẫn kết hợp hai hình thức dạy học trực tuyến và trực tiếp. Theo lãnh đạo nhà trường, ngoài các khối 6, 7, 8 đang học online theo thời khóa biểu cố định, trường cũng bố trí một phòng riêng lắp đặt đầy đủ camera và các thiết bị cần thiết để cho học sinh học trực tuyến. Thực tế, đã có trường hợp giáo viên là F1 không thể tới trường nên đã dạy trực tuyến tại nhà. Học sinh lớp đó lên phòng và có giáo viên khác tới trợ giảng. Thông qua phần mềm Mocrosoft Teams, thầy trò vẫn giao tiếp và trao đổi bài.