Không có bất cứ chứng cứ khoa học, thực tế để chứng minh giáo viên hạng cao hơn có đạo đức cao hơn giáo viên hạng thấp và ngược lại.
Ngày 18/10/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực từ 10/12/2021.
Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi sẽ giảm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo các hạng chỉ còn 01 chưng chỉ, thay vì mỗi hạng có 01 chứng chỉ như quy định của chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT và không còn quy định việc đào tạo, bồi dưỡng chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học.
Điều này đồng nghĩa với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo phải sửa đổi chùm Thông tư 01,02, 03,04/2021/TT-BGDĐT.
Chính phủ giảm chứng chỉ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nhưng giáo viên vẫn phải “cắn răng” học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Cô giáo Phan Minh ở Lâm Đồng chia sẻ: “Em biết Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP giáo viên chỉ còn 1 chứng chỉ chung, nhưng em vẫn phải học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II, vì nếu không có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II nộp cho nhà trường, em sẽ bị xuống hạng III khi thực hiện Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT. Dù vất vả, tốn kém, nhưng đành “cắn răng” mà học thôi thầy ạ”.
Hiện nay, vẫn có địa phương tiếp tục gửi công văn yêu cầu giáo viên học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trên tinh thần “tự nguyện” với học phí 2.500.000 đồng.[1]
Hoặc không có công văn chính thức, nhưng với hình thức thông báo nộp hồ sơ để xếp hạng, chuyển đổi theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT.
Như vậy, giáo viên hạng III muốn lên hạng II; giáo viên hạng II muốn giữ hạng, khi chưa có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp sẽ buộc phải học lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp để có chứng chỉ, nộp cho nhà trường, vì “hiện theo thông tư của Bộ vẫn yêu cầu đến 31/12/2021 phải hoàn thành chứng chỉ để xét chuyển đổi giữ hạng, hoặc thăng hạng giáo viên để xếp lương”.[1]
Có thể nói chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT vẫn là “chuyến tàu vét” những giáo viên chưa có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nhưng muốn thăng hạng, giữ hạng phải học bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Giáo viên đã có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp có phải học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo Nghị định số 89/2021/NĐ-CP?
Khoản 3 Điều khoản thi hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ghi rõ:
Cán bộ, công chức, viên chức có chứng chỉ hoàn thành các chương trình bồi dưỡng quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 17 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP hoặc đã được bổ nhiệm vào chức vụ, ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức trước ngày 30.6.2022 thì không phải tham gia các chương trình bồi dưỡng tương ứng theo quy định của Nghị định này.
Như vậy, giáo viên đã có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, đã được bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh nghề nghiệp viên chức trước ngày 30/6/2022 thì không phải tham gia các chương trình bồi dưỡng tương ứng theo quy định Nghị định số 89/2021/NĐ-CP.
Sửa thông tư, xin Bộ bỏ xếp đạo đức giáo viên theo hạng
Chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ra đời đã được dư luận đánh giá còn có quá nhiều “sạn”; không ít ý kiến đề nghị Bộ không nên triển khai thực hiện chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT.
Trong các “sạn” về chế độ lương, “Thầy giáo kiến nghị Bộ cần sửa 6 vấn đề trong các thông tư chuyển hạng xếp lương” đã nói hộ rất nhiều giáo viên.
Người viết chỉ xin, khi sửa thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT, xin Bộ bỏ xếp đạo đức giáo viên theo hạng!
Thứ nhất, đạo đức giáo viên đã có quy định cụ thể trong Quyết định Số: 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16 tháng 4 năm 2008.
Thứ hai, đã là giáo viên phải có phẩm chất đạo đức chung, nếu chia đạo đức giáo viên theo hạng, vô hình trung chúng ta đang xúc phạm chính bản thân mình; không tự tôn trọng mình thì không thể yêu cầu xã hội, học sinh, phụ huynh tôn trọng mình được, nên phải bỏ chia đạo đức theo hạng.
Thứ ba, nếu chia đạo đức theo hạng, vô hình trung chính Bộ đang chấp nhận giáo viên “đạo đức hạng II, III”; như vậy liệu có đúng với mong muốn, ước mơ của xã hội?
Đã là giáo viên, phải đạt chuẩn mực đạo đức xã hội, phải là người tử tế trước khi làm giáo viên, có như thế, mỗi thầy cô mới trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo.
Thứ tư, không có bất cứ chứng cứ khoa học, thực tế để chứng minh giáo viên hạng cao hơn có đạo đức cao hơn giáo viên hạng thấp và ngược lại.
Thực tế, gần 40 năm dạy học, người viết chứng kiến không ít giáo viên hạng thấp vẫn là tấm gương vì học sinh thân yêu; là tấm gương sáng cho học sinh, đồng nghiệp; nhưng vướng về bằng cấp, nên không thể xếp hạng II, hạng I.
Nếu Bộ vẫn giữ xếp đạo đức giáo viên theo hạng là phi khoa học, không gắn với thực tế, thực tiễn.
Vì thế, một lần nữa, tha thiết xin Bộ bỏ xếp đạo đức giáo viên theo hạng khi sửa đổi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://laodong.vn/xa-hoi/vi-sao-nhieu-giao-vien-van-bi-thuc-hoc-chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-965897.ldo
– Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT.
– Nghị định số 89/2021/NĐ-CP
– Quyết định Số: 16/2008/QĐ-BGDĐT.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.Sơn Quang Huyến