Giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh yếu thế: Đề cao tinh thần hòa nhập

Song song trau dồi văn hóa, các trường phổ thông đặc biệt chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh yếu thế thông qua những trải nghiệm thực tế, đồng thời, đề cao tinh thần hòa nhập, tương thân tương ái.

Bài học từ trải nghiệm

Với khoảng 60% học sinh là trẻ khiếm thính, Trường PTCS Xã Đàn, Hà Nội, có 2 mô hình lớp học là hòa nhập (dành cho học sinh bình thường và học sinh khiếm thính) và chuyên biệt (dành cho học sinh khiếm thính nặng). Nhờ mô hình này, học sinh khiếm thính nhận được sự quan tâm, chăm sóc từ bạn bè, thầy cô. Trong khi đó, học sinh bình thường có thể giúp đỡ học sinh yếu thế, từ đó nuôi dưỡng lòng nhân ái, bao dung.

Thầy giáo Phạm Văn Hoan – Hiệu trưởng Trường PTCS Xã Đàn – cho biết, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được thực hiện thông qua giáo dục truyền thống lịch sử trong giờ chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp. Ngoài ra, công tác này được lồng ghép trong hoạt động tư vấn tâm lí, tìm hiểu lịch sử, Đoàn, Hội và qua các buổi hội thảo.

Đơn cử, Trường PTCS Xã Đàn đã phối hợp với các tổ chức xã hội mở Hội thảo “Con hiểu biết, con an toàn” với mục đích giáo dục giới tính cho học sinh khiếm thính, phòng tránh xâm hại tình dục cho học sinh.

Phan Minh Phúc – học sinh lớp 6B1 – chia sẻ: Ở trường, thầy cô tổ chức cho chúng em đón Tết Trung thu tại Hoàng thành Thăng Long, giao lưu với các bạn trường quốc tế, tham gia Ngày hội Văn hóa – Thể thao… Em ấn tượng và yêu thích nhất là buổi ngoại khóa chụp kỷ yếu chia tay cấp tiểu học. Đó là kỷ niệm đẹp đẽ làm em nhớ mãi những người bạn đã chuyển trường và trân trọng cô giáo Minh Hiếu đã gắn bó với em trong 7 năm học.

“Em mong muốn luôn nhận được sự quan tâm của thầy cô, giúp em được học văn hóa, học nghề phù hợp để tự lập cho cuộc sống trong tương lai”, Phúc bày tỏ.

Học cùng lớp với Phúc, em Vũ Ngọc Mỹ, hào hứng bày tỏ: Nhà trường thường xuyên mời chuyên gia đến dạy các bài học về tâm lý tuổi mới lớn. Ở đó, thầy cô giáo đều lắng nghe những tâm sự, khó khăn mà chúng em gặp phải rồi dạy chúng em về lòng yêu thương, biết ơn thầy cô, gia đình và mọi người xung quanh. Qua những buổi nói chuyện như vậy, em cảm thấy được thấu hiểu, được chia sẻ và hiểu thế nào là yêu thương và thực hành yêu thương.

“Sau những giờ học, ngày chơi, con hào hứng về chia sẻ lại với gia đình. Bố mẹ có thể chưa hiểu hết ngôn ngữ của con nhưng tôi cảm nhận được cháu vui và hạnh phúc khi được tham gia các hoạt động này”, chị Nga bày tỏ.

Cho con theo học tại trường từ năm 2012, chị Ngô Thị Thanh Nga – phụ huynh em Vũ Ngọc Mỹ – cho biết: Năm vào lớp 1, Mỹ chưa biết chữ, chưa biết viết, ăn uống cũng rất kém nên thường xuyên ốm yếu. Tuy nhiên, sau 9 năm học tại trường, em đã có thể làm toán 4 phép tính, biết viết câu đơn giản và giao tiếp tốt hơn với mọi người xung quanh. Em cũng khỏe mạnh hơn so với trước đây rất nhiều.

Ngoài ra, trong hoạt động tập thể như chào cờ hàng tuần, chào mừng các ngày lễ lớn, tham quan dã ngoại tập thể, đặc biệt là Ngày hội Văn hóa – Thể thao chào mừng Ngày Khuyết tật Việt Nam 18/4, nhà trường giao cho cán bộ Đoàn, Đội thiết kế cuộc thi, trò chơi phù hợp. Ở đó, học sinh bình thường và các bạn khiếm thính cùng tham gia.

Số giải thưởng cũng được tính toán sao cho có sự đồng đều, nghiêng một chút về học sinh khiếm thính mà các em khác không thấy bị thiệt thòi và cảm nhận luôn có sự công bằng. Từ đó, học sinh khiếm thính nhanh chóng hòa đồng, không tự ti. Đồng thời, học sinh bình thường được học về sức mạnh, sự nhẫn nại của các bạn khiếm thính, biết yêu thương, chia sẻ và nhân ái hơn.

Bên cạnh đó, nhà trường còn giúp đỡ cha mẹ học sinh thể hiện tình yêu thương với con, chăm sóc các con đúng cách. Qua Hội thảo “Yêu thương con đúng cách”, trường mời các chuyên gia đến thảo luận không nên yêu chiều con quá mức hoặc “trăm sự nhờ nhà trường” chăm sóc con. Từ đó, giữa gia đình, nhà trường và xã hội có sự phối hợp nhịp nhàng để giáo dục học sinh khiếm thính cả về thể chất lẫn tinh thần.

Học sinh yếu thế tại Trường THCS Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) được hỗ trợ học trực tuyến tại trường. Ảnh: Trường Tiến

Giáo dục hòa nhập

Biết yêu thương, sẻ chia với những bạn yếu thế, trong đó đề cao sự hòa nhập, là chủ điểm giáo dục đạo đức, lối sống được nhiều trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội quan tâm đẩy mạnh trong thời gian gần đây.

Từ năm 2015, Trường THPT Ba Vì, Hà Nội, đón 3 học sinh nhiễm HIV từ Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2. Hiệu trưởng Nguyễn Đình Thắng cho biết, qua tìm hiểu, nhà trường nhận thấy ở bậc tiểu học, THCS, các em bị phụ huynh học sinh kỳ thị. Do đó, từ trước khi vào năm học, nhà trường đã chuẩn bị phương án truyền thông.

Trong lễ khai giảng, nhà trường mời học sinh nhiễm HIV lên sân khấu biểu diễn văn nghệ. Thầy hiệu trưởng trực tiếp tặng hoa chúc mừng các em để chứng minh việc giao tiếp thông thường không làm lây nhiễm HIV.

“Đến buổi chào cờ đầu tiên trong năm học, nhà trường mời chuyên gia, bác sĩ tư vấn về phòng chống lây nhiễm HIV trong nhà trường. Tiếp tục trong cuộc họp phụ huynh, nhà trường đã trao đổi với cha mẹ học sinh. Song song, trong giờ sinh hoạt lớp, giáo viên chủ nhiệm đã trao đổi và “mục sở thị” hoạt động giao tiếp với học sinh nhiễm HIV”, thầy Thắng cho hay.

Chứng kiến giao tiếp tự nhiên giữa thầy cô và bạn bè, học sinh nhà trường dần cởi mở và hòa nhập với các bạn nhiễm HIV. Đặc biệt, các em đã truyền thông ngược lại cho phụ huynh để xóa bỏ rào cản xã hội.

Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy – Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh – cho biết, các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đã thành lập tổ tư vấn tâm lí học đường kịp thời hỗ trợ học sinh, đặc biệt là nhóm học sinh yếu thế. Các tổ tư vấn tâm lí tham vấn những hoạt động phù hợp trong công tác giáo dục đạo đức, kĩ năng sống, tạo cơ sở cho việc hình thành và phát triển nhân cách, lối sống lành mạnh cho học sinh.

“Thông qua buổi họp phụ huynh học sinh, các nhà trường lồng ghép tuyên truyền đến cha mẹ học sinh các nội dung về tâm lí lứa tuổi, bình đẳng giới và ngăn ngừa, ứng phó với bạo lực học đường. Qua đó, cha mẹ học sinh có nhận thức đúng đắn, thay đổi trong nhận thức và hành động cũng như quan tâm, thương yêu, gần gũi với con em mình hơn”, bà Thúy bày tỏ.

TS Hà Thị Thư – Chủ nhiệm bộ môn Công tác xã hội, Học viện Khoa học Xã hội – cho biết, học sinh yếu thế được hiểu là những em có nhu cầu cần được trợ giúp. Các em thường gặp một hay vài vấn đề về tâm lý hoặc xã hội, như bị khiếm khuyết, mắc bệnh nan y, gia đình nghèo, đặc điểm tâm sinh lý bất thường… dẫn đến gặp khó khăn hoặc thiếu sự hòa nhập trong học tập. Khi học sinh ở hoàn cảnh này có thể bị phân biệt đối xử, thiếu an toàn… gây cản trở cho sự phát triển và hoàn thiện về thể chất, tinh thần các em. Do đó, cần xây dựng trường học an toàn, thân thiện và hòa nhập cho nhóm học sinh này.

Recommended For You

About the Author: @dmin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *