Không chỉ ở chủ đề học tập, học sinh còn được Hiệu trưởng tư vấn về tình yêu tuổi học trò, các bước chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới…
Sáng 15/1, Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) đã tổ chức buổi giao lưu đối thoại giữa Hiệu trưởng với gần 1.000 học sinh của trường.
Xây dựng môi trường học tập tích cực
TS Lê Xuân Trung – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, hoạt động này nhằm thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Đây cũng là diễn đàn công khai giúp nhà trường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh để có những điều chỉnh phù hợp trong quản lý, giảng dạy.
Trần Ngọc Thư, học sinh lớp 12A1 đặt câu hỏi về các giải pháp để xây dựng một môi trường học tập tích cực.
Trao đổi về điều này, thầy Hiệu trưởng Lê Xuân Trung nhấn mạnh, để có môi trường học tập tích cực cần có nhiều yếu tố, trong đó phải đảm bảo an toàn cả thầy cô, học sinh. Muốn làm được việc này cần tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn các thầy cô thực hiện tốt nội quy và quy tắc ứng xử trong nhà trường.
Các thầy cô phải thường xuyên đổi mới phương pháp, không ngừng tự học sáng tạo, làm sao để mỗi tiết học thực sự lôi cuốn học sinh, cung cấp những điều bổ ích để các em chiếm lĩnh tri thức. Nhất là khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, học sinh cần xác định học tập là quyền lợi, trách nhiệm của mình để báo hiếu cho bố mẹ, gia đình.
Cũng theo thầy Trung, nhà trường tạo nhiều sân chơi để học sinh phát huy sở trường vốn có của mình, giúp các em tăng cường kỹ năng mềm để thấu hiểu và chia sẻ. Việc giao lưu đối thoại cũng tạo bầu không khí dân chủ để thầy trò hiểu hơn về tâm tư, nguyện vọng của nhau và cùng nhau thay đổi.
Đại diện học sinh lớp 11A1 nêu câu hỏi về tình yêu tuổi học trò. Thầy Lê Xuân Trung cho rằng, đây là một thứ tình cảm rất đẹp, tự nhiên trong sáng đầu đời của tuổi học sinh và đáng được trân trọng. Tuy nhiên, tình cảm dù rất đáng trân trọng nhưng không được ảnh hưởng tới học tập và rèn luyện của các em.
Thực tế cho thấy, trong tình yêu tuổi học trò sẽ thường chi phối nhiều về mặt thời gian học hành của các em. Hoặc có thể vì đối phương của mình không còn quý mến mình sẽ khiến ta mất động lực học tập, rèn luyện và có các hành động cực đoan làm cho gia đình, thầy cô lo lắng. Điều này các em cần thực sự tránh.
“Tình yêu tuổi học trò có mặt tích cực là động viên nhau học tập, giúp đỡ và cố gắng tiến thân về sau; nhưng tác dụng tiêu cực trở lại cũng không ít. Có trường hợp do không làm chủ được bản thân khiến bạn nữ mang thai ngoài ý muốn, ảnh hưởng tới sức khỏe. Do đó, các em cần kiểm soát cảm xúc và đảm bảo việc học tập của cả hai”, thầy Trung nói.
Tăng cường kỹ năng sống cho học sinh
Nữ sinh Hà Vy đến từ lớp 11A2 đặt câu hỏi, ngoài kiến thức trong sách giáo khoa thì học kỹ năng sống cũng rất quan trọng với các em. Nhà trường có những giải pháp ra sao để nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh?
TS Lê Xuân Trung cho biết, nhà trường luôn quan tâm tới công tác tư vấn tâm lý học đường, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Trường đã và đang tạo nhiều sân chơi, hoạt động ngoại khóa để các em có điều kiện được trải nghiệm. Mục tiêu giúp học sinh tự tin và có thêm nhiều kiến thức thực tế để đối mặt với các thách thức trong cuộc sống.
Trao đổi về những bước cần thiết để chuẩn bị tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sắp tới, thầy Lê Xuân Trung yêu cầu học sinh cần lựa chọn được tổ hợp môn thi cho phù hợp với năng lực, sở trường hiện có của mình. Sau đó, các em xây dựng một kế hoạch ôn tập đúng đắn với thời gian được phân bổ hợp lý.
Ngoài ra, các em cần tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của thầy cô đang dạy bộ môn mà mình học để chỉ ra những điểm yếu của mình và bổ khuyết kịp thời. Các em phải giữ gìn sức khỏe và có tham gia mạng xã hội có chừng mực, chú ý tập luyện thể dục thể thao. Không được nản chí, thật sự kiên trì, vượt qua khó khăn để bền bỉ học tập.
“Tại diễn đàn này, chúng tôi không yêu cầu học sinh chỉ được hỏi về một chủ đề nhất định, thay vào đó là nêu thật nhiều câu hỏi thắc mắc ở các khía cạnh mà mình còn băn khoăn từ học tập, gia đình, hướng nghiệp, tình yêu tuổi học trò… Tôi sẽ trực tiếp trao đổi, tư vấn, chia sẻ đến từng góc cạnh của vấn đề để các em cảm thấy hài lòng nhất có thể. Mục tiêu chung là thầy trò cùng nhau xây dựng một môi trường học tập lành mạnh, kiến tạo trường học hạnh phúc”, TS Lê Xuân Trung nói.
Theo: Giáo Dục Thời Đại