Sau một thời gian học online, nhiều phụ huynh than thở con họ đã trở thành game thủ, thậm chí nhiều gia đình cảm thấy bất lực khi trẻ thích vùi đầu vào game online.
Học online không hiệu quả: Vì đâu nên nỗi?
Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội báo cáo về tác động của dịch COVID-19 đối với các lĩnh vực giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao, du lịch; thông tin, truyền thông; tín ngưỡng, tôn giáo và đối tượng thanh niên, trẻ em.
Theo Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, 41% báo cáo từ địa phương cho thấy cha mẹ học sinh lo lắng về chất lượng dạy học, sức khỏe của học sinh khi học trực tuyến.
Ủy ban Văn hoá, Giáo dục nêu rõ, đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, việc triển khai học tập trực tuyến do đại dịch COVID-19 đã tác động lớn đến chất lượng học tập của học sinh.
Đối với học sinh cấp tiểu học (nhất là lớp 1) và học sinh ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hình thức học trực tuyến còn gặp nhiều thách thức, khó triển khai hoặc triển khai không hiệu quả.
Đặc biệt, báo cáo đánh giá, đối với trẻ mầm non, mẫu giáo và lớp 1 phải ở nhà thời gian dài ảnh hưởng đến nền nếp, thói quen thực hiện chế độ sinh hoạt theo yêu cầu phát triển của độ tuổi; ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm lý, sức khỏe và kỹ năng giao tiếp với thế giới xung quanh. Một số trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật học hòa nhập, trẻ em là con công nhân, người lao động mất việc làm…có nguy cơ chậm phát triển.
Dịch Covid-19 đã khiến học sinh cả nước trải qua thời gian giãn cách xã hội và học trực tuyến kéo dài. Việc được làm quen với máy tính, điện thoại di động và ít bị kiểm soát bởi phụ huynh đã khiến nhiều học sinh mỗi ngày ngồi cả chục tiếng trên máy tính, nghiện game online, trở thành game thủ chỉ trong một thời gian ngắn.
Chị Nguyễn Thị Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trước đây khi còn được làm từ xa chị có thời gian kè kè bên con học. Nhưng từ khi cơ quan đi làm bình thường, chị phải nhờ bà ngoại trông con học giúp. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi mẹ không kiểm soát, chị được cô giáo thông báo rằng trong lớp con chơi game, không tập trung vào giờ học trên lớp. Nhiều lần cô giáo phải dùng hình phạt đuổi ra khỏi lớp học 10-15 phút.
Không chỉ con chơi điện tử, làm việc riêng không kiểm soát được mà nhiều phụ huynh cho rằng, con cái như thay đổi hẳn khi học trực tuyến khi cảm xúc bị biến đổi dẫn đến bồn chồn khó chịu, cáu kỉnh, nhân cách bị biến đổi, vấn đề về mắt đã dần xuất hiện.
Hiệu trưởng một trường tiểu học quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, thực tế cho thấy trong lớp học online đều diễn ra như ở lớp học trực tiếp. Trẻ ngáp ngắn ngáp dài, không tập trung, làm việc riêng, không phát biểu, ngồi không ngay ngắn, khoảng cách với máy tính quá gần,.. đều xuất hiện ở lớp học trực tuyến này.
Về vấn đề này, cô giáo Võ Thị Kim Hiệp, giáo viên trường THPT Trần Đại Nghĩa, TP.HCM cho rằng, việc triển khai học tập trực tuyến do đại dịch COVID-19 đã tác động lớn đến chất lượng học tập của học sinh, nhất là học sinh tiểu học.
Tuy nhiên, cô Hiệp, nhiều giáo viên và các trường chạy theo thành tích nên cứ bê nguyên giáo án trên lớp trực tiếp vào dạy trực tuyến nên học sinh học theo rất khổ.
Cũng theo giáo viên này, nhà trường và gia đình không nên áp lực theo thành tích với những học sinh tiểu học mà cần khuyến khích và khen ngợi các con khi hoàn thành bài tốt. Xen kẽ các môn chính là những bài học đạo đức, kể chuyện, tập hát để thu hút các con yêu thích học online vui vẻ tập trung không bị tâm lý ép buộc vì các con còn nhỏ.
“Với học sinh lớp 1, sau khi trở lại trường mới tập trung kèm, rèn các con tập viết chữ và làm toán cũng không sao. Còn các bài học môn Đạo đức, Tập đọc và Khoa học xã hội là dễ dạy online hơn nên trong thời gian này có thể tăng cường dạy các môn đó trước. Với lớp 2,3,4,5 các con đã lớn hơn và có nề nếp hơn nên có thể dạy theo thời khoá biểu nhưng cũng nên chỉ trực tuyến 50% thời gian học của lớp bình thường”- cô Hiệp đề xuất.
PGS. TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cho rằng, về tâm lý các con đã đến 1 giới hạn rồi, đã đến lúc để học sinh đến trường, không thể cách ly mãi ở nhà.
Theo PGS Nam, nguyên nhân của việc học trực tuyến không hiệu quả thì chúng ta đã nói nhiều rồi.
“Giáo viên không thể bê nguyên bài giảng trực tiếp lên trực tuyến để dạy trẻ. Việc dạy trực tuyến cần game hóa các bài học để thu hút trẻ cũng như chèn các hoạt động vận động trong lúc học nhưng giáo viên đã không làm được”- Ông Nam nhấn mạnh.
Chuyên gia giáo dục độc lập Vũ Thu Hương cho rằng, nhà trường nên đặt vị trí các bộ môn cần thiết cho sức khỏe của trẻ lên ngang hàng với môn Toán và tiếng Việt. Nhưng vấn đề ở chỗ hiện nay vị trí các môn học không được coi trọng như nhau khiến các con càng thêm mệt mỏi với học online.
Cũng theo bà Hương, không nên dùng để học tất cả các tiết học để học online mà chỉ sử dụng phương thức này khi không thể có phương án nào khác. Ngoài ra, các bài tập thực hành, bài tập tổng kết, tổng hợp, bài phân tích, xây dựng mô hình…. nên được áp dụng để các con tự làm.
“Cả cha mẹ và thầy cô nên dành nhiều công sức để đẩy khả năng tự học của trẻ lên. Như vậy, mới tránh áp lực được cho trẻ”- bà Hương nhấn mạnh.
Đưa trẻ đến trường, địa phương cần cân nhắc trên cơ sở khoa học
Chiều tối 19/10, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các địa phương yêu cầu, rà soát các điều kiện để tổ chức cho học sinh tới trường đảm bảo an toàn tại các cơ sở giáo dục. Cụ thể, địa bàn có dịch ở cấp độ 1, 2 được đi học trực tiếp.
Ủng hộ phương án của Bộ GD&ĐT, PGS. TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cho rằng, điều đầu tiên, liên quan đến việc mở cửa trường để các em học sinh được đi học trở lại, lãnh đạo các địa phương cần cân nhắc trên cơ sở khoa học.
“Việc cân nhắc sẽ dựa trên những lợi ích và nguy cơ về mặt giáo dục, y tế công cộng và kinh tế – xã hội trong bối cảnh địa phương trong đó đặt lợi ích tốt nhất của trẻ làm trung tâm để đưa ra những quyết định phù hợp và thấu cảm với niềm tin và suy nghĩ của cộng đồng, các bậc phụ huynh”- nhà giáo dục này nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nam, nhà trường cần lập kế hoạch từ trước và xác định những biện pháp cần bổ sung nhằm đảm bảo an toàn học sinh, giáo viên và cán bộ nhân viên khi họ quay trở lại và để cộng đồng cảm thấy tính khả thi và an toàn với việc cho trẻ quay trở lại trường học.
Ông Nam cho rằng, nhà trường sẽ cần có một số điều kiện như: toàn bộ giáo viên và nhân viên nhà trường phải được tiêm phòng; cần sắp xếp xen kẽ giờ đến trường và tan học; sắp xếp xen kẽ giờ ăn; tổ chức lớp học trong các không gian tạm thời hoặc ngoài trời và sắp xếp lịch học theo ca, giảm sĩ số lớp.
Những nguy cơ tổn thương sức khỏe tinh thần của học sinh khi quay trở lại trường là gì?
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, lần quay lại trường học này sẽ khác rất nhiều so với khi trẻ nghỉ hè những năm trước.
“Cha mẹ và giáo viên cần phải hiểu là với các em việc trở lại trường là trở lại với những nỗi lo (back to school = back to anxiety, back to stress). Các em có thể sẽ trải qua lo âu này đến lo âu khác. Mặc dầu ông tin là trong những ngày đầu tiên trở lại trường thì các em rất hào hứng”- ông Nam nói.
Tuy nhiên, ông Nam lo ngại, với hơn một năm với quá nhiều bất định làm bào mòn sức khỏe tâm lý của các em. Đại dịch COVID-19 cùng những chính sách giãn cách xã hội đã gây ra sự cô lập xã hội, mất việc làm, bất ổn kinh tế, tạo ra nỗi sợ hãi cao độ về nguy cơ bị lây nhiễm virus đã làm gia tăng những hành vi bạo lực trong các gia đình mà có thể học sinh là nạn nhân hoặc người chứng kiến.
Không những thế, việc bị mắc kẹt ở nhà giới hạn khỏi những hoạt động thường ngày khiến các em gắn chặt với các thiết bị công nghệ và hệ quả là tỉ lệ các em bị quấy rối, bắt nạt, tiếp xúc với các nội dung xấu độc trên mạng bao gồm cả các chất liệu bạo lực.
Cũng theo ông Nam, việc thay đổi những thói quen, hạn chế hoạt động trong bình thường mới cũng khiến cho tăng cảm giác bất an dẫn đến phản ứng cáu kỉnh nóng giận với bạn bè. Tất cả lo lắng và hình mẫu bạo lực dồn nén lại có thể là nguyên nhân dẫn đến những hành vi xấu tính và bạo lực với những người khác khi trở lại trường.
Trong bối cảnh bị giới hạn các hoạt động trong một thời gian dài, khi quay lại trẻ có thể có xu hướng nghịch ngợm, bất tuân, phá vỡ nội quy nhiều hơn. Các em sẽ nhạy cảm hơn với việc không được tôn trọng, có thể phản ứng mang tính bốc đồng, hung tính hơn.
“Trong thời gian đầu trở lại trường, cũng cần lưu ý trẻ sẽ quên thói quen dậy sớm, quên thói quen đến lớp – việc chuẩn bị này của bố mẹ đơn giản: Bắt đầu phải giảm tải học online, tập lại thói quen giờ giấc ngay từ ngày mai: ăn, ngủ đúng theo lịch đến trường’- ông Nam nói.
Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các địa phương yêu cầu, rà soát các điều kiện để tổ chức cho học sinh tới trường đảm bảo an toàn tại các cơ sở giáo dục. Cụ thể, địa bàn có dịch ở cấp độ 1, 2 được đi học trực tiếp.
Theo Bộ GD&ĐT, đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình): tổ chức dạy học trực tiếp; củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao): tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình. Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp; với cấp học phổ thông, ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9 và lớp 12, bảo đảm giãn cách phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và các điều kiện an toàn trong công tác phòng, chống dịch.
Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao): căn cứ vào tình hình thực tế và tiến độ triển khai kế hoạch năm học tại địa phương để tổ chức hình thức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học…, với cấp học mầm non và phổ thông, giáo viên hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em, học sinh học tập, vui chơi tại nhà theo các hình thức phù hợp.